Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook!

Sự kiện: Tin nóng Hòa Bình

Ông Nguyễn Văn Khuyên ở xóm Ao Trạch, xã Dân Hòa, huyện Kì Sơn, tỉnh Hòa Bình nhập ngũ năm 1978 và chiến đấu tại chiến trường Camphuchia. Sau đó, gia đình ông Khuyên nhận được giấy báo tử và gần 40 năm sau, điều kỳ diệu đã xảy ra.

Được sum họp bên gia đình, đặc biệt là bên người mẹ mà suốt 40 năm qua không ngày nào không rơi lệ vì nhớ con trai, ông Khuyên thấy cuộc đời mình thật may mắn. Ở nơi quê nhà được gần 1 tháng, ông Khuyên đã dần quen với sự thay đổi sau 40 năm. Kỷ niệm về ngày sinh sống trên đất Mường dần hiện lại trong trí nhớ của ông.

Giả câm thoát khỏi họng súng của Pol Pot

Năm 1978, khi đó ông Khuyên mới 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau những ngày tháng huấn luyện, ông được chuyển sang chiến trường Camphuchia chiến đấu.

Ông Khuyên nhớ lại những ngày chiến đấu với Pol Pot quả là gian nan. Suốt những ngày luồn rừng, cầm súng chiến đấu, ông và đồng đội đã trải qua muôn vàn vất vả và khó nhọc. Trong một trận chiến ác liệt vào cuối năm 1978, đồng đội của ông đã hy sinh cả, chỉ có mình ông bị thương nặng nằm thoi thóp trong rừng.

Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook! - 1

"Liệt sĩ" Nguyễn Văn Khuyên đã trở về quê nhà sau 40 năm lưu lạc ở xứ người. 

Do vết thương quá nặng, ông không thể di chuyển và tìm người cứu giúp. Giữa rừng già xứ người, ông tưởng mình sẽ khó lòng có cơ hội sống sót. Giữa làn ranh giới sinh tử đó, ông đã may mắn được 1 gia đình người Camphuchia phát hiện.

Họ đã đưa ông về nhà và lấy thuốc cho ông uống. Suốt 3 tháng liền hôn mê bất tỉnh, ông đã chết đi, sống lại 3 lần. Không những vậy, biết gia đình ân nhân có người lạ, đám Pol Pot đến nhà dò hỏi và điều tra. Rất may gia đình này đã nhận ông làm con trai. Nhờ sự cưu mang và đùm bọc đó, ông đã may mắn thoát chết. “Gia đình cứu tôi và giờ là bố vợ của tôi đã dặn tôi, không được nói với ai nửa lời”, ông Khuyên nhớ lại.

Ông Khuyên không nói tiếng Việt, gặp người lạ giả câm. Ông học nói tiếng Camphuchia và sinh hoạt như một người bản địa. Do bị thương nặng, nên ông bị mất trí suốt thời gian dài. “Tôi tỉnh lại là một con người hoàn toàn khác, không biết quá khứ của mình. Tôi chỉ biết ân nhân cứu mạng mình lo cho mình từng miếng ăn, giấc ngủ”, nói về gia đình đã cứu sống mình ông Khuyên vẫn còn rưng rưng.

Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook! - 2

Giấy Báo tử mà gia đình ông Khuyên nhận được năm 1981. 

Người đàn ông Camphuchia cứu ông thoát nạn đã gả người con gái của gia đình cho ông. Ông trở thành rể của gia đình từ đó. Sau đó, vợ ông sinh được 6 người con, nhưng không may, có 2 người con bị bệnh thần kinh.

Nhờ mạng xã hội tìm được nhà

Cuộc sống khó nhọc nơi xứ người cứ dần trôi qua, ông Khuyên đã dần quen với phong tục tập quán của Camphuchia. Ông nói tiếng địa phương và sinh hoạt như một người bản địa. Thế nhưng, gia cảnh khó khăn, con cái ốm yếu, vợ ông lại bị bệnh tiểu đường cắt mất một chân nên gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai ông.

Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook! - 3

Cụ Nguyễn Thị Tự rất vui mừng khi con trai của cụ trở về. 

Trong khi đó, nơi quê nhà, cụ Nguyễn Thị Tự - mẹ của ông Khuyên đã nhận được giấy báo tử gửi về. Từ khi con trai ra đi, cụ Tự chưa bao giờ thôi hết nhớ mong. Cụ lấy bức ảnh của con trai trước khi lên đường ra trận làm ảnh thờ. Ngày ngày cụ hương khói, mong con trai nơi suối vàng yên nghỉ. Chưa bao giờ, cụ Tự nghĩ có một ngày, con trai đã hy sinh cách đây 40 năm trở về nhà.

Chiến tranh, loạn lạc rồi cũng dẫn trôi qua, người Việt qua Camphuchia kiếm sống ngày một nhiều. Đầu năm 2018, có mấy người đàn ông làm thợ xây ở Nam Định sang Pnom Penh làm thuê. Họ thấy ông Khuyên nói được tiếng Việt, nên họ đã dò hỏi về thân phận của ông Khuyên. Ông Khuyên lờ mờ nhớ lại nơi quê hương bản quán. Cái bản người Mường chìm trong sương chiều, nơi mà cách đây 40 năm, ông đã khoác ba lô lên đường.

Mấy người đàn ông đó đã chụp ảnh ông Khuyên và đưa địa chỉ quê nhà ông nhớ được lên mạng xã hội Facebook.

Cách đây khoảng 1 tháng, chị Lê Thúy - một người dùng mạng xã hội Facebook đã chia sẻ thông tin trên một nhóm Facebook về thông tin và ảnh một người con đất Mường đang lưu lạc trên đất Campuchia có địa chỉ ở xóm Ao Trạch, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn).

Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook! - 4

Câu chuyện về sự trở về của ông Khuyên giống như truyện cổ tích. 

May mắn thay, có người dân xã Dân Hòa đã đọc được thông tin này. Họ đã báo tin này với  gia đình cụ Tự là hình ảnh người đàn ông  đăng trên trang mạng có nét giống anh Khuyên - con trai của cụ Tự đã hy sinh cách đây 40 năm.

Chị Trần Thị Kim Ngân - em dâu của ông Khuyên đã liên lạc với người đàn ông ở Nam Định đã chụp bức ảnh ông Khuyên và đã từng gặp ông Khuyên.

Người đàn ông này đã chia sẻ thông tin về quãng thời gian đi làm thợ xây ở Campuchia. Khi thấy một người đàn ông gốc Việt Nam hiền lành, ít nói, anh đã hỏi thăm và được ông Khuyên chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Anh chia sẻ trên mạng xã hội với mong muốn mọi người tìm người thân cho ông Khuyên. Sau khi xác minh đúng người đàn ông đó là ông Khuyên, gia đình đã liên lạc và sang tận nơi đón ông về thăm nhà.

Hy hữu: Liệt sĩ từ Campuchia trở về sau 40 năm nhờ Facebook! - 5

Cán bộ huyện Kì Sơn đến chúc mừng gia đình cụ Tự (ảnh Hương Lan). 

Cuộc đoàn tụ của gia đình ông Khuyên chìm trong nước mắt vui mừng. Đặc biệt là cụ Tự, khi ông Khuyên trở về nhà bằng xương, bằng thịt, mái tóc đã hoa râm cụ mới tin là con trai mình còn sống. Người con trai ra đi khi còn là một chàng trai trẻ, nay đã tóc đã muối tiêu, giọng nói nhát ngừng đó đúng là con trai cụ.

Bà con lối xóm vui một, cụ vui mười, đời cụ chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày người con trai cả của gia đình trở về. “Nó về tôi không tin vào mắt mình nữa. Bao đau thương, nhớ nhung, sầu thảm vì thương con trai suốt mấy chục năm qua đã tan biến”, cụ Tự chia sẻ.

Theo ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng LĐ&TBXH huyện Kỳ Sơn, việc ông Nguyễn Văn Khuyên trở về quê sau 40 năm lưu lạc là trường hợp vô cùng đặc biệt. Theo cơ quan chức năng, cũng từ ngày 1.8, cụ Nguyễn Thị Tự đã không được hưởng chế độ trợ cấp cho gia đình liệt sĩ nữa. 

”Liệt sĩ” trở về sau 50 năm lưu lạc nhờ facebook

Nhờ thông tin trên mạng, một "liệt sĩ" đoàn tụ gia đình sau 50 năm lưu lạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thuần Việt ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN