Khởi tố vụ án tại "Tịnh thất Bồng Lai": Lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi bị xử lý ra sao?

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây, CQĐT - Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến “Tịnh thất Bồng Lai” để làm rõ vi phạm của ông Lê Tùng Vân và những cá nhân có liên quan.

Thời gian qua, “Tịnh thất Bồng Lai” đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.

Đặc biệt, nhóm người tại "Tịnh thất Bồng Lai" đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân, đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật. Cách đây 1 năm, ông Lê Tùng Vân đã làm lễ đổi tên "Tịnh thất Bồng Lai" thành "Thiền am bên bờ vũ trụ".

Theo cơ quan chức năng, “Tịnh thất Bồng Lai không phải là cơ sở tôn giáo. Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ Phật giáo song có biểu hiện lợi dụng tôn giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo nhằm trục lợi…

"Tịnh thất Bồng Lai" được đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ"

"Tịnh thất Bồng Lai" được đổi tên thành "Thiền am bên bờ vũ trụ"

Về vụ việc trên, căn cứ các quy định hiện hành, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 14 Điều 2 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 quy định, cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.

Để một tổ chức tôn giáo liên quan đạo Phật được thành lập hợp pháp phải tuân theo những quy định của pháp luật và những quy tắc của Giáo hội phật giáo Việt Nam.

Tịnh thất Bồng Lai được thành lập khi không đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 18 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, đồng thời hoạt động tôn giáo của Tịnh thất Bồng Lai đã xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe của người khác; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh đó, cơ sở này hoạt động nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (Điều 21 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016).

Do đó, theo Luật sư Thu, việc thành lập và hoạt động của Tịnh Thất Bồng Lai là trái quy định của pháp luật và các quy tắc của Giáo hội phật giáo Việt Nam.

Vì không phải là cơ sở tôn giáo, không thuộc quản lý của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An nên Tịnh thất Bồng Lai không được phép kêu gọi từ thiện về cho tổ chức mình bởi chỉ những tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mới được phép thực hiện (điểm d khoản 1 Điều 20 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016).

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là một những hành vi bị cấm. Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hành vi kêu gọi từ thiện trái pháp luật, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân liên quan có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Nếu hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trường hợp lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng xâm phạm quyền và lợi ích Nhà nước hay lợi ích của tổ chức, cá nhân khác còn có thể bị xử lý hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại Tịnh thất Bồng Lai

Ngày 4-1, liên quan đến những hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại nơi tự xưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H.L ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN