Kí ức đẹp đẽ về Tết xưa qua lời kể của GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn

Kỷ niệm khi ngồi cạnh bà, cạnh mẹ trông nồi bánh chưng suốt đêm khiến vị giáo sư dù đã ở tuổi thất thập vẫn chẳng thể nào quên.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong một chuyến công tác tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong một chuyến công tác tại Việt Nam.

Tết nghèo nhưng ấm áp

Trong thời tiết giá lạnh của ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi tìm đến nhà GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đồng thời là giảng viên trường Đại học Thăng Long, Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn ở cùng vợ trong một căn hộ chung cư nhỏ nhắn, ấm cúng tại Hà Nội. Các con ông đều đã lập gia đình, có người quyết định Nam tiến, có người thì sinh sống ngay tại Thủ đô để gần bố mẹ. Ông là một người con xứ Nghệ và đã có nhiều năm sinh sống, làm việc tại Liên Xô cũ, sau là Nga. Đến năm 2005, ông mới trở về Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn thời còn học tập và làm việc tại Nga

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn thời còn học tập và làm việc tại Nga

Trong hồi ức của GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, những năm 60 của thế kỷ XX là giai đoạn kinh tế của Việt Nam còn khó khăn khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn đang diễn ra. Người Việt thời điểm đó đa phần nghèo. Vì thế, Tết xưa rất khác bây giờ.

“Lúc đó, tôi mới hơn 10 tuổi. Vì là con trưởng, việc đầu tiên tôi phải làm đó là dọn dẹp nhà cửa và được phân công dọn dẹp ban thờ vào ngày 23 Tết. Trong lúc dọn dẹp ban thờ thì bà, bố tôi dạy cho tôi cách thắp hương, cúng lễ tổ tiên. Khi thắp hương, phải xướng tên các cụ ngũ đại (các bậc bề trên cách 5 đời – PV) mời các cụ cùng về ăn Tết. Sau đó thì đi tảo mộ, vì Tết là đoàn viên, mà người Việt ta thì trân trọng tình cảm gia đình, trọng chữ hiếu”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn kể.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn tại bàn làm việc cá nhân trong nhà.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn tại bàn làm việc cá nhân trong nhà.

Vị Giáo sư đã ngoài 70 tuổi cho hay, thời kỳ bao cấp, cuộc sống rất khó khăn. Khi đó, một người mỗi tháng chỉ được nhận khẩu phần gồm 1 lạng thịt, 1 lạng đường, 13kg lương thực (trong đó chỉ có 3kg gạo, còn lại là ngô, khoai, sắn) và 4 mét vải.

“Không chỉ riêng gia đình tôi, mà rất nhiều người thời điểm đó đều phải tính toán lượng lương thực tiêu dùng. Gia đình tôi sử dụng vỏ hộp sữa cũ làm ống bơ đong gạo, mỗi người một ngày chỉ được ăn 1 lạng gạo, đong chung rồi sau đó trộn thêm ngô, khoai, sắn để ăn. Bữa ăn thì chẳng bao giờ có thịt, vì 1 lạng thịt này chỉ ngày giỗ, ngày Tết mới được ăn”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhớ lại.

Người dân lúc đó chỉ mong muốn một bữa cơm no chứ chẳng dám đỏi hỏi một bữa cơm ngon. Nhưng chính vì trong gian khó, tình người mới trở thành giá trị cốt lõi, thiêng liêng khi mọi người cùng đùm bọc nhau.

“Tết ngày nay thì khác rất nhiều, việc ăn uống đã trở nên không quan trọng nữa vì đời sống vật chất khá đầy đủ. Bây giờ, người dân hướng đến việc chăm sóc đời sống tinh thần nhiều hơn, tức là các hoạt động vui chơi, giải trí trong ngày Tết. Con người thời nay sống cũng khép mình hơn, nhất là ở thành phố, nét đặc trưng tình làng, nghĩa xóm không còn nhiều”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn chia sẻ.

Hương vị ngày Tết chẳng thể nào quên

Theo GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Tết của những năm 60, 70 của thế kỷ XX không kéo dài như hiện tại. Người dân thời đó chỉ được nghỉ Tết 3 ngày (30, mùng 1 và mùng 2), mùng 3 Tết đã phải quay trở lại làm việc. Chính vì thế, người cao tuổi hoặc phụ nữ, trẻ nhỏ (tuổi thiếu niên) là những người đảm nhận trách nhiệm cầm tem phiếu, sổ gạo đến đổi lương thực tại cửa hàng thực phẩm.

Vào ngày phát lương thực, nhất là thời điểm trước Tết, người người, nhà nhà tập trung xếp hàng từ 2, 3 giờ sáng để chờ cửa hàng lương thực mở cửa.

“Lúc này thì mọi vật dụng như hòn đá, viên gạch, nón, mũ hay bất kỳ vật dụng gì đều có thể sử dụng để giữ chỗ. Những chiếc tem, phiếu quý giá đổi được thịt, đường được tập trung hết vào thời điểm này. Sướng nhất là khi cầm phiếu thịt của cả gia đình mà đổi được hết số lượng thịt mình cần, nếu không đổi được thịt thì Tết ấy xác định không có bánh chưng thịt để ăn rồi.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong một chuyến nghiên cứu tại vùng cao Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong một chuyến nghiên cứu tại vùng cao Việt Nam.

Ngoài đổi được thịt, tôi còn cùng bà đi đổi đường, dồn bột mì các tháng trước đó rồi đến cửa hàng làm bánh bơ (hay còn gọi là bánh quy – PV) để về đặt lên ban thờ, cúng lễ tổ tiên. Tôi còn nhớ rõ là chiếc bánh đó rất thơm, nếu dồn được nhiều nguyên liệu để làm, tôi hay ăn vụng 1, 2 chiếc trước khi mang về đến nhà”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn cười nói.

Sau khi đổi được lương thực, vào những ngày cận Tết, bắt đầu từ ngày 26, 27 là gia đình ông và hàng xóm bắt đầu gói, luộc bánh chưng. Kỷ niệm khi ngồi cạnh bà, cạnh mẹ trông nồi bánh chưng suốt đêm khiến vị Giáo sư dù đã ở độ tuổi thất thập vẫn chẳng thể nào quên.

“Thật sự lúc đó chúng tôi rất "thèm" ngày giỗ, ngày Tết vì ngày đó mới được ăn no. Thêm nữa, Tết được nghỉ học dài ngày nên sướng lắm, luôn háo hức chờ đến ngày Tết, chờ bố đi làm xa trở về nhà để cả gia đình sum họp, đoàn tụ.

Người lớn thì tất bật chuẩn bị Tết, lũ trẻ chúng tôi thì được đốt pháo, được dùng diêm cùng van xe đạp hỏng làm súng diêm. Không khí ngày Tết rộn ràng biết bao”, GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn bồi hồi nhớ lại.

Nguồn: [Link nguồn]

Đi chợ Tết nay - Nhớ chợ Tết xưa

Những nét văn hóa của chợ ngày Tết truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn ([Tên nguồn])
Đón Tết nay, nhớ Tết xưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN