Kiếp đá đỏ: Sinh tồn ở rừng hoang

Ánh chiều chạng vạng, tiếng côn trùng, tắc kè bắt đầu kêu râm ran trong từng kẽ đá, bầy sóc cũng rục rịch đi tìm quả rừng để ăn. Phu đá Bế Văn Hiệp nghiêng nghiêng cái đầu nghe muôn vàn âm thanh hỗn tạp nơi rừng thẳm và chọn lọc âm thanh của bầy chuột rừng đang lít chít trong muôn trùng kẽ đá rồi cầm mấy chiếc bẫy sắt lặng lẽ chui vào mấy bụi rậm quanh chân núi đặt bẫy chuột.

Không thời gian biểu...

Hiệp bảo tôi đi đứng im bên một gốc cây cổ thụ rồi nhẹ nhàng đưa từng bước chân vào bụi rậm và khéo léo đặt vào kẽ đá hai chiếc bẫy sắt. Đặt bẫy xong Hiệp khoe: “Hôm nay kiểu gì cũng dính chuột. Nếu được hai con chuột rừng to thì coi như có thịt ăn trong vòng hai ngày”.

Đặt bẫy xong, Hiệp tiếp tục nhảy qua những vách đá tai mèo dựng đứng, sắc nhọn tiến sâu vào khu rừng rậm rạp, ở đó có những cây rừng có quả chín, Hiệp chọn một cây rừng nhiều quả chín nhất và giăng lưới, khi đàn sóc đến ăn quả chắc chắn sập bẫy. Chỉ cần bắt được dăm ba con sóc là có bữa nhậu ngon lành.

“Dân bờ bụi bọn anh thường đi đặt bẫy vào chập tối ngày hôm trước, đến sáng hôm sau thì dậy sớm đi thu bẫy và “chiến lợi phẩm”. Thịt chuột, sóc sau đó được chế biến và ướp muối, mắm xong bọn anh mới lên núi đào đá đỏ. Đào đá đỏ thường không có giờ giấc hay quy luật nào, ai thích thì đào, mệt thì nằm lán nghỉ uống rượu. Những hôm tìm trúng ổ đá, bọn anh gần như đào thông trưa, chỉ nghỉ 10 – 15 phút để ăn cơm.

Kiếp đá đỏ: Sinh tồn ở rừng hoang - 1

Món thịt lợn chua là thực phẩm thường xuyên của phu đá đỏ.

Sống trong rừng nhưng cái khoản rượu thì không thiếu, khi lên rúi, mỗi người bọn anh đã gùi theo cả chục lít rượu để uống dần, cũng có khi có người lên núi thì mình nhờ mua rượu đem lên”, Hiệp cho biết.

Một món thực phẩm khác rất dễ bắt gặp trong các lán trại của phu đá trong các khu rừng ở huyện Lục Yên (Yên Bái) đó là thịt chua. Đây là món ăn được dân bãi đá “chế” bằng cách thái thịt lợn thành từng miếng nhỏ, sau đó trộn thịt với muối, cây lá đỏ, thính gạo rồi cho vào bình nhựa. Đến bữa ăn chỉ cần cho thịt lên nồi nấu qua loa vài phút là được. Món thịt lợn chua có thể để được 6 – 7 tháng mà không bị hỏng.

Bài ca đá đỏ

Duy cùng chúng tôi đến lán vào giữa trưa. Không kịp nghỉ ngơi, Duy nhảy phắt sang một mỏm đá cạnh lán vơ bừa vơ ẩu mấy túm lá rừng và phủi sạch sâu, bụi bẩn sau đó cho luôn vào chảo xào cùng với mỡ. Duy khoe: “Rau đắng rừng không cần phải rửa, sạch hơn vạn lần so với rau ở dưới phố, món rau này mà nhắm rượu thì tuyệt vời lắm. Tẹo nữa chú ăn thử là biết”.

Trong lúc tôi cùng với Duy đang xông pha nấu bữa trưa thì cánh phu đá lóp ngóp chui từ những kẽ đá lên, dáng vẻ ai cũng mệt mỏi, tiều tụy. Nhìn thấy mấy can rượu chúng tôi vừa đem lên, anh phu đá tên Hiếu vặn nắp can ngửa cổ lên trời nốc rượu ừng ực. Gã bảo: “Tí ăn cơm gọi tao cái nhé! Mệt!”, nói rồi Hiếu nhảy phắt lên lán ngủ một giấc ngon lành.

Kiếp đá đỏ: Sinh tồn ở rừng hoang - 2

Dân đá đỏ quan niệm uống rượu để lấy sức làm việc.

Bữa trưa của đám phu đá được dọn ra với nhiều đồ nhậu lấy được từ rừng, thịt chuột, thịt sóc, thịt lợn chua, lòng lợn do chúng tôi mua từ dưới núi đem lên, rau rừng... những món ăn này được bày ra mấy cái bát tô sứt lỗ chỗ và đổ ra lá chuối rừng... Không cần “làm lễ” nhiều lời, đám phu đá nâng ly rượu hò dô khiến một góc rừng náo động.

Hiệp nâng chén rượu lên miệng nốc một hơi cạn sạch rồi rêu rao cùng chúng tôi “bài ca” đá đỏ - đó là “bài ca” đã cũ mèm nhưng lại có sức hút mãnh liệt lôi cuốn biết bao kiếp người quăng thân vào nơi rừng thiêng núi độc: “Mình cứ kiên trì đào đất, đập đá rồi kiểu gì cũng gặp đá đỏ, một khi vận may đến thì sẽ đổi đời ngay. Bây giờ giá đá đỏ cực đắt, chỉ cần đào được một viên bằng ngón tay đã có vài chục triệu, nếu đá đỏ như tiết gà, trong như nước suối thì giá vài trăm thậm chí là vài tỉ đồng chứ chả đùa”. Nói rồi Hiệp cầm viên đá bát giác lên mà ao ước: “Giá viên này mầu đỏ có phải là giàu to không, tiếc thật”.

Kiếp đá đỏ: Sinh tồn ở rừng hoang - 3

Lá rừng được dùng làm rau ăn hằng ngày.

Sau lời ao ước của Hiệp, tất cả đám phu đá trong mâm nhậu vỗ bụng cười ầm ĩ, cười không chỉ vì trong tiềm thức của Hiệp đã bị ám ảnh vì đá đỏ đến mức hoang tưởng mà còn vì cái lẽ rất hiển nhiên là thằng nào mà chẳng thích tiền, thích giàu.
Sau buổi trưa náo nhiệt, 8 người trong mâm nhậu uống hết non 5 lít rượu, tất cả đều ngà ngà hơi rượu và tản lên núi vác đá. Lục Xuân Tám, một phu đá bảo: “Anh em ở đây có rượu thì mới làm được, mày bảo những hòn đá to như cái thúng, nặng đến cả tạ không có rượu vào thì làm sao mà vác được”.

Vì cái việc lấy rượu làm “động lực” vác đá nên dù mới 32 tuổi mà Tám đã dính phải bệnh lao lực. Những hôm trái gió trở trời tức ngực, khó thở, ho khạc ra máu... ấy vậy mà vẫn chưa một lần gặp vận đổi đời. Nhìn cái thân hình còm nhom tựa con khỉ rừng của Tám cùng với những khối đá nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể khiến bạn bè xung quanh lo ngại cho tính mạng của Tám cùng những cơn ho dồn dập máu.

Thế nhưng Tám vẫn chủ quan: “Ốm đau đã có thuốc rừng, chỉ cần vơ mấy cây cỏ về nấu lên uống là khỏi. Như cái trận ốm năm ngoái, ho hộc máu ra, sốt cao đến 400C thế mà chỉ cần uống mấy thang thuốc rừng là khỏi, không cần phải “xoắn”, trời sinh, trời dưỡng, tao phải đào được chục viên đá đỏ nữa mới nghỉ, còn lâu mới chết được tao”.   

- Trước khi dẫn chúng tôi lên rừng, Lục Văn Duy không quên kể về chiến tích uống rượu của phu đá đỏ: “Phu đá bọn em lấy rượu làm thầy quen rồi. Trên bãi đá, lán nào cũng có vài lít rượu dự trữ, phải có cái món rượu thì mới làm được việc, nếu không thì chân tay bủn rủn, mềm yếu”. Vì cái lẽ đó nên trước khi lên núi Duy đã mua thêm vài lít rượu bổ sung vào cái kho rượu dự trữ trên lán.

- “Anh em đá đỏ sống trong rừng từ 1 - 5 tháng, cá biệt có thằng Hiệp nó ở trong rừng cả năm, Tết mới về nhà. Ở trong rừng đường đi lối lại khó khăn nên anh em không ai muốn về, lương thực thì có người nhà đem lên, hoặc mỗi khi lên núi thì chỉ cần đem theo 50 – 60 cân gạo đủ ăn trong vòng tháng rưỡi, hết gạo lại đi vay hoặc ăn nhờ anh em lán khác”, Lục Xuân Tám cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quách Dương (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN