Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ

Sự kiện: Thời sự

Nhiều người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đã nhìn thấy 2 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng đỏ tươi bên trong, nhưng ít ai biết rằng nó được làm bằng đá hồng ngọc quý hiếm chỉ có duy nhất ở xứ Thanh.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi vượt quãng đường gần 100 km từ TP Thanh Hóa về xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để gặp nhân chứng sống và "mục sở thị" khu vực đồi Chợ Phét, nơi vốn là công trường khai thác đá hồng ngọc (đá quý màu đỏ) năm 1974, để góp công xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân chứng sống tham gia khai thác đá xây Lăng Bác

Năm nay đã 90 tuổi, cụ Trương Phúc Chủ (ngụ bản Duồng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước), nhân chứng sống và là người trực tiếp được giao nhiệm vụ chỉ đạo tại công trường khai thác đá ở thung lũng Ken Rai dưới ngọn đồi Chợ Phét, sức khỏe đã yếu đi nhiều. Dù năm tháng qua đi, tuổi già đã làm ông quên đi nhiều thứ, nhưng khi nhắc đến những viên đá hồng ngọc, những ngày tháng tham gia khai thác đá xây Lăng Bác Hồ, cụ Chủ vẫn còn nhớ như in, tâm trạng bồi hồi, xúc động.

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 1

Cụ Trương Phúc Chủ kể lại những ngày tháng tham gia khai thác đá đỏ xây Lăng Bác Hồ với phóng viên - Ảnh: Ngô Nhung

Cụ Chủ kể trong những năm cuối 1973 đầu năm 1974, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách công trường khai thác đá, kêu gọi nhân dân và dân công tham gia khai thác đá để phục vụ làm 2 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác Hồ. "Thời điểm đó, một công trường khai thác đá lớn được dựng lên, hàng ngàn người dân tình nguyện của các đồng bào dân tộc Mường, Dao, Thái… đổ về bản Duồng tham gia tìm đá quý. Cả ngàn người làm việc hăng say, không quản ngày đêm đào hàng vạn m3 đất đá để tìm những viên đá màu đỏ tươi (đá Hồng Ngọc) để góp công vào công việc thiêng liêng - làm cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác Hồ"- cụ Chủ kể.

Cũng theo cụ Chủ, ngày đó hay tin Trung ương đã tìm được 1 loại đá quý có màu đỏ tươi, nặng hơn các loại đá khác cùng kích cỡ, đặc biệt màu đỏ nguyên bản của đá không bị phai mờ đến hàng ngàn năm sau và là loại đá quý của Việt Nam duy nhất chỉ có ở Bá Thước (Thanh Hóa), nên bà con vui lắm vì quê mình có thể góp một nguyên liệu quý xây Lăng Bác mà không nơi nào có được.

"Thời điểm đó, tôi làm Trưởng phòng Giáo dục, Ủy viên ủy ban huyện Bá Thước, dù kinh nghiệm về đá không biết nhiều nhưng cũng được tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách công trường. Do thời gian làm 2 lá cờ đá rất cấp bách nên việc huy động, kêu gọi người dân tham gia đào đá rất quan trọng. Suốt 7 tháng trời, cả ngàn người tham gia đào đất tìm đá mà số lượng vẫn không đủ để làm 2 lá cờ rộng 32 m trong lăng Bác, trong khi khu vực đào đá có dấu hiệu khan hiếm đá khiến ai cũng lo lắng. Thế nhưng, khi thời điểm hạn cuối chỉ còn 1 tháng nữa, một nhóm người đào tìm ở khu vực lưng chừng đồi Chợ Phét đã reo lên sung sương khi phát hiện 1 tảng đá lớn (có trọng lượng khoảng 7 tấn). Hay tin, đích thân Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ là ông Lê Thế Sơn đã tới tận nơi để chỉ đạo việc khai thác tảng đá"- cụ Chủ tự hào kể.

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 2

Viên đá hồng ngọc được cụ Chủ nâng niu, bảo vệ hơn 40 năm qua - Ảnh: Ngô Nhung

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 3

Khu vực đồi Chợ Phét - nơi lấy đá quý để làm 2 lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác Hồ - Ảnh: Ngô Nhung

Để đưa được tảng đá lớn ra khỏi rừng, hàng ngàn người đã bàn đưa ra nhiều cách nhưng vẫn không làm được vì có sáng kiến được thì thời gian đưa đá về Lăng Bác sẽ không kịp ngày. Cuối cùng, sáng kiến chặt cây rừng kết thành mảng để từ từ đưa tảng đá xuống chân núi của cụ Chủ được đánh giá cao. Với ý tưởng đó, chỉ trong 1 tuần, tảng đá nặng 7 tấn đã được vận chuyển xuống chân đồi nguyên vẹn. Thế nhưng, việc tiếp theo là làm thế nào đưa được tảng đá lớn như thế lên ô tô để vận chuyển về Hà Nội. Dù nhiều ròng rọc cỡ lớn được huy động tới cẩu nhưng đều bị đứt. Cuối cùng, hàng ngàn người dân lại thay nhau đào hầm quang tảng đá để lùi xe vào mới thành công.

Khi tảng đá đã lên được ô tô, một vấn đề cuối cùng lại phát sinh là đường vận chuyển viên đá ra đường lớn không thể đi được do đường lầy lội, xe chở đá nặng. "Lúc đó, tinh thần quân dân chúng tôi hăng say lắm, hơn 3.000 người lại ngày đêm tay cuốc, tay xẻng tham gia mở 3 km đường, đoạn nào qua suối, đồng ruộng lầy lội thì xếp gỗ. Cuối cùng, 4.000 viên đá hồng ngọc (khoảng 300 m2) đã được 50 xe ô tô vận chuyển an toàn ra Hà Nội ban giao cho các đơn vị thực hiện công việc thiêng liêng phục vụ xây Lăng Bác Hồ vĩ đại"- cụ Chủ vui sướng kể lại.

Bảo vệ, gìn giữ đá quý như báu vật

Đã 45 năm trôi qua, vùng đồi Chợ Phét ngày nào giờ vẫn thế, vẫn xanh thẳm hiên ngang đứng giữa những dãy núi đồi bao la. Với cụ Chủ (có lẽ là nhân chứng cuối cùng tham gia đào đá xây Lăng Bác), kỷ vật thiêng liêng luôn ở bên mình và được ông gìn giữ suốt bao nhiêu năm qua là viên đá hồng ngọc, được ông lấy về làm kỷ niệm sau khi xong nhiệm vụ thiêng liêng. Vật quý đó luôn được ông trân trọng, tự hào. Mỗi dịp có khách, bạn bè tới chơi, cụ thường đem viên đá ra khoe, kể chuyện về những tháng ngày sục sôi tìm đá quý.

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 4

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 5

Đá Hồng Ngọc có màu đỏ như màu cờ, là loại đá ở Việt Nam duy nhất chỉ có ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) - Ảnh: Ngô Nhung

"Không chỉ cá nhân tôi mà đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung rất tự hào và vinh dự khi quê hương mình được đóng góp một phần công sức, những viên đá quý trong việc xây dựng nơi yên giấc ngàn thu cho Người. Với tôi đó là niềm tự hào không bao giờ quên"- cụ Trương Phúc Chủ trải lòng.

Ông Lục Công Đính, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ, cho biết ông rất tự hào khi quê hương có một nguồn đá quý dùng để làm 2 lá cờ đỏ trong Lăng Bác Hồ. "Đảng bộ và chính quyền xã Điền Hạ rất tự hào về những người như cụ Chủ, những người đã tham gia khai thác đá năm xưa. Trong đó, cụ Chủ được không chỉ là người trực tiếp tham gia khai thác đá mà còn là nhân chứng sống còn lại của địa phương. Kể từ đó đến nay, địa phương luôn bảo vệ tốt khu vực đồi Chợ Phét, không cho một ai vào khai thác loại đá này vào mục đích khác"- ông Đính nói.

Cũng theo ông Đính, vào năm 2014, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã về địa phương khảo sát, lấy mẫu đá đỏ để phục vụ xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích K9 – Đá Chông (thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). "Theo báo cáo thì khu vực khảo sát rộng khoảng 0,5 ha (ngay dưới chân đồi Chợ Phét - là công trường khai thác đá xây Lăng Bác năm xưa), trữ lượng khai thác khoảng 500 m3, trong đó sẽ lấy 100 m3 đá đỏ tươi và 400 m3 đá đỏ nâu phục vụ cho việc xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Hiện đơn vị đã hoàn thành việc lấy đá, địa phương cũng đã đóng mỏ sau khi đơn vị này rút đi"- ông Đính chia sẻ.

Huyền thoại 2 lá cờ đá hồng ngọc trong Lăng Bác Hồ - 6

Ông Lục Công Đính, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ cho biết, địa phương luôn bảo vệ tốt khu vực đá quý - Ảnh: Ngô Nhung

Gần nửa thế kỷ đã qua đi, thời gian có thể xóa nhà đi nhiều thứ, nhưng câu chuyện về đá hồng ngọc dùng để tạo hình tượng lên hai lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác vẫn được xem là 1 dấu ấn lịch sử của đồng bào các dân tộc huyện Bá Thước. Công sức, mồ hôi của hàng ngàn người dân ngày đêm đào đất tìm đá đã góp phần tạo nên một công trình ý nghĩa của cả dân tộc để nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Lời chúc Tết Nguyên đán Kỷ Hợi - 2019 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Chào đón năm mới Kỷ Hợi 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời chúc Tết gửi tới đồng bào,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN