Hàng triệu trẻ em TQ có cha mẹ cũng như không

Cậu bé Liu Yiming, 6 tuổi bị mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng còn bố phải đi làm ăn xa. Cậu bé phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu cũng như sự chăm bẵm của cha mẹ. Trung Quốc có tới 61 triệu trẻ em có chung số phận như Liu khi "có cha có mẹ cũng như không".

Cậu bé Lu Yiming bị cho là một đứa trẻ nghịch ngợm và cứng đầu. Bất chấp bị ngăn cấm và đánh đòn, Lu vẫn thường trèo lên mái nhà, ngồi vắt vẻo trên thành bê tông của căn nhà 2 tầng mà hiện nay bé đang sống cùng bà ngoại. Cậu bé cũng thích nghịch pháo hoa và suốt ngày trốn đi chơi.

"Quay lại đây ngay!", bà ngoại của Lu hét to khi phát hiện cậu bé lẩn đi chơi, vào trong một con hẻm.

Hàng triệu trẻ em TQ có cha mẹ cũng như không - 1

Bà cháu cậu bé Lu Yiming (6 tuổi) bên cạnh ngôi nhà của họ.

Bà ngoại của cậu bé Lu, Tang Xinying ở làng Chao Hy, tỉnh An Huy năm nay đã 72 tuổi là người chăm sóc bé từng miếng ăn giấc ngủ kể từ khi Lu chào đời cho đến nay. Do đã cao tuổi, bà cụ phải chật vật để trông coi đứa cháu trai "nghịch như quỷ".

"Tôi thật đau đầu vì phải nuôi dạy thằng bé này. Mỗi khi cáu giận, không kìm chế được, tôi hay gắt thằng bé rằng: "Mẹ ruột mày bỏ mày, không đoái hoài đến mày, còn bố mày thì đi làm ăn xa biền biệt", bà Tang Xinying thẳng thắn chia sẻ.
 
Mẹ của Lu đã bỏ con trai nhỏ cho mẹ già chăm sóc ngay sau khi sinh con rồi bỏ đi biệt tích. Trong khi đó, bố ruột của cậu bé, làm thuê ở tận Sơn Đông, phía Bắc Trung Quốc, cách nhà hàng trăm km. Mỗi năm, bố của cậu bé chỉ tranh thủ về thăm con một lần.

Ở Trung Quốc, những đứa trẻ "có bố có mẹ mà như không", phải lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương yêu cũng như sự chăm bẵm của bố mẹ như giống cậu bé Lu bị gọi là "những đứa con bị bỏ lại".

Trung Quốc có tới 61 triệu trẻ em rơi vào hoàn cảnh như vậy. Rất nhiều trẻ trong số này gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần dẫn đến những vấn đề về lối cư xử và hành vi khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi, áp lực trong quá trình trưởng thành. 

Hàng triệu trẻ em TQ có cha mẹ cũng như không - 2

Nhiều trẻ em ở nông thôn Trung Quốc phải sống và lớn lên mà không được hưởng tình yêu thương và chăm sóc của cha mẹ.

Làng Chao Hu ở tỉnh An Huy chỉ là một trong số hàng triệu làng nghèo ở Trung Quốc chỉ còn lại toàn người già và trẻ nhỏ vì những người có sức lao động đều đã bỏ lên các thành phố lớn làm thuê để kiếm tiền nuôi cha mẹ già, con côi ở quê.

Làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ ở Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy toàn bộ thanh niên, trai tráng trong các làng nghèo không có công ăn việc làm, đổ xô tới các thành phố lớn để kiếm tiền.

"Chúng tôi không có đồng ruộng để trồng trọt, chăn nuôi. Nếu không lên thành phố tìm việc, thì biết sống thế nào. Bố mẹ của những đứa trẻ phải đi làm ăn xa, vật lộn kiếm sống, không thể mang con nhỏ theo cùng", bà Tang chia sẻ.

Giáo sư Fan Bin, thuộc Viện Công nghệ Huadong bình luận: "Những lao động làm thuê không đủ điều kiện để mang theo con cái, nuôi dạy con tại các thành phố lớn vì giá thuê nhà cửa quá cao, mức sống đắt đỏ trong khi lương của họ lại thấp".

Hàng triệu trẻ em TQ có cha mẹ cũng như không - 3

Công nhân cần mẫn làm việc trong một nhà máy may ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Bà ngoại của cậu bé Lu, đại diện cho nhiều người giám hộ cho "những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại" phàn nàn: "Tôi không thể nuôi dạy tốt cháu trai mình. Nó cần được bố mẹ yêu thương, chăm sóc. Tôi không thể trông chừng thằng bé, không thể phạt nó mỗi khi nó làm sai. Có nhiều việc, tôi cũng thể hỗ trợ, chỉ dẫn cho cháu như cha mẹ nó. Nhưng chúng tôi nào có lựa chọn nào khác. Nếu tôi không nuôi thằng bé, thì ai nuôi nó thay bố mẹ nó đây?".  

Theo quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, già đi có nghĩa là được nghỉ ngơi, sống cuộc đời thong thả với sự chăm sóc của con cháu trong phần đời còn lại. Nhưng đối với những người già như bà cụ Tang, đây dường như là giấc mơ không tưởng, ít nhất cho đến bây giờ khi vẫn phải chăm cháu giúp con.

Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ đối với hàng triệu trẻ em bị xem là "những đứa con bị bỏ lại".

"Tình trạng này đang tác động đến chính thế hệ của những đứa trẻ này. Những đứa trẻ lớn lên mà không được hưởng tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Những đứa trẻ được nuôi dạy và trưởng thành trong một môi trường không lành mạnh có thể gây ra những ảnh hưởng tai hại cho xã hội", ông Ines Kaempfer ở Trung tâm Quyền và Trách nhiệm Xá hội của trẻ em nhấn mạnh.

Nhiều người khác quan ngại, "vòng tuần hoàn" buồn sẽ lặp đi lặp lại giữa các thế hệ khi "những đứa con bị bỏ lại" sau khi trưởng thành, cũng rời bỏ nông thôn lên thành thị trong cuộc mưu sinh.

"Rất nhiều ông bố bà mẹ Trung Quốc đã công hiến cuộc đời cho ngành công nghiệp sản xuất, nhưng họ gần như chẳng nhận được gì. Rồi sau này, con cái của họ lại bắt đầu bước vào vòng tuần hoàn buồn ấy", nhiếp ảnh gia Zhan Youbing, 41 tuổi, từng là một trong 250 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc, có sở thích chụp ảnh về các lao động nhập cư nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo CNN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN