Hôn nhân đồng tính: Luật không cấm đám cưới!

Luật Hôn nhân và Gia đình định nghĩa “kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.

Những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin phản ánh về đám cưới của một cặp đôi đồng tính tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Gia đình hai bên tổ chức tiệc cưới cho hai bạn trẻ H. và Q. (với ngoại hình đều là nam giới), người dân hiếu kỳ kéo đến xem đông hơn cả số khách mời. Cha mẹ của H. được UBND phường mời lên lập biên bản về việc tổ chức đám cưới mà theo lãnh đạo phường là trái pháp luật, đề nghị ngưng ngay việc tổ chức đám cưới và đề nghị H. phải rời khỏi tiệc cưới để đám đông hiếu kỳ làm cản trở giao thông. Tiếp đó, UBND phường Bình San áp dụng điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình xử phạt 200.000 đồng đối với cha của H.

Luật Hôn nhân và Gia đình cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, việc xử phạt của chính quyền trong trường hợp này liệu có đúng luật?

Không có căn cứ xử phạt

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thì việc UBND phường xử phạt hành chính về hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” là không đúng, không đảm bảo căn cứ pháp lý “Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, định nghĩa “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Đồng thời luật này quy định: “Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định”. Đôi bạn trẻ đã tổ chức tiệc tùng theo kiểu đám cưới nhưng trên thực tế họ chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy không thể gọi tổ chức đám cưới là kết hôn được” - luật sư Trương Xuân Tám phân tích.

Hôn nhân đồng tính: Luật không cấm đám cưới! - 1

Rất đông người hiếu kỳ xem đám cưới người đồng tính. Ảnh: Lê Sen

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đám cưới chỉ là nghi thức theo phong tục tập quán và không có giá trị pháp lý. Chính quyền xử phạt hai bạn trẻ về hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính là không có căn cứ bởi hai bạn trẻ này chưa kết hôn. Cần phải đi từ bản chất của vấn đề xử phạt. Phạt như vậy có nhằm mục đích không cho họ sống chung với nhau như vợ chồng không? Nếu anh phạt họ đã tổ chức đám cưới thì họ sống chung với nhau thì có phạt được không? Hiện nay pháp luật cũng không cấm việc những người cùng giới sống chung với nhau như vợ chồng. Vậy phạt việc tổ chức đám cưới như vậy để làm gì?

Không công nhận vợ chồng, sao lại phạt

Luật sư Tám nói thêm: “Tôi đặt ra một tình huống ngược lại, một đôi nam, nữ tổ chức đám cưới và chung sống với nhau nhưng lại không đăng ký kết hôn theo quy định thì về mặt pháp lý họ vẫn không được công nhận là vợ chồng, được coi là chưa kết hôn. Như vậy không lý nào ở tình huống này là cho rằng đôi bạn trẻ đồng giới tổ chức tiệc tùng như vậy tức là kết hôn để xử phạt! Tôi cho rằng ở đây pháp luật có kẽ hở, chưa lường trước được tình huống “kết hôn” giữa những người đồng giới”.

Trung tâm Kết nối và chia sẻ với người đồng tính (ICS) cũng đã có thông cáo báo chí lên tiếng kêu gọi sự chia sẻ, cảm thông của xã hội trong đó có nêu: “Tổ chức tiệc cưới không thể xem là kết hôn vì về bản chất chỉ là một buổi gặp mặt, liên hoan và không có giá trị pháp lý. Luật không cấm việc hai người cùng giới có quan hệ tình cảm với nhau, miễn là tự nguyện, đủ tuổi và không có yếu tố mại dâm. Do vậy, mọi công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, trong đó có việc tổ chức tiệc cưới giữa những người đồng giới yêu nhau”...

Đâu còn hình thức nào khác để mình phạt đâu?

Bà Lâm Lệ Oanh, Chủ tịch UBND phường Bình San (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang): Chúng tôi đã quyết định xử phạt hành chính ông H. (cha của “cô dâu”) 200.000 đồng. Quyết định xử phạt của phường căn cứ theo điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể là ông H. đã tổ chức kết hôn cho những người cùng giới tính.

PV: Gia đình ông H. chỉ tổ chức đám cưới chứ không đăng ký kết hôn. Hành vi kết hôn chỉ xảy ra khi đăng ký kết hôn. Liệu phường có nhầm lẫn giữa hành vi kết hôn và hành vi tổ chức đám cưới hay không?

+ Vấn đề này cũng đã được nhiều nhà báo hỏi đến. Tuy nhiên, do phường đã quyết định xử phạt thì phải bảo vệ quan điểm đó. Chẳng lẽ mình đồng ý cho người ta kết hôn rồi mới xử phạt hay sao? Tui cũng hổng hiểu ý của Nghị định 87/2001/NĐ-CP nói sao nữa. Theo anh thì hành vi đó phải xử lý bằng hình thức nào? Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định rất rõ về vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Vậy là ông H. vi phạm theo điểm này rồi, chứ đâu còn hình thức nào khác để mình phạt đâu. Chẳng lẽ mình chấp nhận cho người ta kết hôn sao?

Vĩnh Sơn thực hiện

80% các cặp đồng tính có nhu cầu sống chung với nhau. Trong đó có 30% các cặp đang sống chung với nhau như vợ chồng. Đây là khảo sát của diễn đàn Táo Xanh (thuộc Trung tâm Kết nối và chia sẻ ICS) trên 1.000 cặp đôi đồng tính nam yêu nhau.

Tuy nhiên, các bạn đã chọn cách sống chung âm thầm, mà không công khai rộng rãi vì còn e ngại sự kỳ thị của xã hội. Số các cặp tổ chức đám cưới rình rang cho đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đó là những cặp thật sự thoáng và được phụ huynh ủng hộ. Chính quyền thường chỉ can thiệp đến các cặp làm đám cưới chứ ICS chưa nghe báo cáo sự can thiệp từ các cặp đang sống chung.

Huỳnh Minh Thảo
Giám đốc truyền thông Trung tâm Kết nối và chia sẻ ICS

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Mận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN