Hành trình tập lái máy bay tự chế của "hai lúa" Bình Dương

Sự kiện: Thời sự Bình Dương

Không chỉ lái máy bay bay cao hơn đầu người, ông còn thực hiện những “cú” quay đầu êm ái, mượt mà.

Hành trình tập lái máy bay tự chế của "hai lúa" Bình Dương - 1

Ông Bùi Hiển được mệnh danh là kỹ sư “hai lúa” với niềm đam mê chế tạo máy bay. Trong ảnh: Ông Hiển bên chiếc máy bay được đặt tên là “Giấc mơ”.

Sau 2 năm nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay thứ hai mang tên “Giấc mơ”, ông Bùi Hiển hay còn được mệnh danh là kỹ sư “hai lúa” ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đã chính thức đưa chiếc máy bay này bay cao 2m. Hiện, ông đang làm các thủ tục cần thiết để xin cơ quan chức năng cho phép tiếp tục tập bay và đưa máy bay bay cao hơn.

Trong cuộc gặp PV vào chiều 12.9 ngay tại công xưởng chế tạo máy bay, ông Bùi Hiển luôn nở nụ cười thật tươi và tỏ ra rất đỗi tự hào về “đứa con” của mình. Ông khẳng định: “Đây là chiếc máy bay hoàn thiện, không cần phải chỉnh sửa gì nữa. Máy bay bay êm lắm, ngon lắm rồi! Vấn đề bây giờ là tôi cần thêm nhiều thời gian tập bay để có thể đưa nó lên cao hơn”.

Trước đó, ông Hiển đã dành 6 tháng tập bay trên chiếc máy bay này với số ngày ra bãi tập thực tế là gần 100 ngày. Theo ông Hiển, mỗi ngày tập bay, ông đều nghiên cứu kỹ thời tiết. Đặc biệt ngay bãi tập ông có cắm một cây cờ bằng vải để theo dõi sức gió và hướng gió. Mỗi ngày như vậy ông dành 30 phút tập bay, chia nhỏ làm ba đợt - mỗi đợt 10 phút.

Trước khi nắm cần bay thực tế, ông Hiển đã dành 15 ngày tập bay trên trên môi trường ảo trên máy tính. Ông Hiển cho biết, tập lái máy bay trên máy tính cũng bị lật như thường. Khi máy bay lật thì phần mềm có quy định phạt, buộc người học phải chờ rất lâu trước khi thực hiện bài bay mới, để khuyến nghị người học phải thật cẩn thận và tập trung khi cầm lái.

Hành trình tập lái máy bay tự chế của "hai lúa" Bình Dương - 2

Ông Hiển đang kể lại quá trình tập luyện để lái máy bay lên khỏi mặt đất.

Nếu như trong những lần tập bay trước, mục tiêu của ông Hiển là kiểm soát máy bay thăng bằng khi nó nâng lên khỏi mặt đất, thì từ khoảng 2 tuần trở lại đây ông đã tự tin đưa máy bay bay cao hơn đầu người. Không chỉ vậy, ông Hiển còn điều khiển máy bay bay tới và thực hiện những “cú” quay đầu hết sức êm ái, mượt mà.

Vừa bật từng đoạn phim cho PV xem quá trình bay thử máy bay “Giấc mơ”, ông Hiển vừa chia sẻ cảm giác khi lần đầu ngồi trên chiếc máy bay do mình tự chế tạo và tự điều khiển lên không trung. Cảm giác đó của ông trải qua nhiều cung bậc, từ khó khăn, vất vả cho tới bồng bềnh khó tả.

Hành trình tập lái máy bay tự chế của "hai lúa" Bình Dương - 3

Chiếc máy bay “Giấc mơ” được ông Hiển lái bay trên không trung.

“Ban đầu chưa quen, tôi không tài nào nhấc nó lên được. Mặc dù trong đầu tôi hạ quyết tâm “Phải kéo nó lên! Phải kéo nó lên!”, nhưng do chưa quen nên tay không dám kéo, thậm chí tay chân tôi lúc đó còn gồng cứng. Sau một thời gian tập luyện, máy bay cũng đã bay lên được nhưng lại chưa ổn định - hết nghiêng bên trái rồi lại nghiêng bên phải, tôi phải rất vất vả để bẻ lái. Bây giờ thì tôi lái chuẩn rồi, lúc bay lên cao có cảm giác bồng bềnh như trong môi trường không trọng lực. Đã lắm, thích lắm chú ơi!”, ông hồ hởi nói.

“Nếu cơ quan chức năng không cấm bay thì tôi vẫn muốn tập tiếp. Khi đã quen tay, chuyện bay cao thấp sẽ không thành vấn đề”, ông Hiển bộc bạch.

Qua chuyện tập lái máy bay, ông Hiển cho biết, ông đã ngộ ra một điều rất đúng mà các phi công từng nói với ông: Khi tay còn nắm cứng vô lăng là chưa lái được, nhưng khi tay chân đã thả lỏng ra là thành công. Sau quá trình luyện tập chăm chỉ, nó sẽ tạo thành một thói quen có điều kiện.

Sau khi hoàn thành 6 tháng luyện tập, trong đó có 2 tuần tập bay ở độ cao 2m, ông Hiển đã đưa máy bay từ bãi tập về lại xưởng để tiếp tục gắn thêm hệ thống phun thuốc trừ sâu.

Video: Ông Hiển bay tới và bay treo trên chiếc máy bay “Giấc mơ”:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN