Kinh tế bao cấp ở Triều Tiên sắp bị xóa sổ?

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy trái với vỏ bọc bao cấp, kinh tế Triều Tiên đang chuyển mình và dần hướng sang nền kinh tế thị trường.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, khoảng 70 tới 90% người dân Triều Tiên đang kiếm sống bằng việc buôn bán hàng hóa ở các chợ đen, chợ trời kể từ khi hệ thống cửa hàng phân phối gần như đã bị xóa sổ.

Cuộc khảo sát do hãng tin Chosun Ilbo và Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Thống nhất Hàn Quốc thực hiện với 100 người dân Triều Tiên sống ở khu vực Dandong và Yanji giáp biên giới Trung Quốc từ tháng 1 tới tháng 5 năm nay.

70 người được hỏi cho biết họ kiếm sống bằng cách buôn bán các loại hàng hóa và nhu yếu phẩm ở chợ đen. Khi được hỏi về mức độ phổ biến của việc buôn bán để kiếm sống, trên 1/3 số người được hỏi cho rằng có tới 90% người dân sống bằng nghề này.

Kinh tế bao cấp ở Triều Tiên sắp bị xóa sổ? - 1

Công nhân Triều Tiên đang sửa chữa xe trong một bãi đậu 

Một người dân Triều Tiên cho hay: “Hệ thống cửa hàng phân phối nhà nước đã bị xóa sổ, ngoại trừ Bình Nhưỡng và một vài nơi khác, điều đó gây khó khăn cho cuộc sống người dân khi chỉ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi, và chúng tôi phải kiếm sống bằng cách bán hàng”.

Một người dân khác nói: “Một nhân viên bình thường có mức lương khoảng 3000 Won/1 tháng (khoảng 70.000 đồng), số tiền đó không mua nổi 1 kg gạo, bạn sẽ chết đói nếu không đi buôn bán… Nhiều người sẽ bị chỉ trích khi mất việc, vì vậy họ sẽ giả vờ tới văn phòng vào buổi sáng và sau đó đi đến các chợ để bán hàng”.

Trong 100 người được hỏi, 86 người cho rằng nền kinh tế bao cấp của Triều Tiên đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và các quy định trong những nhà máy ở quốc gia này đang bị chế nhạo, chê bai.

Kinh tế bao cấp ở Triều Tiên sắp bị xóa sổ? - 2

Các nữ công nhân trong nhà máy dệt Sonbong ở đặc khu kinh tế Rason, Triều Tiên

Một trong những người dân được hỏi cho hay: “Nếu bạn không đi làm ở các công ty trong vòng 6 tháng, bạn sẽ bị đuổi việc, vì thế nhiều người đi làm nhưng tâm trí họ luôn để ở một nơi khác… Hầu hết các công nhân đối phó bằng cách chia một phần tiền kiếm được ở chợ cho lãnh đạo công ty và sống bằng số tiền còn lại”.

Có lẽ đây chính là lý do mà trào lưu sử dụng điện thoại di động đang lan nhanh ở quốc gia này. Một người dân Triều Tiên cho biết: “Mọi người mua điện thoại không phải vì họ có nhiều tiền mà vì điện thoại rất tiện dụng và cần thiết khi họ muốn bán một món hàng nào đó”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bình (Theo Chosun) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN