HN: Không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới
Năm học mới, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần học sinh mặc sạch, khuyến khích các em tiết kiệm để chia sẻ cùng anh chị em trong gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là nội dung trong văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GD-ĐT Hà Nội vừa gửi tới các phòng giáo dục, quận, huyện, xã.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, vào đầu năm học, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch để khuyến khích tiết kiệm và có thể chia sẻ cùng anh chị em trong gia đình và các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hiệu trưởng các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới (hoặc chưa kịp mua đồng phục) mà không được vào trường học.
Đồng phục phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương; được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận; dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Các sở giáo dục không khuyến khích các trường thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hàng năm làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Nếu nhà trường thấy thật sự cần thiết phải thay đổi thì phải có sự bàn bạc cụ thể và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc thực hiện đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT quy định.
Đồng phục học sinh lớp 10 của học sinh ở Hà Nội
Trước đó, nhiều người dân các thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, HN) có con học tại Trường Tiểu học Văn Bình bức xúc khi hội phụ huynh gồm ba người đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước, với giá từ hơn 600.000 đồng đến gần 700.000 đồng/bộ tùy từng khối lớp học.
Sau khi báo chí thông tin, việc may đồng phục của học sinh tại trường đã được dừng lại với lí do đưa ra là “không phù hợp với tâm lí học sinh”.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, đại diện Sở GD-ĐT HN đề nghị các trường khi tổ chức việc dạy thêm, học thêm phải được xuất phát từ nhu cầu người học và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm; triển khai chi tiết, cụ thể các văn bản hướng dẫn của Sở GD Hà Nội đến toàn thể thành viên trong hội đồng sư phạm nhà trường; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. |