Không tăng lương, bóp bụng đi làm

Trước thông tin “Không tăng lương cơ bản vào năm 2013”, nhiều công nhân nghe xong đã thảng thốt bất ngờ, thậm chí hụt hẫng bởi sẽ phải tiếp tục cảnh đồng lương eo hẹp, tằn tiện đủ đường. Còn một số công chức nghe xong lặng thinh rồi thở dài: tăng hay không tăng thì vẫn thiếu thốn như thế.

19h. Trong căn phòng trọ chưa đầy 8m2 (có gác xép, đường D11, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM), chị Đỗ Thị Kiều Nhi (26 tuổi) đang cho con gái tên Chíp ăn tối trên tấm nệm kê giữa phòng. Bé dán mắt vào tivi đặt cách chỗ ngồi chưa đầy 2m. “Không ăn đâu”. Bé Chíp xua tay rồi bật ho mấy tiếng.

Bữa ăn 10.000 đồng

Nhi cho biết chị và anh Phạm Đình Nơi (30 tuổi, quê Hưng Yên) kết hôn được năm năm. Cũng đã năm năm qua vợ chồng con cái chị gắn bó với căn phòng chật hẹp này: “Tôi làm công nhân cho Công ty Nam Thiên sáu năm mới được mức lương 3,5 triệu đồng”. Dù chi tiêu hết sức tằn tiện nhưng vẫn không đủ tiền cho con đi học mẫu giáo. Bởi vậy bé Chíp dù đã 4 tuổi nhưng vẫn ở nhà chơi quanh xóm. “Gửi trường tốt thì không có tiền, gửi nhà trẻ tư thì lo con không được chăm sóc tốt” - chị Nhi cho biết.

Ngoài hai vợ chồng và bé Chíp, căn phòng còn là nơi ở của hai đứa cháu của chị Nhi. Là người thuê nhà “có thâm niên” tại xóm trọ này nên anh chị Nơi quen biết hầu hết người trong xóm. Không chỉ thuê căn phòng phía trong làm nơi ở, anh Nơi còn thuê căn ngoài cùng đầu hẻm làm nơi sửa chữa xe máy: “Lương vợ chỉ đủ mua sữa và nuôi con nên tôi phải nuôi vợ” - anh Nơi hài hước. Căn phòng sửa xe máy được anh Nơi tận dụng làm nơi ăn, ngủ cho ba người bạn cũng làm công nhân: “Thêm người ở cho bớt chi phí. Như vậy bữa tối tổng cộng nhà tôi có đến tám miệng ăn”. Để tiết giảm chi phí cho tám miệng ăn này, chị Nhi phải hết sức khéo léo khi đi chợ: mỗi bữa, mỗi người chỉ được tiêu trong phạm vi 10.000 đồng.

Thực đơn bữa ăn 10.000 đồng của Nhi dành cho chồng và những người bạn cùng xóm trọ gồm cá điêu hồng nấu canh chua (33.000 đồng/kg), trứng chiên (năm quả với giá 11.000 đồng), đậu que xào (10.000 đồng) và các loại rau thơm nấu canh chua (10.000 đồng). Khi biết tin có thể năm 2013 sẽ không tăng lương cơ bản như lộ trình, chị Nhi chỉ thở dài, xoa bụng bầu đã sáu tháng: “Nếu lương cơ bản không tăng mà vật giá tăng vèo vèo như vậy thì không biết tiết kiệm và tằn tiện đến chừng nào nữa mới đủ”.

Không tăng lương, bóp bụng đi làm - 1

Công nhân một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) tranh thủ lót dạ trước cổng công ty trước khi vào làm

Phòng trọ tăng gấp 5, lương tăng gấp 2

Cùng dãy trọ của chị Nhi là chị Ma Thị Bình (người Lâm Đồng). 21h, chị Bình mới tăng ca về và đang chiên cơm nguội. Một chiếc xoong nhôm mỏng treo trên tường sát bếp gas. Một chiếc xoong khác còn sót lại vài miếng dưa cải kho mặn chát: “Bạn ở cùng với mình đi chơi nên mình ăn cơm chiên một mình cho tiết kiệm”. Quê ở Lâm Đồng, Bình đến TP.HCM làm công nhân từ 13 năm trước.

Với mức thu nhập hiện nay (gồm lương cơ bản, lương chuyên cần, xăng xe) 3,5 triệu đồng, Bình cho biết: “Căn phòng này tôi thuê đầu tiên có giá 250.000 đồng và bốn đứa con gái ở chung. Sau này các bạn nghỉ việc về quê hết nên tôi tìm thêm một người ở chung cho đỡ tiền phòng. 13 năm đi làm công nhân, qua rất nhiều kỳ tăng lương mà vẫn chưa được gấp đôi hồi mới đi làm, còn tiền nhà đã tăng gấp năm lần lên 1,25 triệu đồng/tháng. Đấy là tôi thuê lâu mới có giá vậy, chứ những chỗ khác đều tăng lên 1,5 triệu đồng/phòng rồi”.

Không chỉ tiền phòng tăng gấp năm lần, Bình còn cho biết khi trước tiền điện, nước, xăng, gas đều chỉ gói gọn chừng 30.000 đồng, còn bây giờ đã “phi mã” lên gấp năm lần. “Tôi có bạn trai đã mấy năm nay, anh ấy cũng là công nhân. Với mức lương thế này lo cho mình còn không xong nên cả hai chúng tôi đều không dám nghĩ đến việc kết hôn và sinh con”. Nước da xanh xao, vài nếp nhăn xuất hiện nơi cuối mắt, chị Bình cám cảnh: “Làm mãi lương chỉ có vậy, chẳng biết tương lai mình về đâu. Cố thêm vài năm nữa rồi có khi về quê làm rẫy vậy!”.

Viên chức: chỉ đủ ăn cơm

Đón đĩa bột chiên của người bán hàng dạo đối diện cổng Trường tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5, TP.HCM), thầy Nguyễn Văn Tuấn chậm rãi ăn trước khi vào giờ thi giữa kỳ của trường. Là giáo viên dạy thể dục 16 năm (hiện hưởng lương bậc 5) cộng phụ cấp đứng lớp, thâm niên, ưu đãi... anh mới được 5,3 triệu đồng. Anh nuôi hai con gái sinh đôi học lớp 8 và hiện vẫn ở nhờ nhà mẹ vợ: “Lãnh lương được bao nhiêu tôi đưa vợ giữ hết, nuôi con ăn học và mọi chi phí tăng giá nên thỉnh thoảng cần tiền tiêu vặt tôi nói vợ đưa lại. Mà tôi cũng chẳng dám tiêu gì cho cá nhân. Tôi nghe nói sẽ tăng lương, mà giờ nếu không tăng nữa thì chẳng biết làm thế nào, khó khăn cả mười mấy năm nay rồi. Nói ra thật xấu hổ nhưng đồng lương của tôi chỉ lo đủ cơm ăn hằng ngày, còn ốm đau hoặc mua sắm gì to tát toàn phải về xin ông bà nội!”.

Chị Trần Thị Bình Minh, trạm trưởng trạm y tế P.3, Q.3, TP.HCM, gần như than trời khi nhắc đến mức lương của nhân viên y tế: “Tôi bắt đầu hưởng lương ngân sách từ năm 2005, đến nay toàn bộ thu nhập kèm phụ cấp tôi được nhận là 2,8 triệu đồng. Trạm y tế này có năm nhân viên thì tôi có mức thu nhập cao nhất, còn người thấp nhất là 2,1 triệu đồng/tháng. Khó khăn không thể kể hết được. Tăng thêm 600.000 đồng tiền lương có thể không phải nhiều nhưng cũng đỡ được một khoản tiền thuê nhà. 2,1 triệu đồng mà phải ở nhà thuê thì đến bao giờ mới dành tiền để mua được một căn nhà riêng?” - chị Minh hỏi.

Chỉ tranh thủ nói chuyện được chút ít thì chị Minh phải khám bệnh. Đối diện với một bệnh nhân lao có làn da tái xám không hề đeo khẩu trang, chị Minh nói với bệnh nhân: “Em mua khẩu trang đeo vào đi và cả ngày em đeo khẩu trang để không lây lao ra cho cộng đồng và người thân”. Chị Minh cũng cho biết bệnh nhân này đang điều trị bệnh tiểu đường.

Đây là nơi đầu tiên, gần nhất mà các bệnh nhân nghèo tìm đến. “Không thiếu một bệnh gì mà chúng tôi không khám lâm sàng và cấp cứu ban đầu. Từ tiểu đường, ho lao, thiếu máu... Thực chất tuy là trạm y tế nhưng chẳng khác gì phòng khám đa khoa. Nhiều trường hợp cần cấp cứu nhưng gọi xe đi bệnh viện lớn không kịp, họ đưa vào trạm y tế để cấp cứu rồi mới gọi được xe mang đi”. Tuy là trạm y tế cấp phường nhưng người dân thay vì chạy lên tuyến trên chen vai thích cánh thì các bệnh nhân của P.3 tìm đến đây để được khám và cấp thuốc.

“Công việc từ sáng tới tối, rồi từ tối tới sáng nhưng mức lương và phụ cấp thì hết sức bèo bọt. Hình như chúng tôi bị bỏ quên. Không tăng lương với một số công chức, viên chức khác có thể không bị ảnh hưởng chứ nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở như chúng tôi, thì khó khăn vô cùng. Ngành khác, nghề khác có thể cúp giờ để đi làm thêm, chúng tôi thì không!” - chị Minh nói.

Khổ không ai thấu

Ngồi ăn vội hộp cơm nguội mang từ nhà theo, bà Lê Thị Phát (43 tuổi), công nhân Công ty TNHH Movina (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7), với bàn tay gầy gò vừa xúc từng muỗng cơm nhai nhom nhoem vừa than: “Nhắc đến lương, không muốn nhai cơm nữa”. Bà Phát làm công nhân tại đây hơn 10 năm, lương chỉ được 2,1 triệu đồng/tháng, công ty không có tăng ca. Nhà bà Phát ở huyện Cần Giờ, mỗi ngày bà phải dậy lúc 4g để kịp chuyến phà. Sau đó, bà phải đón xe buýt rồi cuốc bộ 20 phút mới đến được công ty. Một tháng bà Phát mất khoảng 300.000 đồng tiền đi lại. “Chồng và con gái tui cũng làm công nhân tại khu chế xuất. Lương bổng bấp bênh. Tổng thu nhập cả ba người mà một tháng chưa được 10 triệu đồng. Tiền hằng tháng chỉ đủ trang trải bữa cơm qua ngày” - bà Phát rơm rớm nước mắt kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Điệp - Đỗ Phi (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN