Khó hiểu Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM

Sự kiện: Thời sự

Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM đã "đẻ" ra một loại "thủ tục con" để hành thân nhân những người bị "hốt" theo diện vô gia cư.

Ngày 4-10, bà Ngô Ngọc Lệ (ngụ Bến Tre) cho hay con bà vừa được bảo lãnh về từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội (gọi tắt là trung tâm - địa chỉ 463 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, sau hơn chục ngày tất tả "giải cứu" con trong bức xúc cùng lo sợ.

Trung tâm vào dễ khó ra

Trong câu chuyện luôn bị ngắt quãng vì uất nghẹn của mình, bà Lệ kể rằng con trai bà là anh Ngô Ngọc Quang (SN 1991) bị UBND phường 13, quận 6, TP HCM đưa vào trung tâm ngày 13-9 vì không nơi cư trú ổn định. Khoảng 1 tuần sau, người nhà mới nhận được điện thoại của Quang gọi về. Vậy là bà tất tả lên TP bảo lãnh cho con. "Tôi mang sổ hộ khẩu, CMND của tôi và chồng cũ kèm theo đơn bảo lãnh cho con có chứng nhận của Công an xã Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhưng trung tâm họ nói không đủ điều kiện. Họ nói sổ hộ khẩu không chứng minh được quan hệ ruột thịt. Ngoài ra, họ nói là đã gửi giấy xác nhận của trung tâm về địa phương và phải có giấy tờ đó nữa mới đủ thủ tục" - bà Lệ kể về lần đầu lên trung tâm.

Để có thêm chứng cứ chứng minh Quang là con ruột của mình, bà Lệ về quê trích lục giấy khai sinh của Quang từ UBND xã Mỹ Thạnh An. Theo đó, ngày 2-10, bà Lệ mang theo giấy khai sinh được chứng minh anh Quang là con của bà đến trung tâm thì một lần nữa trung tâm này lại từ chối vì còn thiếu tờ giấy xác nhận mà họ gửi về địa phương.

Khó hiểu Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM - 1

Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM - nơi đẻ ra "thủ tục con" - làm khó bà Lệ trong việc bảo lãnh con Ảnh: SỸ ĐÔNG

Quá sốt ruột, bà Lệ đề nghị trung tâm đưa giấy xác nhận theo mẫu để chạy về Bến Tre xác nhận cho nhanh chứ chờ bưu điện gửi lại cho trung tâm thì không biết khi nào đến. "Mỗi lần đi xe đò là tôi bị say xe, về đến nhà thì ói lên ói xuống nhưng sợ xảy ra chuyện chẳng lành cho con mà tôi đã cố làm "vừa lòng" yêu cầu của trung tâm. Trung tâm này đang "hành" tui mà. Tui ít chữ, nghèo nên phải chịu…" - bà Lệ bức xúc nói và chia sẻ thêm ngày 3-10, gia đình bà đã đem giấy xác nhận của trung tâm lên và con bà đã được hồi gia vào chiều 4-10. "Các giấy tờ như giấy khai sinh và giấy chứng nhận của công an địa phương là đủ chứng minh Quang là con tôi rồi. Vậy cần giấy xác nhận theo mẫu của trung tâm làm gì?" - bà Lệ hoài nghi và nhờ báo chí cùng những người am hiểu luật giải thích giúp.

Quay trở lại tại sao anh Quang, con bà Lệ, bị đưa vào trung tâm, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trung Tín, Chủ tịch UBND phường 13, quận 6, cho biết phường đã làm thủ tục đưa anh Quang vào trung tâm theo đúng quy trình tại Quyết định 29/2017 của UBND TP về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. Lý do là 2 lần liên tiếp anh Quang khai nhận ăn uống, tắm giặt tại công viên Phú Lâm, không có nơi ở ổn định.

Sai luật và đùn đẩy trả lời báo chí!

Để làm rõ hơn những bức xúc và nghi ngờ của bà Lệ, chiều 2-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc trung tâm, lúc đầu ông Dũng cho biết đã giải quyết hồi gia. Tuy nhiên, chỉ sau 15 phút, ông Dũng lại cho hay sáng 2-10, mẹ anh Quang đến xin bảo lãnh, trung tâm đã đưa giấy xác minh để bà Lệ mang về quê xác minh rồi nộp cho trung tâm, sau đó trung tâm mới giải quyết hồ sơ.

Phóng viên thắc mắc hồ sơ bà Lệ cung cấp đã có xác minh ở địa phương, ông Dũng trả lời phải xác nhận vào phiếu do trung tâm phát hành mới giải quyết cho hồi gia.

Trước ý kiến này, phóng viên đề nghị đến gặp trực tiếp nhưng ông Dũng đề nghị liên lạc Sở LĐ-TB-XH TP, "phát ngôn là giám đốc sở, khi giám đốc sở có chỉ đạo, ủy quyền mới phát ngôn được" - ông Dũng nói.

Trong khi đó, trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM thì ông này lại nói cứ đến trung tâm, trung tâm tiếp nhận, giải quyết hồi gia như thế nào thì trả lời cho báo chí chứ chuyện này mà cũng giám đốc sở phát ngôn là không cần thiết.

Sau khi trao đổi với ông Tấn, phóng viên điện thoại, nhắn tin cho ông Dũng nhưng ông Dũng không bắt máy, không trả lời tin nhắn. Chiều 3-10, chúng tôi tiếp tục đến trụ sở trung tâm nhưng bảo vệ không cho vào. Chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo và đề nghị bảo vệ báo cáo với ban giám đốc nhưng người này đòi giấy giới thiệu mới cho vào. Tiếp đó, chúng tôi gọi điện nhiều lần và nhắn tin vào số điện thoại của ông Dũng nhưng ông Dũng không hồi đáp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, phân tích theo quy định thì việc giải quyết hồi gia cho anh Quang được thực hiện khi có một trong hai điều kiện. Thứ nhất là có kết quả xác minh có nơi cư trú ổn định. Thứ hai là có người thân có nơi cư trú ổn định và đồng ý tiếp nhận.

Trong trường hợp trên, anh Quang đã đáp ứng được điều kiện thứ hai là có ba mẹ có nơi cư trú ổn định đồng ý tiếp nhận, do đó khi ba mẹ anh Quang trực tiếp đến trung tâm để tiếp nhận anh Quang thì phải được giải quyết. Việc xác định mối quan hệ giữa anh Quang và người trực tiếp đến tiếp nhận được căn cứ dựa trên các giấy tờ tùy thân, hộ khẩu của các bên hoặc các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan theo quy định tại khoản 4 điều 7 quyết định này. Vì vậy, việc trung tâm yêu cầu người nhà phải xác minh theo mẫu là cứng nhắc, trái với quy định pháp luật.

"Tôi đề nghị phải có biện pháp xử lý kỷ luật thích đáng đối với các cá nhân nói trên theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, những người thực thi công vụ có hành vi vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị đối xử sai luật" - luật sư Hậu đề nghị. 

Phường 13 đưa 185 người vào trung tâm

Ông Trần Trung Tín, Chủ tịch UBND phường 13, quận 6, thống kê: Từ tháng 11-2016 đến nay, phường đã lập biên bản 268 trường hợp người sinh sống ở nơi công cộng, trong đó đưa 185 người vào trung tâm vì sống lang thang. Phường cũng làm thủ tục nhắc nhở 83 trường hợp được người nhà bảo lãnh hoặc xác định nơi cư trú ổn định.

Đại diện Công an phường 13 cho biết khi phát hiện các trường hợp sống lang thang nơi công cộng sẽ mời về trụ sở làm việc. Trong vòng 24 giờ, nếu được người nhà đến bảo lãnh hoặc xác định được người này có nơi ở ổn định thì sẽ làm thủ tục để họ về với gia đình.

Từ vụ 2 cô gái không mang giấy tờ: Ai thuộc diện vào trung tâm bảo trợ xã hội?

Sau sự việc đưa 2 cô gái trẻ vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhiều người đặt câu hỏi, ai thuộc diện được chăm sóc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo SỸ ĐÔNG - TRƯỜNG HOÀNG (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN