Hành trình sinh con “sạch” của những người nhiễm HIV

Sự kiện: Tin nóng

Tại nhiều nơi, chương trình dự phòng HIV/AIDS từ mẹ sang con đã tư vấn cho các cặp vợ chồng tuân thủ điều trị thuốc ARV đúng giờ, khi tải lượng virus ở ngưỡng an toàn có thể sinh con “sạch”. Nhiều cặp vợ chồng đã đón những em bé khoẻ mạnh trong niềm vui hân hoan.

Với những người nhiễm HIV, việc có mụn con khoẻ mạnh, không mắc căn bệnh thế kỷ là khát khao bỏng cháy. Nhiều người nhiễm HIV đã ngần ngại không dám sinh con, sợ con bị lây truyền căn bệnh thế kỷ mà bỏ lỡ tuổi sinh đẻ. Nhưng tại nhiều nơi, chương trình dự phòng HIV/AIDS từ mẹ sang con đã tư vấn cho các cặp vợ chồng tuân thủ điều trị thuốc ARV đúng giờ, khi tải lượng virus ở ngưỡng an toàn có thể sinh con “sạch”. Nhiều cặp vợ chồng đã đón những em bé khoẻ mạnh trong niềm vui hân hoan. 

Thoả ước nguyện

Tới Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chúng tôi gặp N.T.T (SN 1994, quê ở Yên Bái) tới lấy thuốc ARV định kỳ để điều trị căn bệnh HIV/AIDS. T mới sinh con được 2 tháng, cô đang hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm lần 2 xem em bé có bị lây nhiễm bệnh từ mẹ hay không.

Theo chia sẻ của T, cô đã có 2 con với người chồng trước. Năm 2017, trong một lần xô xát với người bạn nhiễm HIV, T đã bị phơi nhiễm từ vết cào trên cổ. Năm 2018, cô sinh đứa con thứ 2 mới phát hiện mình bị nhiễm HIV. Sốc, tuyệt vọng, chán nản, T rơi vào trầm cảm. Điều an ủi và động lực của T lúc đó là con cô có kết quả xét nghiệm âm tính.

Sau khi gia đình tan vỡ, T rời quê Yên Bái xuống Hà Nội, cô đến Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm để điều trị thuốc ARV. Trong những lần tới lấy thuốc định kỳ, cô quen một người đàn ông cùng cảnh. Đồng cảm với nhau, họ nên duyên vợ chồng. Khao khát có mụn con khoẻ mạnh, nhưng hai vợ chồng không dám sinh con bởi những lo lắng bủa vây.

Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV.

Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV.

Khi đem nguyện vọng này nói với các cán bộ của Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, họ được tư vấn kỹ lưỡng về uống thuốc ARV để có thể sinh con khoẻ mạnh, cả hai vợ chồng mừng lắm. “Hy vọng loé sáng khi suốt quá trình mang thai, em được theo dõi, hỗ trợ rất nhiều, tháng nào em cũng tới lấy thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt điều trị”, T chia sẻ.

Vào ngày sinh nở, em bé chào đời được các bác sĩ cho uống thuốc dự phòng ngay. Kết quả xét nghiệm HIV lần 1 của bé âm tính. Cả hai vợ chồng đều đang chờ kết quả xét nghiệm lần 2.  N.T.T là 1 trong 12 bà mẹ sau sinh nhiễm HIV được theo dõi và nhận thuốc ARV tại Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm.

Theo BS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm: Từ năm 2018, Trung tâm triển khai hoạt động dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai mà nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng cho cả mẹ và con. Đến nay đã có rất nhiều trường hợp thành công, nhiều cặp vợ chồng đón những đứa con khoẻ mạnh chào đời, thoả niềm ước nguyện.

Theo BS Trang, gần như những năm qua không có trẻ sinh ra dương tính với HIV, tuy nhiên, năm 2022 có 1 trường hợp, nguyên nhân do người mẹ được phát hiện mình mắc HIV ở thời điểm muộn, khi đến với trung tâm thai đã ở tuần thứ 28.

Không chỉ giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm cho vợ/chồng HIV cũng giảm rất thấp. Nhiều ông chồng có HIV nhiều năm nhưng không lây cho vợ hoặc ngược lại. Kết quả là do tuân thủ uống thuốc ARV và thuốc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm PrEP.

Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con gần như về 0%

Theo chia sẻ của các cán bộ Phòng Dự phòng phòng chống lây nhiễm, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong chuyến đi thực tế tại Long An và Vũng Tàu vào tháng 8 vừa qua, tại hai địa phương này, tuy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng rất mạnh, nhưng tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm sâu. Có địa phương gần như 100% em bé sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV đều có kết quả âm tính. Hành trình săn con “sạch” của các bà mẹ có HIV ở đây thành công nhờ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát chặt chẽ của các nhân viên y tế.

Cách đây 11 năm, anh N.V.H (SN 1982) và vợ N.T.K (SN 1995), đều ở Vũng Tàu không dám sinh con vì cả hai đều nhiễm HIV. Họ đã đến Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu để bày tỏ ý định với điều dưỡng Nguyễn Thị Thêm. Được sự động viên của điều dưỡng Thêm, hai vợ chồng tiếp tục điều trị ARV đến khi các chỉ số ổn định nhất thì “thả” để có bầu.

Sau 9 tháng 10 ngày giữ thai an toàn, chị K sinh con và thật may mắn, sau 2 tháng uống thuốc dự phòng, em bé xét nghiệm âm tính. Chị K gọi điện khoe với điều dưỡng Thêm trong niềm vui khôn xiết. Bốn năm sau, vợ chồng chị K tự tin mang thai đứa con thứ 2. Cả hai bé đều “sạch”, không nhiễm HIV. Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu đã tư vấn, theo dõi cho nhiều người mẹ nhiễm HIV sinh con “sạch”.

Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng được tư vấn, theo dõi từ những ngày đầu tiên, mà có trường hợp gần ngày sinh mới tìm đến. Vì vậy, quá trình tư vấn, hỗ trợ điều trị khó khăn hơn gấp nhiều lần vì tâm lý của sản phụ luôn bất an, có người còn nghĩ tới cái chết. BS Trương Sỹ Chiến, Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS của Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu cho biết, nếu như trước đây, trong số 10 sản phụ nhiễm HIV mang thai thì sẽ sinh được 7 em bé “sạch”, còn 3 trường hợp sẽ dương tính, thì nay 100% sản phụ sinh con đều không nhiễm HIV.

Theo ThS.BS Cao Kim Thoa, Phó trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT rất cao. Vì có BHYT nên người bệnh gần như không phải chi trả tiền thuốc ARV và một số xét nghiệm, nên nhiều người yên tâm điều trị, tỷ lệ lây nhiễm giảm rất nhiều. Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang điều trị cho 1.691 người HIV bằng thuốc ARV, trong đó 99,8% có BHYT. Trong 10 tháng đầu năm 2022, trung tâm phát hiện 160 người dương tính mới và cũng được tư vấn tham gia BHYT tự nguyện.

“Nếu những năm 2011-2012, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên cả nước khoảng 2-3%, thì hiện nay tỷ lệ này gần như về 0. Đây là kết quả tuyệt vời của điều trị bao phủ ARV cao, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con tốt”, BS Thoa vui vẻ chia sẻ. Các sản phụ nhiễm HIV khi có bầu đều được sử dụng thuốc ARV dự phòng và theo dõi chặt quá trình tuân thủ điều trị đến khi sinh. Sinh con xong, trẻ sẽ được uống thuốc dự phòng trong 2 tháng, sau đó làm xét nghiệm PCR khẳng định.

Tại một số địa phương còn được dự án EPIC hỗ trợ về phác đồ điều trị, chuyên môn, trang thiết bị… nên tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con gần như bằng 0. Đây là một thành tựu rất lớn của việc triển khai dự án hỗ trợ các cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh con an toàn, giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những sản phụ có HIV muốn sinh con “sạch”, các nhân viên y tế chỉ góp sức 30%, 70% còn lại là trong quá trình điều trị, sản phụ tuân thủ nghiêm ngặt uống thuốc ARV. Quan trọng nhất là phải uống đúng giờ, trễ trước hay sau 5-10 phút đều không được. Nếu sản phụ tuân thủ tốt, trẻ được dự phòng thì nguy cơ lây nhiễm thấp, mang lại thành công lớn nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Xã từng có nhiều người nhiễm HIV nhất nước giờ ra sao?

Xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từng “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ vì là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hằng ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN