Khi người đi bộ “xin” được thổi nồng độ cồn

Dịp Tết, nhiều huyện, thị ở Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã.

Lực lượng CSGT Công an huyện Hà Trung kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện trên tuyến đường liên xã

Lực lượng CSGT Công an huyện Hà Trung kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện trên tuyến đường liên xã

Uống hôm trước, hôm sau ra “xin” thổi

Ghi nhận thực tế của PV Báo Giao thông trên các tuyến đường ở thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung và huyện Quảng Xương (thuộc tỉnh Thanh Hóa) cho thấy, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông được lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả cao.

Tại huyện Hà Trung, hơn 13h ngày 30/1, trên tuyến đường liên xã cách QL1A khoảng hơn 2km, một tổ công tác của Đội CSGT dàn quân “mai phục” nhưng rất hiếm người qua lại bị “dính” nồng độ cồn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, khi thấy bóng dáng CSGT liền quay đầu xe bỏ chạy.

Khi được CSGT dừng xe kiểm tra, một nam thanh niên điều khiển xe máy mang BKS 36F5-088.94 đèo bạn gái phía sau cho hay: “Em biết là mức phạt cao nên không dám uống rượu bia đâu. Mà nếu có uống thì em đã có bạn gái ngồi sau chở rồi, các anh yên tâm, em chấp hành quy định nghiêm lắm!”.

Trung úy Bùi Minh Mừng - cán bộ Đội CSGT Công an huyện Hà Trung thông tin: Sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, rất ít người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. “Từ ngày 29 Tết đến nay, chúng tôi đã xử lý được 29 trường hợp, phạt tiền 87 triệu đồng. Trong khi dịp này hàng năm, số người vi phạm bị xử lý cao gấp 4-5 lần. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy người dân cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông”, Trung úy Mừng cho hay.

Tương tự, tại thị xã Bỉm Sơn, giữa trưa cùng ngày, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của Đội CSGT Công an thị xã, hầu hết các trường hợp được yêu cầu thổi nồng độ cồn đều không vi phạm. Tính chung trong 7 ngày Tết, Đội xử lý 20 trường hợp vi phạm, phạt tiền 102 triệu đồng, một con số rất thấp nếu so với dịp Tết năm ngoái.

Đại úy Phạm Tiến Khải, Đội phó Đội CSGT Công an thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Giờ đây ý thức người dân đã chuyển biến rõ rệt. Dịp Tết vừa qua, đa phần những người đàn ông đã uống rượu bia đều nhờ vợ, người thân chở về, thay vì tự đi xe máy”.

Còn Đại úy Đào Văn Thuận, cán bộ Đội CSGT thị xã Bỉm Sơn kể, thấy CSGT làm nhiệm vụ trên đường, nhiều người đi bộ còn đến “xin” được cho thổi nồng độ cồn để xem mình có “dính” hay không, trước khi về nhà lấy xe đi. “Có những người uống ngày hôm trước, hôm sau cũng chạy ra nhờ thổi để còn biết mà lái xe lên Hà Nội. Tôi chí ít cũng đã cầm máy đo giúp cho trên dưới 10 người đi bộ!”, Đại úy Thuận thông tin.

Hóa trang kết hợp xử lý công khai

Ở địa bàn huyện Quảng Xương, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội CSGT, trật tự Công an huyện Quảng Xương cho biết, để xử lý vi phạm nồng độ cồn hiệu quả, Đội đã xây dựng phương án kết hợp hóa trang và công khai. Đồng thời phải chọn tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, nơi hay tụ tập đông người để lập chốt.

“Toàn đội có 17 cán bộ, chiến sỹ gồm cả lãnh đạo, chỉ huy nhưng có tới 15 cán bộ tập trung ra ngoài đường thực hiện việc tuần tra kiểm soát. Để hiệu quả, một tổ hóa trang làm nhiệm vụ trinh sát trên các tuyến đường và một số nhà hàng. Nếu phát hiện có dấu hiệu người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thì báo cho lực lượng công khai đến để xử lý, lập biên bản. Quá trình xử lý chúng tôi đều quay lại camera để tránh trường hợp chống đối, chối cãi sau này”, Trung tá Hùng cho hay.

Được biết, hàng ngày, Đội CSGT, trật tự Công an huyện Quảng Xương phân công 4 tổ công tác, mỗi tổ 3 người làm nhiệm vụ tuần lưu và tuyên truyền trên hệ thống loa phát lưu động trên xe công vụ. Ngoài giờ hành chính (khung giờ từ 12h-14h; 19h-21h), toàn bộ lực lượng triển khai nhiệm vụ đo nồng độ cồn. Trong 7 ngày Tết Nguyên đán, Đội đã xử lý 12 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 30 triệu đồng.

Theo Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong 7 ngày Tết, trên địa bàn xảy ra 6 vụ TNGT làm 4 người tử vong, 6 người bị thương. So với kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, TNGT được kiềm chế, số vụ và số người bị thương không tăng, không giảm, giảm 2 người chết (giảm 33%). Lực lượng chức năng toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 897 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 760 triệu đồng, tạm giữ 335 phương tiện. Trong đó, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với 238 trường hợp (9 trường hợp ô tô và 227 mô tô), phạt tiền 378 triệu đồng; tạm giữ 238 phương tiện, tước GPLX 211 trường hợp.

Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Y tế trả lời về lo lắng đo nồng độ cồn có thể bị lây virus Corona

Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã trả lời những lo lắng, thắc mắc của nhiều người về việc thổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Đức - Phúc Tuấn ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN