Không để người nổi tiếng quảng cáo tùy tiện

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Dự thảo Luật Bổ sung quy định người nổi tiếng bắt buộc phải trải nghiệm trực tiếp trước khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm

Tiếp tục phiên họp thứ 37, ngày 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phải chịu trách nhiệm liên đới

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết việc xây dựng dự án Luật là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa.

Điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm như cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo cũng quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo còn phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định.

Theo dự thảo luật, với người có ảnh hưởng (như nghệ sĩ, KOL…), ngoài có nghĩa vụ như người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, còn có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Dự thảo Luật nêu rõ: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - cho biết cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung quy định để quản lý hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra băn khoăn khi dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý...

Lo ngại về tình trạng quảng cáo "thổi phồng" về sản phẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng có quảng cáo nêu sản phẩm "chữa được bách bệnh" (!). Cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm vì các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu, cho rằng hiện có nhiều hình thức quảng cáo khác nhau, ví dụ như người nổi tiếng đi ăn ở nhà hàng rồi đánh giá, giới thiệu về nhà hàng đó. Vì vậy, kiến nghị nghiên cứu kỹ để có các biện pháp quản lý quảng cáo phù hợp.

Toàn cảnh phiên họp ngày 24-9 Ảnh: Phạm Thắng

Toàn cảnh phiên họp ngày 24-9 Ảnh: Phạm Thắng

Làm rõ hiệu quả, tính khả thi

Chiều cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Về một số nội dung sửa đổi đáng chú ý lần này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung nêu rõ dự thảo sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm nhằm góp phần tăng cường nguồn vốn và nâng cao hiệu quả cho vay giải quyết việc làm, theo hướng ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn chi đầu tư phát triển (giải thể Quỹ Quốc gia về việc làm để bảo đảm phù hợp quy định Luật Ngân sách Nhà nước 2015). Đồng thời, mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Thẩm tra các nội dung trong dự thảo luật, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH, nhấn mạnh quy định chuyển nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thành nguồn vốn vay giải quyết việc làm có tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này và thay đổi so với khi đề xuất xây dựng luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, ưu nhược điểm, những vấn đề phát sinh, làm rõ tính hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi này. Đối với quy định về bảo hiểm thất nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Hoàn thiện quy định về quảng cáo ngoài trời

Theo tờ trình của Chính phủ, quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác, nên dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. Các quy định về quảng cáo ngoài trời nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, dự án luật đã chỉnh sửa các thủ tục không phù hợp; tối ưu hóa quy trình giải quyết, bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức cá nhân. Đồng thời, phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời; về quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Nguồn: [Link nguồn]

Tình trạng vẽ quảng cáo tên miền các trang web cá độ, cờ bạc trái phép đang xuất hiện trên nhiều tuyến phố, nơi công cộng ở Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH CHIẾN ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN