Kí ức về tiếng pháo Tết xưa

Tiếng pháo nổ đì đùng, giòn giã vào đêm Giao Thừa là những mảnh kí ức chẳng thể nào quên của nhiều người.

Trước năm 1995, pháo nổ thường được sử dụng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa internet

Trước năm 1995, pháo nổ thường được sử dụng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa internet

Nhắc tới Tết xưa, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới “pháo”. Pháo ngày xưa không phải là pháo hoa rực rỡ bắn vào đêm giao thừa như bây giờ, mà đó là những bánh pháo dây, pháo tét nổ “đùng”, “đoàng” mà nhiều người vẫn ví von là “nổ như pháo rang”.

Lũ trẻ con lúc ấy đứng bịt tai xem đốt pháo, rồi lao vào hít hà mùi khói thuốc pháo sau khi nổ hết dây. Những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ trong tiếng pháo giòn tan làm cho không khí ngày Tết càng thêm náo nhiệt.

Hình ảnh xác pháo đỏ đường trong tiết trời gió bấc lành lạnh, cùng mùi khói bếp, hương thơm nước mùi già hay không khí cả gia đình quây quần gói bánh chưng,… chắc hẳn là những thứ đã hằn sâu trong tâm trí nhiều người mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Với nhiều người, tiếng pháo nổ như báo hiệu Tết đã đến

Với nhiều người, tiếng pháo nổ như báo hiệu Tết đã đến

Tuy nhiên, đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 406 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.

Kể từ thời điểm đó đến nay, tiếng pháo nổ không còn xuất hiện nữa. Thay vào đó, bây giờ người dân được chiêm ngưỡng pháo hoa đêm giao thừa do lực lượng chức năng bắn.

Mặc dù, chỉ thị 406 đã khiến nhiều người cảm thấy nuối tiếc, hụt hẫng nhưng không thể phủ nhận việc cấm đốt pháo đã đem lại kết quả tích cực.

Mùi pháo – mùi của ngày Tết

Nhớ về ký ức Tết xưa với pháo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – người có hiểu biết sâu rộng về văn hóa, lịch sử và đời sống Hà Nội cho hay: Thời bao cấp, tiếng pháo nổ tạo ra không khí Tết. Mùi thuốc pháo quện vào mưa xuân tạo ra mùi rất đặc trưng mà chỉ cần ngửi thấy người ta nghĩ đến Tết.

Còn nếu xét về tín ngưỡng, tiếng pháo để xua tà trừ quỷ. Quả pháo còn được quấn bằng giấy màu đỏ, có ý nghĩa là màu của sự sống, tái sinh, may mắn. Những người sống ở thời điểm trước khi có lệnh cấm pháo, ngày Tết nhìn thấy xác pháo đỏ đường nó thực sự rất ấn tượng.

Trẻ con háo hức bên quầy bán pháo ngày xưa. Ảnh tư liệu

Trẻ con háo hức bên quầy bán pháo ngày xưa. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, từ khoảng sau năm 1975, pháo bắt đầu có sự biến tướng khi người ta lấy thuốc nổ còn sót từ những quả bom, đạn sau chiến tranh để chế ra những quả pháo rất to, có sức công phá lớn, tiếng nổ lớn…

Hay như làng pháo Bình Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) ngày trước, ngoài bán pháo còn bán cả thuốc pháo cho những đứa trẻ về tự quấn lấy gây nguy hiểm. Đã có rất nhiều người bị tàn tật, thậm chí tử vong vì pháo, từ đó mới dẫn tới lệnh cấm pháo của Chính phủ.

“Không chỉ tôi mà rất nhiều người, từ lớn đến bé đều rất tiếc nuối vì Tết không còn âm thanh rộn ràng hay mùi thuốc pháo nữa. Hình ảnh xác pháo đỏ đường mang lại cảm xúc dâng trào. Nhiều người vẫn nhớ pháo; tiếng pháo làm cho không khí sôi động lên để người ta biết Tết đã đến.

Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nhìn nhận việc cấm pháo của Chính phủ là đúng, bởi vì nó đảm bảo an toàn, an ninh xã hội.

Tuy nhiên, tôi ước hồi đó Chính phủ chỉ cấm đốt các loại pháo to, pháo quá cỡ, còn vẫn cho phép đốt các loại pháo tét. Giữ được những bánh pháo tét thì vẫn giữ được không khí xuân hơn, thậm chí nó còn là một sản phẩm du lịch với người nước ngoài”, ông Tiến bộc bạch.

Không có pháo ăn Tết vẫn vui

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì hoàn toàn ủng hộ việc cấm pháo của Chính phủ.

Ông nói, trước năm 1995, sự mất an toàn của việc sử dụng pháp đã tới cực hạn. Nhiều vụ nổ đã gây ra những tai nạn thương tâm, hay việc người ta khủng bố nhà nhau bằng thuốc pháo. Dân thì đua nhau làm những quả pháo to, đôi khi đặt cả kíp mìn vào pháo cho nổ to hơn…

Hầu như năm nào lực lượng chức năng cũng tuyên truyền, kêu gọi người dân hạn chế sử dụng pháo nhưng không giải quyết được vấn đề.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Bên cạnh đó, ông Vĩ cũng cho rằng, có những lực lượng từ nước ngoài họ có kế hoạch lợi dụng tiếng pháo để xâm nhập vào lãnh thổ nước ta trong dịp Tết.

Vì vậy, Chính phủ phải có quyết định cấm pháo.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đó. Có thể sẽ có những người tiếc nuối nhưng cũng sẽ có những người còn mừng.

Ví dụ, ở chỗ khu tập thể Thanh Xuân nhà tôi, trước đây, cứ Tết đến là người ta phải sơ tán lũ trẻ con đi nơi khác hoặc về quê. Họ treo pháo từ tầng 4 xuống tầng 1 rồi đốt thì không đứa trẻ nào nó chịu được.

Nói chung là có những quốc gia người ta không đốt pháo nhưng vẫn ăn Tết vui đấy thôi, để dành tiền pháo mua hoa, quà hoặc làm các thứ khác”, ông Vĩ chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đã nới lỏng quy định về sử dụng pháo đối với người dân. Nghị định 137 có hiệu lực ngày 11/1/2021 cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng pháo hoa do các đơn vị quốc phòng sản xuất và phân phối; hành vi đốt pháo nổ vẫn bị nghiêm cấm.

Nguồn: [Link nguồn]

Trải qua rất nhiều thời kỳ nhưng chợ Bưởi vẫn gìn giữ được nét chợ quê giữa lòng Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN