Khóc, cười ở Trung tâm ADN: Tưởng cháu mình, hóa ra không phải

Thời gian qua, liên tiếp những sự kiện liên quan đến xét nghiệm ADN xác định huyết thống đã gây xôn xao dư luận. PV Báo GĐ&XH đã tìm đến Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) - nơi thực hiện hầu hết các ca xét nghiệm trong các sự kiện này để tìm hiểu. Tại đây, nhiều câu chuyện bi hài đã được hé lộ…

“Tôi thừa biết thằng cu lớn 10 tuổi kia là cháu tôi rồi, không lệch đi phân nào khỏi họ nhà này đâu! Nhưng đứa bé con 5 tuổi kia thì tôi nghi lắm, chắc chắn phải làm xét nghiệm. Hai nữa, tôi cũng tò mò xem người là con và người không phải là con khác nhau như thế nào…”, một khách hàng xét nghiệm ADN tuyên bố.

Khóc, cười ở Trung tâm ADN: Tưởng cháu mình, hóa ra không phải - 1

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền chia sẻ với PV Báo GĐ&XH. Ảnh: PV

Định làm cho vui, ai ngờ…

Vào một buổi sáng, một người đàn ông khoảng 65 tuổi cùng vợ dắt tay một bé trai, một bé gái xinh xắn cùng đến Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (phố Thụy Khuê, Hà Nội). Để hai cháu chơi ở ngoài, người đàn ông vừa làm đơn đề nghị xét nghiệm ADN của con trai ông bà và hai người cháu, vừa chia sẻ với bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm: “Tôi thừa biết thằng cu lớn 10 tuổi kia là cháu tôi rồi, không lệch đi phân nào khỏi họ nhà này đâu! Nhưng đứa bé con 5 tuổi kia thì tôi nghi lắm, chắc chắn phải làm xét nghiệm. Tôi làm xét nghiệm cả hai đứa chẳng qua là để kiểm tra xem Trung tâm làm có đúng không. Hai nữa, tôi cũng tò mò xem người là con và người không phải là con thì khác nhau như thế nào”.

Đôi vợ chồng già đã nhất quyết không rời Trung tâm cho đến khi cầm bộ kết quả được niêm phong trên tay. Ông hí hửng, chắc mẩm với niềm tin của mình là hoàn toàn đúng. Nhưng khi đọc những dòng chữ trên tờ giấy kết quả khiến ông biến sắc. Cả hai đứa cháu đều không phải là con của con trai ông. Ông bà ngồi bệt xuống sàn nhà. “Sao lại thế? Thất thập cổ lai hy còn bị lừa ư?”, ông than thở.

Suốt một buổi chiều hết nhìn chằm chằm vào tờ kết quả lại nhìn hai đứa cháu, người đàn ông mới kể: Nhà ông bà ở Cầu Giấy (Hà Nội), kinh tế khá giả. Ông bà chỉ có cậu con trai duy nhất. Kết quả này khiến ông như bị bóp nghẹt ở tim vì niềm tin bao lâu sụp đổ.

“Có lẽ vì sụp đổ niềm tin, ám ảnh bị lừa dối nên trong các bữa tiệc, gặp người quen thân, đôi vợ chồng già đó đều có câu cửa miệng: “Giờ, cháu ngoại mới là cháu của mình”. Đến nỗi, khi bạn bè, anh em thân thiết sinh con, họ cũng khuyên nên đưa đi xét nghiệm ADN”, bà Nguyễn Thị Nga nhớ lại.

Ám ảnh hai chữ “giải oan”

Trong câu chuyện giữa chúng tôi và bà Nguyễn Thị Nga, nhiều lần bà nhắc đến hai chữ “giải oan” nhờ ADN cho không ít trường hợp. Chuyện nhà ông Hải (70 tuổi, ở Thái Bình) là một ví dụ. Ông Hải có hai người con (một trai, một gái). Con trai ông làm công nhân xây dựng, nay đây mai đó. Vợ chồng anh lấy nhau được 10 năm, có cậu con trai hơn 8 tuổi. Nhưng từ khi bé chào đời, chưa bao giờ được ông nội bế ẵm, yêu thương, chỉ bởi lý do ông cho rằng, nhà ông “nuôi con tu hú”. Ông không tiếc lời nhiếc móc mẹ bé là “đồ bỏ đi”, chửi mắng cậu con trai “có mắt như mù”. Vậy là năm bữa một trận to, ba ngày một trận nhỏ, con trai ông liên miên đánh mắng vợ. Thanh minh suốt gần chục năm trời không được, cô con dâu quyết định ly hôn. “Nói là ghét thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng cảm giác nghi bị lừa khiến tôi không thể yêu thương nó. Ngày chúng nó đưa đơn lên tòa án, tự nhiên thấy lăn tăn, tôi quyết định đem tiền tiết kiệm đi xét nghiệm ADN của thằng bé và bố nó. Kết quả là tôi đã hàm hồ, nghi oan…”, ông Hải nói trong nước mắt.

Một chuyện khác xảy ra đã 2 năm, nhưng đến nay anh Sơn (ở Hải Phòng) vẫn thường xuyên gọi điện cho bà Nga để “cập nhật” tình hình gia đình và không quên “đội ơn” ADN vì nhờ đó, 25 năm sau ngày mẹ anh mất, bà mới được yên lòng.

“Vì nghi ngờ mẹ tôi thiếu chung thủy, bố tôi đã khiến tuổi thơ tôi bị đánh mất. Nguyên nhân chỉ vì ai cũng khen tôi càng lớn càng đẹp trai, đáng yêu, ít có nét giống bố. Cho rằng tôi giống người yêu cũ của mẹ nên mới đẹp, bố càng ghét tôi ra mặt. Tôi được 4 tuổi, bố đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Một thời gian sau mẹ mất, bố từ chối nuôi tôi, nên tôi phải nương nhờ nhà ngoại”, anh Sơn nhớ lại. Dù bị bố ruồng bỏ, nhưng anh Sơn tâm sự, bố anh cũng có nỗi đau khổ riêng, rất cô đơn khi không có vợ con bên cạnh.

Ba năm trước, được tin bố ốm nặng, anh đưa con trai về gặp ông. Nhìn cháu bé, ai cũng xuýt xoa cu cậu giống ông nội như lột, đến cái đôi mắt hơi xếch và mũi tẹt cũng giống ông. Nhưng dù ốm liệt giường, bố anh vẫn một giọng mỉa mai:“Sao chắc chắn đó là con anh được?”. Chạm tự ái, anh Sơn quyết định đi làm xét nghiệm ADN của anh và con. Một là thanh minh cho vợ. Hai là để nhổ cái gai định kiến hoài nghi phụ nữ của bố mình. Cầm tờ kết quả trong tay, anh mỉm cười: “Thằng bé là con đẻ của tôi, lại giống bố tôi như đúc, thế này thì ông yên chí tôi là chuẩn con ông rồi. Mẹ tôi đã có thể thanh thản nơi chín suối rồi”, anh Sơn xúc động.

14 năm trong nghề làm xét nghiệm ADN, bà Nguyễn Thị Nga đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện đầy cảm xúc mà ở đó, có người vì biết kết quả ADN mà gia đình hạnh phúc hơn, mọi nghi ngờ được xóa bỏ, nhưng cũng có những trường hợp không được may mắn như vậy. Bà Nga nói: “Nhiều người hỏi tôi nghĩ thế nào khi có những gia đình tan vỡ hạnh phúc? Tôi chỉ nghĩ đến cái kim trong bọc cũng phải lòi ra vì sự thật sao che giấu được mãi. Những gia đình hạnh phúc, không nghi kị gì nhau, không biết đến ADN là gì thì tôi không thể xen vào mà làm tan vỡ gia đình họ được. Nhưng nếu họ đang đi đến bờ vực sụp đổ thì họ sẽ phải tìm đến sự thật. Mà sự thật thì chỉ có ADN mới giải quyết được”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Thu (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN