Không cho "anh" thành "chị": Máy móc!

Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, nếu UBND tỉnh Bình Phước thu hồi Quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp thành chị Phạm Lê Quỳnh Trâm thì đây là việc làm thể hiện tư duy pháp lý máy móc, không thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Trả lời chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho rằng, nếu UBND tỉnh Bình Phước đề nghị thu hồi Quyết định xác định lại giới tính cho “cô” Phạm Lê Quỳnh Trâm là không thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Trước hết, Luật sư Phạm Thanh Bình khẳng định, xác định lại giới tính là một quyền của công dân. Điều 36 BLDS có quy định về quyền xác định lại giới tính. Theo đó cá nhân có quyền xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học.

Luật sư Bình thừa nhận, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, UBND tỉnh Bình Phước có quyền thu hồi quyết định công nhận xác định lại giới tính đối với "cô Trâm".

Bởi Nghị định 88/2008/NĐ-CP cũng như một số Nghị định khác đã quy định về vấn đề này. Trong đó Nghị định 88 là quy định cụ thể nhất.

Theo Luật sư Bình, Nghị định 88 quy định chỉ xác định lại giới tính trong trường hợp có sự can thiệp tại cơ sở y tế của Việt Nam, được Bộ Y tế cho phép và đủ khả năng làm việc này. Như vậy, pháp luật chưa có quy định xác định lại giới tính cho trường hợp chuyển đổi giới tính ở nước ngoài.

Không cho "anh" thành "chị": Máy móc! - 1

Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)

Hơn nữa, Nghị định 88 quy định chỉ 2 trường hợp được xác định lại giới tính. Thứ nhất có khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Thứ hai chưa được định hình giới tính chính xác (tức chưa phân biệt được nam hay nữ về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thê).

"Tôi không rõ anh Phạm Văn Hiệp chuyển thành cô Phạm Lê Quỳnh Trâm, trước đó được xác định rõ giới tính hay chưa? Nhưng nếu đã xác định là nam từ trước đó, thì anh Hiệp không thuộc 2 trường hợp quy định trong Nghị định 88" – Vị giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc cho hay.

Luật sư cho rằng, nếu theo thông tin báo chí, trước khi phẫu thuật, anh Phạm Văn Hiệp đã là nam giới hoàn chỉnh. "Anh rể của Hiệp cho biết, khi học cấp 3 Hiệp vẫn là chàng trai bình thường, từ hình thức bên ngoài lẫn nhận thức bên trong. Hiệp có lông ngực, lông chân tay, râu quai nón..." - Luật sư viện dẫn thông tin báo chí.

Tuy nhiên, ông cho rằng điều này chứng tỏ sự thiếu sót của pháp luật khi chưa có quy định việc giải phẫu giới tính ở nước ngoài.

Mặt khác, quy định về các trường hợp được xác định lại giới tính cũng chưa đầy đủ. Bởi nếu một người có đầy đủ yếu tố xác định giới tính chẳng dại gì bỗng dưng lại bỏ rất nhiều tiền để phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Có thể đến một giai đoạn nào đó, trong con người là đàn ông xuất hiện gen nữ hoặc ngược lại.

Hơn nữa, Điều 12 Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định: “Các trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc đã thực hiện ở Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu muốn đăng ký lại hộ tịch thì phải có giấy xác nhận đã xác định lại giới tính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước đó và đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ thẩm quyền (quy định tại Điều 8 Nghị định 88) để được khám kiểm tra và cấp giấy chứng nhận y tế”.

Vậy riêng Phạm Lê Quỳnh Trâm, theo thông tin được công bố, cô đến Thái Lan từ năm 2006, đến cuối tháng 4/2008, Trâm đã thực hiện xong cuộc phẫu thuật. Nghĩa là cô đã thực hiện chuyển đổi giới tính trước ngày 20/8/2008 khi Nghị định 88 (ký ngày 5/8/2008, có hiệu lực 15 ngày kể từ ngày đăng công báo). Như vậy, Quỳnh Trâm phải áp dụng quy định tại Điều 12 Nghị định 88 đối với trường hợp của Quỳnh Trâm mới đúng.

Như vậy, theo LS Bình, việc thu hồi quyết định xác định lại giới tính cho Phạm Lê Quỳnh Trâm thể hiện một tư duy pháp lý quá máy móc, cứng nhắc, không xem xét hoàn cảnh thực tế, không thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.

Ông Bình lý giải thêm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước đã xác định người này đúng thực tế đã có các bộ phận sinh dục của phụ nữ. Vậy chẳng có lý do gì mà lại không cho phép người ta được mang giới tính nữ.

Việc UBND huyện Chơn Thành đã cấp các giấy tờ công nhận giới tính cho cô Quỳnh Trâm là phù hợp với thực tế, không có lý do gì cứ phải vin vào quy định cứng nhắc để bắt người ta phải làm một người đàn ông, mang họ tên đàn ông trong khi cơ thể người ta hoàn toàn là một phụ nữ. Việc xác định lại giới tính đó không xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của công dân nào cả. Người ta là anh Phạm Văn Hiệp hay cô Phạm Lê Quỳnh Trâm cũng không ảnh hưởng gì đến ai.

"Công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm. Mặc dù luật pháp quy định chỉ những trường hợp như trên thì mới được xác định lại giới tính nhưng cũng không thể coi những việc luật pháp chưa quy định là không hợp pháp. Pháp luật đâu có quy định cấm hoặc không thừa nhận trường hợp người ta chuyển đổi giới tính ở nước ngoài và không thuộc những trường hợp được quy định trước?!" - Vị Luật sư nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Ls. Bình, Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng VP Luật sư Trịnh, Hà Nội) ủng hộ việc công nhận xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp thành chị Phạm Lê Quỳnh Trâm nói riêng và cho những người chuyển giới nói chung.

Không cho "anh" thành "chị": Máy móc! - 2

Ngày càng có nhiều người công khai chuyện chuyển giới như Hương Giang (Thí sinh VN Idol 2012)

Vị Luật sư thừa nhận, hiện nay chúng ta chưa có nền tảng pháp lý về việc công nhận xác định lại giới tính đối với trường hợp người chuyển giới. Việc phẫu thuật chuyển giới chưa được pháp luật cho phép.

Ngoài quy định về 2 đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh nói trên, Nghị định 88 còn cho phép sự can thiệp của cơ sở y tế. Sau khi đã can thiệp y tế xác định lại giới tính, cơ sở đó được cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính cho người ta nhưng chỉ đối với 2 trường hợp nêu trên chứ không có trường hợp người chuyển giới. Trường hợp chuyển giới, trước đó bộ phận sinh dục đã định hình là nam hay nữ rồi nên không thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 88.

Cho nên, nếu trước đó đã định hình rõ giới tính thì việc can thiệp y tế chuyển đổi giới tính cũng là trái pháp luật.

Nhưng Ls. Trịnh Anh Dũng cho rằng, chuyển giới hay hôn nhân đồng giới đều thể hiện cảm xúc bình thường của con người. Người ta chỉ hạnh phúc khi được sống đúng là chính mình. Tại sao chúng ta phải ngăn cản người ta trong khi mọi con người đều có quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Luật sư Dũng viện dẫn: "Hiến pháp từ năm 1946 đã nói rõ, tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật."

Trong khi đó, TS. Lê Quang Bình (Giám đốc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường - iSEE) dẫn ý kiến của một cán bộ pháp lý thuộc Trung tâm ICS, tổ chức của những người LGBT (đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) tại Việt Nam. Cán bộ này cho rằng, việc hủy bỏ quyết định công nhận cũng không làm bất kỳ điều gì tốt hơn. Cô Quỳnh Trâm đã là một người phụ nữ, với hình hài, cơ thể và nhận dạng là một người phụ nữ. Nếu hủy bỏ các giấy tờ hiện tại, cô Quỳnh Trâm sẽ không thể tiếp tục cuộc sống bình thường được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN