Không thể không khóc nơi tâm bão đi qua
Cơn siêu bão vừa đi qua Quảng Bình, giờ đây ở những nơi thiệt hại nặng nề nhất, người dân vẫn lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tấm ván duy nhất còn sót lại, thắp hương trên viên gạch đổ của tường nhà…
Bà Liên và tấm ảnh Đại tướng trước ngôi nhà đổ nát vì bão
Tặng ảnh Đại tướng cho bà con vùng bão
Cụ Hà Thị Bé dừng chân trước tiệm ảnh to nhất thành phố Đồng Hới - Quảng Bình. Cụ nhìn những bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiệm rồi xòe tay đếm những đồng tiền lẻ nhàu nát của mình. Đếm đi đếm lại, cũng chỉ có 25.000 đồng, trong khi bức ảnh chân dung Đại tướng được bán với giá 60.000 đồng…
Hay tin Đại tướng mất, cụ lập bàn thờ bằng tấm ván duy nhất còn lành lặn sau khi ngôi nhà đã đổ nát tan hoang vì cơn bão số 10. Bàn thờ phải có ảnh của Đại tướng, nên cụ đã đi bộ lên thành phố tìm mua ảnh. Nhưng khi biết mình không đủ tiền, cụ òa khóc... Anh Thành Huế, chủ tiệm ảnh, mời cụ vào trong, hỏi chuyện rồi tặng ngay một bức chân dung Đại tướng có khung gỗ rất đẹp. Cụ Bé lại khóc nấc lên: “Bàn thờ nhà mệ có bức ảnh Đại tướng là mệ mãn nguyện rồi”.
Cụ ôm bức chân dung vào ngực, tâm sự: “Ở quê mệ, bà con bị bão lũ nặng lắm, bây chừ nhà cửa vẫn tan hoang, nhưng hay tin Đại tướng mất, dân lập bàn thờ mà nhiều nhà nghèo quá không có tiền mua ảnh Đại tướng”.
Anh Thành Huế trầm tư: “Những ngày này, lượng người đến rửa ảnh Đại tướng tăng đột biến, người dân đến nhờ tôi rửa ảnh, có người nhờ tải ảnh trên mạng về hoặc nhờ tôi tìm cho một bức chân dung Đại tướng thật đẹp. Trung bình mỗi ngày tôi bán được 6.000 tấm ảnh Đại tướng khổ 25x38 hoặc 30x45. Biết bà con đang khó khăn sau bão nên tôi chỉ bán lấy vốn thôi”.
Mất điện vì bão, bàn thờ Đại tướng ở thôn 4, xã Mỹ Lộc, huyện Bố Trạch lung linh ánh nến.
Chứng kiến những giọt nước mắt của cụ Bé, anh Thành Huế đã quyết định chọn bức chân dung Đại tướng đẹp nhất, in thành nhiều tấm, ép plastic để tặng người dân ở vùng bị thiệt hại nặng vì bão lũ. Biết tôi sắp đi về vùng thiệt hại nặng đó, anh gửi tập ảnh nhờ trao cho bà con. Tôi đã cầm tập ảnh của anh, về xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, nơi còn nhiều ngôi nhà vẫn tốc mái và chưa có điện.
Chị Nguyễn Thị Thủy thẫn thờ nhìn ngôi nhà đổ nát trong buổi chiều muộn. Đứng trong nhà chị tôi nhìn thấy cả một khoảng trời rỗng hoác phía trên… Ngôi nhà chỉ còn nửa mái ngói, rui mè bằng gỗ tạp trơ ra. Nền nhà đất sũng nước, đồ đạc chẳng có gì, ngoài chiếc sập phủ áo mưa. Trên chiếc sập đó, tôi nhìn thấy ở nơi trang trọng và khô ráo nhất dành đặt bàn thờ. Bàn thờ Đại tướng.
Chồng bỏ, chị Thủy một mình nuôi ba con nhỏ, tất cả trông vào mấy sào ruộng ở nơi chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn. Cơn bão số 10 đi qua, nhà chị đổ nát, bị tốc mái, nhưng không có tiền lợp lại. Cả nhà phải sang nhà người em trai ngủ nhờ, tay trắng không biết bao giờ chấm dứt cảnh màn trời chiếu đất. Khi hay tin Đại tướng qua đời, chị Thủy lập bàn thờ trong nước mắt. Bàn thờ chỉ có ít hoa quả vườn nhà còn sót lại sau bão…
Tôi tặng chị bức ảnh chân dung Đại tướng. Tay chị run run đặt ảnh lên bàn thờ. Trong bóng tối chiều muộn, ngôi nhà như sáng hơn lên. Chị Thủy tâm sự: “Nhìn vào ảnh Đại tướng, tôi thấy ấm lòng và mạnh mẽ hơn. Tôi sẽ học tinh thần của Đại tướng để vượt qua cơn khó này”. Hai đứa bé con chị Thủy đang chơi bắn bi trên nền nhà lỗ chỗ, cũng dừng tay, reo lên: “Ôi ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”…
Bà Hoàng Thị Liên ở thôn Mỹ Trạch chỉ cho tôi ngôi nhà gạch hoang tàn, mái ngói đã bị gió cuốn phăng. Bà phải lấy mấy tấm bạt, phủ lên nóc nhà, tạm che mưa che nắng. Nhưng mấy ngày này, điều bà quan tâm nhất không phải chuyện nhà cửa, mà là lễ tang của Đại tướng. Cả xã vẫn chưa có điện, TV không xem được, mù tịt tin tức. Bà Liên vay tiền mua một chiếc đài nhỏ chạy bằng pin để cập nhật tin tức về lễ tang Đại tướng… Tôi trao cho bà bức ảnh Đại tướng. Bà trang trọng đặt lên bàn thờ được lập ngay sau khi hay tin Đại tướng mất.
“Ở quê mệ, bà con bị bão lũ nặng lắm, bây chừ nhà cửa vẫn tan hoang, nhưng hay tin Đại tướng mất, dân lập bàn thờ mà nhiều nhà nghèo quá không có tiền mua ảnh Đại tướng”. Cụ Hà Thị Bé |
Tưởng chừng cơn bão vẫn đang ở lại xã Mỹ Trạch. Tôi nhìn thấy những ngôi nhà và cây cối đổ sạp theo chiều gió, tất cả ngổn ngang, đổ nát. Còn có một cơn bão lòng đã nổi lên ở đây, khi người dân nghe tin vị tướng của quê hương không còn nữa. Nhiều người già cứ đứng bên đường, chờ ai đó đi qua để hỏi thông tin về lễ quốc tang. Vài thanh niên dùng điện thoại có thể cập nhật thông tin qua mạng thì người dân kéo đến nhà hỏi han, cứ như cái ngày cả xã chỉ có một chiếc TV đen trắng, người ta ùa vào xem.
Tôi vào ngôi nhà cụ Hồ Thị Lởi đúng giờ cơm tối. Bỗng lặng đi khi trong ngôi nhà tồi tàn, bà Lởi đang quỳ trước mâm cơm đặt trên bàn thờ. Mặt đầm đìa nước mắt, bà gọi tên Đại tướng… Hôm 13/10, trong ngày Quốc tang, bà Lởi chọn gạo mới thổi cơm, một ít cá đồng kho lên, rau vườn nhà sẵn đó. Mâm cơm đạm bạc ấy bà đặt lên chiếc tủ đã mục vì mưa bão, hương thắp trên viên gạch của bức tường đổ. Lòng thành và nước mắt cứ thế rơi. Tôi biết bức ảnh Đại tướng mà tôi mang đến sẽ trở thành một vật quý trong ngôi nhà này.
Ông Nguyễn Văn Trí, trưởng thôn 4, đi xe đạp cầm chiếc loa tay chạy bằng pin, thông báo: “Loa loa, hôm nay tiếp tục mất điện, đề nghị bà con thắp nến để đảm bảo sinh hoạt, sáng mai mời bà con tới hội trường thôn 4 để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Nhưng ngay từ chiều tối, hội trường thôn 4 đã mở cửa. Tôi đến hội trường khi bóng tối đã trùm lên, nhưng ở bên trong, ánh sáng lung linh của hai ngọn đèn lớn soi rõ ảnh Đại tướng trên bàn thờ có hoa huệ và mâm ngũ quả. Hoang tàn, đổ nát của bão lũ đã dừng lại ngoài kia. Làm thế nào mà cơn bão vừa qua lại có bình hoa huệ đẹp như vậy?
Ông Hồ Bá Tiệc, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Mỹ Trạch, cho hay: “Bà con đã dậy rất sớm đi lên tận thành phố Đồng Hới để chọn những bông huệ đẹp nhất, những trái cây tươi ngon nhất về dâng lên bàn thờ Đại tướng. Rất nhiều người dân dù đang bận rộn khắc phục hậu quả bão lũ, nhưng đã đến đây viếng Đại tướng. Ngày mai, dân làng sẽ lên Vũng Chùa, Đảo Yến để được tiễn biệt Đại tướng lần cuối”.
“Phải đi”, vị cựu chiến binh nắm chặt tay tôi, giọng nghẹn đi.
Ngổn ngang nỗi lòng Lệ Thủy
Chị Thủy lập bàn thờ Đại tướng ở ngôi nhà tốc mái vì bão.
Tôi về huyện Lệ Thủy - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Quốc tang. Hai bên đường cây cối vẫn còn gãy rạp ngổn ngang. Cây xoan đào gãy ngang vì gió bão trong vườn nhà lưu niệm Đại tướng. Cây khế cổ thụ rơi rụng nhiều lá. Nghe kể, ngày xưa, cậu bé Võ Nguyên Giáp được sinh ra trên một cái lều tạm dựng trên những cành khế để tránh lũ nước sông Kiến Giang tràn vào.
Chị Trần Thị Thuyên, nhà ở đối diện nhà lưu niệm Đại tướng, đứng trong khu vườn đầy những cây chuối, cây tre đổ rạp, nói: “Bão mạnh quá, nhà tốc mái, ngồi trong nhà mà nhìn thấy mái tôn cứ bay vù vù trong gió. Nhưng dân làng tôi buồn vì bão một mà buồn vì Đại tướng ra đi thì mười. Hậu quả bão lũ có thể khắc phục, nhưng bác Giáp ra đi thì không bao giờ trở lại nữa. Làng tôi không bao giờ được bác Giáp về thăm nhà nữa. Tôi nhớ những lần bác Giáp về thăm nhà, bác hỏi thăm, trò chuyện thân mật với bà con, tôi cảm giác bác Giáp như người cha của mình”.
Chị Truyền đã lập bàn thờ Đại tướng trong ngôi nhà hư hại nhiều vì bão. Đêm nào chị cũng chạy qua nhà lưu niệm Đại tướng, lo việc tang gia như thể chính nhà mình có đám. Đêm muộn, chị mới về nhà, nằm lại khóc thầm.
Em bé Huỳnh Thị Cẩm Châu ngồi bên dòng Kiến Giang, bán hương hoa cho khách vào viếng Đại tướng ở nhà lưu niệm. Cẩm Châu bán hương không lấy lãi mà để giúp những người từ phương xa đến đây. Nhà Cẩm Châu cũng bị bão tàn phá, khi bố mẹ lập bàn thờ Đại tướng, cô bé học lớp 6 này đã khóc. Trường PTCS Lệ Thủy của cô bé sẽ không bao giờ được đón bác Võ Nguyên Giáp về thăm như năm nào nữa.
Dòng Kiến Giang trước mặt Cẩm Châu vẫn chảy về xuôi, tất cả sẽ qua nhưng cô bé và người dân Lệ Thủy biết rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về và ở lại với quê hương mãi mãi.