Khi nào xe máy phải đo khí thải mới được lưu hành?

Sau khi thí điểm tại Đà Nẵng, đến năm 2020 sẽ đồng loạt kiểm soát khí thải xe máy tại năm thành phố...

Khi nào xe máy phải đo khí thải mới được lưu hành? - 1

Khoảng 400 nghìn xe máy xẽ được kiểm định khí thải trong hai năm đầu tiên thí điểm tại TP Đà Nẵng - Ảnh: Xuân Đoàn

Sau khi thí điểm tại Đà Nẵng, đến năm 2020 sẽ đồng loạt kiểm soát khí thải xe máy tại năm thành phố trực thuộc Trung ương. Hệ thống cơ sở kiểm tra khí thải sẽ được tổ chức thực hiện tại các đại lý ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp xe máy và các trung tâm đăng kiểm ô tô.

Bắt đầu với xe đã sử dụng trên 10 năm

Theo Bộ GTVT, đúng ra theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn năm 2013-2015, việc kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy (xe máy) đã được áp dụng tại các đô thị loại I, II. Song do chương trình này tác động trực tiếp đến đa số người dân, nhất là người nghèo, cũng như cần chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết, nên lộ trình đã được giãn ra.

Vì thế, mới đây, Bộ GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh tiếp tục xây dựng lộ trình mới để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đáng chú ý là trong lộ trình mới, việc thực hiện sẽ được thí điểm tại Đà Nẵng, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính đến cuối năm 2014, tại năm thành phố trực thuộc Trung ương có hơn 13,4 triệu mô tô, xe gắn máy (chiếm gần 30% cả nước), trong đó xe đã sử dụng trên 5 năm là gần 8,4 triệu chiếc. Đây là nguồn gây ô nhiễm không khí chính tại các thành phố nhưng lại chưa có sự kiểm soát khí thải.

Ông Lê Anh Tú, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Đăng kiểm VN (thành viên Văn phòng giúp việc Ban điều hành đề án kiểm soát khí thải, gồm đại diện các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tổng cục Môi trường, Cục CSGT) cho biết, dự kiến thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng trong năm 2018 -2019, với lộ trình từ 1/7/2018 kiểm soát đối với xe máy đã đăng ký sử dụng lần đầu từ 10 năm trở lên; từ 1/8/2019 áp dụng với xe đã đăng ký sử dụng từ 5 năm trở lên. Sau đó, từ năm 2020 - 2022 áp dụng tại bốn thành phố trực thuộc Trung ương khác là: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ.

Mục tiêu là đến năm 2022, các xe máy có niên hạn sử dụng trên 5 năm được kiểm định và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới được lưu hành. “Dự kiến chu kỳ kiểm định là hai năm/lần. Xe đạt tiêu chuẩn khí thải được cấp Chứng nhận, Tem kiểm định để lực lượng chức năng phân biệt với xe khác, còn trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải chung”, ông Tú nói và cho biết, đến thời điểm đó, hành lang pháp lý cũng sẽ được bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp người điều khiển xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải tham gia giao thông.

Vừa đo khí thải vừa bảo dưỡng xe

Trong hai năm đầu tiên thí điểm tại Đà Nẵng, ước tính có 400 nghìn xe máy được kiểm định khí thải, năm tiếp theo có thêm 300 nghìn xe. Để tạo thuận lợi cho người dân, hệ thống cơ sở kiểm tra khí thải sẽ được tổ chức thực hiện tại các đại lý ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp xe máy và các trung tâm đăng kiểm ô tô. Riêng với hệ thống đại lý của các hãng xe máy, chỉ tính năm hãng là: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki có 1.526 đại lý trên toàn quốc (trong đó tại năm thành phố có 529 đại lý), mỗi đại lý có thể bố trí 2-3 máy đo. Ước tính trung bình thời gian kiểm tra khí thải mỗi xe chỉ trong 8 phút, nên với việc tổ chức hệ thống kiểm tra khí thải ngay tại các đại lý bảo dưỡng xe máy và đăng kiểm ôtô thì hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định. Người dân khi đưa xe đến kiểm định cũng có thể kết hợp sửa chữa, bảo dưỡng xe, mà không cần đưa xe đi nơi khác. Do việc kiểm tra khí thải được xã hội hóa tối đa và mang tính chất dịch vụ công nên cần có nguồn thu hợp lý để bù lại chi phí, cũng như khuyến khích các cơ sở thực hiện. Do đó, dự kiến việc thu phí được trực tiếp với mức 100 - 150 nghìn đồng/xe/chu kỳ hai năm. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra hướng nghiên cứu tìm sự hỗ trợ nguồn kinh phí dành cho bảo vệ môi trường hoặc nguồn khác để có mức phí thấp nhất hoặc miễn phí kiểm định khí thải.

Theo ông Lê Anh Tú, với chu kỳ kiểm tra 2 năm/lần, mỗi lần 8 phút, không gây bất tiện cho người dân. Mức phí kiểm định như trên cũng chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể so với chi phí cho nhiên liệu, bảo dưỡng mỗi năm. Trong khi đó, khi xe được sửa chữa, bảo dưỡng để đạt tiêu chuẩn khí thải sẽ giúp tăng độ bền và tiết kiệm 10-30% nhiên liệu, cũng như giúp chủ phương tiện biết được tình trạng kỹ thuật máy móc để bảo dưỡng, sữa chữa, ngăn ngừa được nguy cơ mất an toàn kỹ thuật.

Ủng hộ lộ trình kiểm soát khí thải xe máy, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng cho rằng, hiện nay cơ quan Nhà nước chưa quản lý được chất lượng kỹ thuật đối với xe máy tham gia giao thông, nhất là đối với xe phân khối lớn. Do đó, thông qua kiểm soát khí thải sẽ giúp quản lý tốt hơn loại xe này, góp phần bảo vệ môi trường và phòng ngừa TNGT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN