Có nên “xóa” đồng phục áo dài nữ sinh?
Tà áo dài nữ sinh đi vào thơ ca và các loại hình nghệ thuật, trở thành ký ức không thể quên của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, gần đây, đã có không ít ý kiến đề nghị không chọn áo dài làm đồng phục cho nữ sinh vì những bất tiện đối với người mặc và tự thân trang phục này không phù hợp điều kiện thời tiết nước ta.
Có nên bỏ đồng phục áo dài là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến do báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức vào ngày 6/7.
Chín người, mười ý
Anh Huỳnh Trung Nghĩa (55 tuổi) băn khoăn: Áo dài trắng vốn dĩ rất đẹp và thích hợp với tuổi học trò nhưng với tình cảnh kẹt xe, bụi bặm, mưa gió như ở VN hiện nay, mặc áo dài quả là bất tiện cho nữ sinh. Mặc áo dài rất bất tiện ở các tiết thể dục. Anh Nghĩa đề xuất nên chăng chỉ mặc áo dài vào buổi chào cờ đầu tuần.
Anh Trần Văn Chu (23 tuổi) cho rằng áo dài đẹp, bản sắc nhưng bất tiện cho lứa tuổi học sinh còn hiếu động. Vì đẹp nên mặc đi làm, đi học đều gây chú ý và tầm thường hóa áo dài. Vì vậy, chỉ nên mặc vào dịp lễ, hội. Thời đại công nghiệp năng động, nên chọn đồng phục vừa mát, cử động thoải mái hơn cho các em.
Anh Trần Mai (30 tuổi) băn khoăn: Tại sao một số ca sĩ hải ngoại mặc áo dài trình diễn như là một cách “về nguồn” thì các bạn nữ lại muốn mặc đầm như chối bỏ cội nguồn dân tộc? Chị Nguyễn Thanh Tú (40 tuổi) bức xúc: “Tại sao phải thay đổi chiếc áo dài truyền thống bằng những bộ váy kiểu cách giống trường Tây ngày trước? Đây là cách tân hay sao? Tôi nghe rất nhiều bạn nữ than phiền về chiếc áo dài đến khi lên đại học, không còn thấy bóng dáng chiếc áo dài mới thấy lưu luyến thời phổ thông”.
Rất nhiều ý kiến chia sẻ áo dài không những mang bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một loại áo đẹp, có một không hai trên thế giới. Nữ sinh mặc áo dài trắng vừa đẹp, vừa làm tính cách thay đổi theo hướng tốt hơn. Hoa hậu Dương Mỹ Linh chia sẻ: “Có lần ngang qua trường cũ, thấy các em nữ sinh túa ra cổng, không còn những tà áo dài trắng thướt tha, tự dưng em thấy buồn hụt hẫng”.
Áo trắng sân trường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Không bắt buộc
Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Trước đây, đại đa số các trường THPT và cả một số trường THCS chọn đồng phục nữ sinh là áo dài trắng. Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT có Thông tư 26 về đồng phục, lễ phục đối với học sinh (HS) và sinh viên (SV). Một trong những tiêu chí của Thông tư 26 là đồng phục đạt thẩm mỹ, phù hợp độ tuổi, thời tiết và thuận lợi cho HS trong học tập. Một yếu tố quan trọng khi chọn đồng phục cho HS là đơn giản, tiết kiệm và sự đồng thuận trong hội đồng sư phạm, phụ huynh.
Chính vì vậy, đồng phục hiện nay đa dạng hơn, ngoài áo dài trắng còn có nhiều trang phục được lựa chọn: váy - áo hoặc áo sơ mi- quần tây, màu sắc cũng phong phú hơn. “Quy định của Bộ nếu chọn áo dài cũng chỉ áp dụng ở bậc THPT, trung cấp, CĐ, ĐH, và không quy định kiểu dáng. Nhưng trước nay đồng phục áo dài trắng, các trường đều có khuyến khích là các em mặc áo lá bên trong. Sở GD&ĐT vẫn khuyến khích chọn đồng phục áo dài nhưng đa số các trường hiện nay chỉ yêu cầu nữ sinh mặc áo dài trong ngày thứ hai hoặc ngày lễ” - bà Thanh cho biết.
Cô Dương Thu Trang, giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) nói: “Hình ảnh tà áo dài trắng của các em nữ sinh đã trở nên thân thuộc với chúng tôi, nên khi có sự thay đổi trang phục khác, tôi cũng hơi sốc một chút. Tuy nhiên, nếu theo dõi cũng thấy có nét thú vị, sinh động. Nếu ngày nào cũng mặc, sự trân trọng của các em với áo dài sẽ không đầy đủ. Nếu chỉ mặc ngày thứ hai để chào cờ hoặc ngày lễ, các em tỏ ra nhẹ nhàng, dịu dàng hơn.?Trong khi mặc cả tuần, các em có thể mở cổ áo, xắn tay hoặc nhét tà áo lên lưng quần để chạy nhảy đùa nghịch cho thuận lợi”.
Theo nhà thiết kế thời trang Thuận Việt, phụ huynh khi may áo dài cho các em nên chọn chất liệu co giãn, hút ẩm tốt. Kiểu dáng áo dài cũng nên phá cách một chút, không nhất thiết phải ôm sát cơ thể. Có thể may tay ngắn một chút để các em tiện lợi khi đi đứng, viết bài…