“Không có chuyện cá chết xếp lớp ở biển Quảng Bình”

Cảnh quay dưới đáy biển không phát hiện “cá chết xếp lớp” nhưng rạn san hô đã bị “suy thoái”.

“Không có chuyện cá chết xếp lớp ở biển Quảng Bình” - 1

Ngư dân xã Nhân Trạch khi bủa lưới xuống biển thì lưới trắng tinh như mới giặt (Ảnh: Người lao động)

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về phản ánh của ngư dân xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Theo đó, khi ngư dân lặn xuống biển cách bờ 2-3 hải lý phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển. Nước dưới đáy biển có màu vàng đục, các rạn san hô có một lớp cặn màu trắng đục, mùi hắc như chất tẩy rửa. Ngư dân thả lưới xuống biển thì trắng tinh như vừa mới giặt.

Sáng 9.5, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình cho hay, ngày 7.5, Sở đã phối hợp với đoàn công tác Tổng cục Môi trường, thuê thợ lặn quay video, lấy mẫu nước ở vùng biển xã Nhân Trạch.

“Qua những hình ảnh quay bằng máy quay chuyên dụng, chúng tôi không thấy hiện tượng cá chết xếp lớp ở vùng biển xã Nhân Trạch. Rạn san hô đang có dấu hiệu suy thoái nhưng chưa rõ suy thoái trong quãng thời gian nào. Nước biển vẫn trong xanh, không có màu bất thường”, ông Hào nói.

Ông Hào cho biết, các mẫu bùn đất, xác thủy hải sản, san hô đã được đoàn gửi về Trung tâm Quan trắc, Tổng cục Môi trường để phân tích chuyên sâu.

Trước thông tin, khu vực biển Nhân Trạch “cá chết không thấy, cá sống cũng không còn nhiều”, ông Hào từ chối bình luận.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát cẩn trọng. Tôi không trực tiếp lặn xuống biển và chưa có kết quả phân tích nên không thể nhận định được”, ông Hào nói.

Trước đó, ngày 6.5, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT đề nghị xác minh hiện tượng cá chết xếp lớp dưới đáy ven biển xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.

Ngày 4.5, ngư dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phát hiện nước biển có màu đỏ khác thường dài khoảng 1,5km.

Trong khi đó, sau mấy ngày trực tiếp lấy mẫu nước biển ở Quảng Bình và thu thập thông tin từ ngư dân, ngày 6.5, GS-TS Nguyễn Ngọc Lâm và nhóm chuyên gia Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam bước đầu nhận định vệt nước đỏ dài 1,5 km vừa qua không phải là thủy triều đỏ. Theo GS Lâm, khu vực quanh nơi xuất hiện dải nước này có nhiều đất đỏ. Do đó, không loại trừ khả năng đất bị sóng đánh ra biển tạo vệt nước dài có màu đỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN