Hôn nhân đồng giới: Không hẳn "bật đèn xanh"

Nhà nước không khuyến khích hôn nhân đồng tính nhưng đây lại là nhu cầu thực tế cần phải có cơ chế xử lý.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp), đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, diễn ra ngày 16/4.

Hiện đang có nhiều đề xuất ủng hộ hôn nhân đồng tính. Vậy Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sẽ trình vấn đề này lên Chính phủ theo hướng nào thưa ông?

Cũng giống như mang thai hộ, luật pháp hiện hành vẫn khẳng định cấm kết hôn đồng giới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc sử dụng từ “cấm” mang tính khắc nghiệt, nặng nề quá. Chính vì thế Dự thảo Luật Hôn nhân-Gia đình sửa đổi lần này cần phải tìm ra cơ chế xử lý thích hợp: cấm hay không; thừa nhận hay không thừa nhận và nếu thừa nhận thì sẽ ở hình thức nào?

Đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm mà thực tiễn đã đặt ra. Thực tế, nhiều cặp đồng giới đã chung sống với nhau như vợ chồng, chính vì thế chúng ta không nên đặt câu hỏi cấm hay không cấm ở đây nữa.

Tinh thần Dự thảo đang hướng tới phương án: không quy định theo hướng cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà quy định theo hướng không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính.

Phương án này bước đầu thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với những quan hệ của người đồng giới. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, hướng đi phù hợp của pháp luật Việt Nam là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới, đồng thời có quy định về việc giải quyết về hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này.

Hôn nhân đồng giới: Không hẳn "bật đèn xanh" - 1

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế

Không thừa nhận song cũng không can thiệp mặt hành chính, điều này có nghĩa Nhà nước đã “bật đèn xanh” khuyến khích cho hôn nhân đồng giới?

Không thể nói là khuyến khích, mà đây là do nhu cầu thực tế của người đồng tính. Chẳng nhẽ nào hai người đàn ông bình thường lại thích cưới nhau?

Tôi cho rằng vấn đề ở đây không phải chúng ta cho phép hay không cho phép người đồng tính kết hôn mà quan trọng hơn phải tìm ra giải pháp thỏa mãn nhu cầu từ thực tiễn. Đặc biệt, chúng ta càng không nên lo sợ luật sẽ bị lạm dụng.

Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo Luật Hôn nhân-Gia đình sửa đổi lần này là phải đảm bảo quyền tự do của con người. Và một khi đã cho người ta thực hiện quyền thì kèm theo đó phải có cơ chế, quy định để quyền đó không bị lạm dụng.

Nhu cầu từ cuộc sống thúc giục chúng ta phải ban hành luật sớm, song không có nghĩa phải vội vàng vì đây là vấn đề tế nhị, phức tạp cần sự nghiên cứu bài bản nghiêm túc có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Kinh nghiệm ứng xử về vấn đề này của các nước trên thế giới ra sao thưa ông? Việt Nam sẽ vận dụng theo hướng nào?

Trên thế giới hiện chỉ có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép hôn nhân đồng giới. Phần còn lại được chia làm 2 xu hướng: một là nghiêm cấm nhiều và đi kèm với đó là sự trừng phạt dã man nếu vi phạm; hai là có những nước dù không thừa nhận nhưng cũng không can thiệp về mặt hành chính. Thậm chí có những nước còn cho phép người đồng giới đăng ký kết hôn theo hình thức dân sự, có cuộc sống gia đình bình thường nhưng về mặt pháp lý thì vẫn không thừa nhận.

Đối với Việt Nam chúng ta, luật được sửa theo hướng không dùng từ “cấm” nhưng lại vướng ở chỗ thực tế xã hội hiện vẫn chưa đủ điều kiện để công nhận hôn nhân đồng giới. Chính vì thế tinh thần của luật là sẽ đưa ra cách ứng xử nhân đạo để người đồng giới có cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên với hình thức như thế nào thì phải chờ “người” có thẩm quyền cuối cùng quyết định là Quốc hội.

Xin cảm ơn ông!

Hãy để cho người trong cuộc lên tiếng

Hôn nhân đồng giới: Không hẳn "bật đèn xanh" - 2

Anh Lương Thế Huy

Đại diện cho tiếng nói của “thế giới thứ 3”, anh Lương Thế Huy (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) nhận định:

"Hầu hết quan điểm các bộ ngành vẫn còn nghiêng về phương án trung dung với việc cho phép kết hôn đồng giới vì sợ nếu thừa nhận thì quá táo bạo so với quan điểm truyền thống của xã hội bấy lâu nay. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực khi những nhà làm luật đã nhận ra việc duy trì cấm kết hôn đồng tình đã không còn phù hợp.

Qua đây, cộng đồng người đồng tính cảm thấy khích lệ và đánh giá cao nỗ lực của Nhà nước trong việc công nhận quyền lợi của mình. Tất nhiên mong muốn cuối cùng của chúng tôi vẫn là được thừa nhận quyền bình đẳng một cách tuyệt đối. Trong việc xây dựng luật, tôi chỉ thắc mắc tại sao ban soạn thảo lại không tổ chức lấy ý kiến của những người trong cuộc? Làm luật cho ai thì phải hiểu họ như thế nào và mong muốn nguyện vọng của họ ra sao. Xưa nay chúng tá chỉ nói đưa pháp luật vào cuộc sống nhưng còn thiếu về còn lại đưa cuộc sống vào pháp luật. Tôi mong có những cuộc đối thoại để những người đồng tính như tôi có thể chuyển tiếng nói kiến nghị của mình tới những nhà làm luật..."

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN