Hơn 6.000 người cấp cứu do đánh nhau dịp Tết

Số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết trong cả nước là 6.207 trường hợp, trong đó có 15 người tử vong.

Chiều ngày mùng 5 Tết, Bộ Y tế có báo cáo về tình hình khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, số bệnh nhân khám cấp cứu tai nạn giao thông (bao gồm nhiều mức độ khác nhau, chưa loại trừ số bệnh nhân chuyển viện giữa các tuyến) là 40.008 lượt (giảm so với 2014 có 43.569 trường hợp).

Số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau là  hơn 6.200 trường hợp, trong đó có 15 người tử vong. Các bệnh viện khám cấp cứu tai nạn do pháo nổ 55 trường hợp (tăng so với 2014 chỉ có 34 trường hợp).

Hơn 6.000 người cấp cứu do đánh nhau dịp Tết - 1

 Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện trong dịp Tết. (Ảnh: Hằng Đỗ)

Trao đổi với phóng viên sáng 24/2, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong dịp Tết có 1.211 bệnh nhân đến khám trong đó hơn 500 người tai nạn giao thông. Trong số này, có 250 người chấn thương sọ não, hơn 200 là tai nạn sinh hoạt, đánh nhau. Trong số bệnh nhân tai nạn trong dịp Tết, hơn 1/3 số người không đội mũ bảo hiểm và sử dụng rượu bia.

PGS Quyết đánh giá, năm nay tình hình tai nạn giao thông ít hơn nhưng nặng hơn nhiều chủ yếu do ý thức của người dân, phóng nhanh vượt ẩu, chở 2, 3 người.

Tại Bệnh viện Việt Đức trong dịp Tết tăng cường  50 bác sĩ trực và 250 cán bộ điều dưỡng. Đặc biệt, bệnh viện yêu cầu các bác sĩ trưởng khoa, phó khoa không ra khỏi Hà Nội trong dịp Tết.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 7 ngày Tết, từ 28 Tết đến ngày mùng 5 Tết tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai có 604 bệnh nhân đến khám, chuyển các khoa khác 367; tử vong 12 người chủ yếu do các bệnh tai biến. Năm nay, Khoa Cấp cứu đỡ áp lực hơn do hệ thống tái khám và khoa khám bệnh làm việc thông Tết.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong dịp Tết có 45 bệnh nhân nhập viện trong đó 8 trường hợp ngộ độc thức ăn, 6 trường hợp ngộ độc rượu.

Các bác sĩ cảnh báo, ngày Tết, người bệnh thường cố ở nhà, chỉ khi quá nặng mới chịu đi viện thì đã muộn. Vì vậy, khi có dấu hiệu tê nửa người, thất ngôn nên đến viện sớm để được xử trí sớm thì có thể phục hồi hoàn toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN