Hàng loạt phụ nữ Nghệ An mất tích bí ẩn
Những bản làng của người dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An vốn yên bình từ bao đời nay, thế nhưng, gần đây có nhiều phụ nữ, trẻ em bỗng dưng mất tích bí ẩn khiến mọi người hoang mang, lo lắng. Nhiều người còn lo sợ người thân của họ đã bị lừa bán sang Trung Quốc.
Đảo lộn
Trường hợp oái oăm nhất mà chúng tôi ghi nhận được tại bản Khe Tỳ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn là chị Xèo Thị Phời (SN 1982), người dân tộc Khơ Mú, khi mới sinh con được 12 ngày thì chị bỏ đi đâu hơn 5 tháng nay không có tin tức.
"Hắn bỏ đi khi mô cũng không ai biết. Ta cũng đã đi báo công an xã mà chưa thấy có tin tức chi cả. Không biết hắn sống hay chết nữa" - ông Xèo Văn Âu (52 tuổi), bố của chị Phời lo lắng.
Từ ngày con gái là chị Xèo Thị Phời mất tích, vợ chồng ông Xèo Văn Âu buồn phiền, lo lắng
Ngồi bên cạnh chồng, bế đứa con đầu 3 tuổi của chị Phời, bà Moong Thị Nguyên (50 tuổi), khuôn mặt rầu rĩ nói ứa nước mắt: "Từ bữa hắn mất tích đến giờ, đứa con của hắn khóc nhiều lắm. Cứ bắt đi tìm mẹ về. Đứa con nhỏ thì may người ta nhận làm con nuôi chứ không thì cũng chết mất rồi".
Cũng vào thời điểm chị Phời mất tích, chị Cút Thị Dần (27 tuổi, ở bản Khe Tỳ) cũng đi đâu đến nay không có tin tức gì.
Hai đứa nhỏ của chị, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi, hiện phải gửi về cho ông bà nội ở xã Tà Cạ nuôi. Chồng của chị cũng phải đi làm ăn xa để kiếm tiền nuôi con.
Mới đây, vào ngày 16/5, chị Vẹn Thị Uyên (28 tuổi) cũng bỏ đi đến nay chưa có tin tức gì.
Khi đứa bé này mới sinh được 12 ngày, thì chị Phời mất tích, may mắn đứa bé được một gia đình nhận làm con nuôi. Ảnh phải là anh Xèo Văn Dùng, có vợ mất tích
Ngồi buồn thơ thẩn, anh Xèo Văn Dùng (32 tuổi, chồng chị Uyên) kể, tầm giữa trưa, khi cả nhà vừa ăn cơm xong, anh nghe vợ dặn "em lên rẫy trước" nhưng khi đi lên rẫy thì anh không thấy vợ đâu. Về nhà, anh đi tìm, hỏi bà con, anh em cũng không có. Sau đó, anh đã báo cho công an xã, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì.
"Tội 2 đứa con lắm, đứa lớn đã 10 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi rồi mà cứ khóc đòi mẹ. Nghe nói nhiều người bị lừa bán sang Trung Quốc, ép lấy chồng bên đó luôn không về được nữa, em buồn lắm" - anh Dùng lo lắng.
Cũng theo một số người dân là hàng xóm với anh Dùng, từ ngày vợ mất tích, Dùng buồn phiền, bỏ nương rẫy, chìm trong rượu chè, say khướt.
Một trường hợp khác, vào cuối tháng 3/2012, em Lương Thị Là (12 tuổi), con nuôi của ông Cút Bún Hương cũng ở bản Khe Tỳ mất tích đến nay không liên lạc được.
Chị Cút Thị Lương, con gái của ông Hương cho biết: "Từ khi em Là mất tích, bố mẹ bỏ nương rẫy, đi tìm khắp nơi cũng không được. Cả nhà ai cũng buồn lắm. Không biết em nó có phải bị lừa bán sang Trung Quốc rồi không, chứ nghe nói sang đó họ sẽ cắt thận bán, còn ép lấy chồng ở đó không cho về nữa".
Chính quyền khó kiểm soát
Anh Xèo Văn Tình, Công an bản Khe Tỳ cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, tại bản Khe Tỳ đã có 5 trường hợp mất tích. Cứ sau mỗi trường hợp, nghe người thân than phiền, nắm thông tin là anh đều báo cáo lên công an xã.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả những trường hợp mất tích của bản vẫn chưa có thông tin gì. Người thân của họ đang rất hoang mang, lo lắng.
Bản khe Tỳ, nơi nhiều người đang hoang mang, lo lắng khi người thân của họ mất tích
Phó công an xã Hữu Kiệm Trần Quang Trung cho biết, đúng là hiện nay, tại địa phương, việc người dân mất tích, nghi vấn bị lừa sang Trung Quốc đang là vấn đề nổi cộm, đáng quan tâm nhất.
Tại xã Hữu Kiệm, từ cuối năm 2011 đến nay, có gần 40 trường hợp đi đâu không liên lạc về nhà. Người thân báo lên công an xã, bày tỏ sự lo lắng. Công an xã cũng đã báo cáo lên cho công an huyện, nhờ họ can thiệp. Nhưng xem ra vẫn rất khó khăn để nắm được thông tin số trường hợp đó đang làm gì, ở đâu.
Chủ tịch xã Chiêu Lưu, ông Lương Thịnh Vượng cho biết, toàn xã hiện có khoảng 30 trường hợp bỏ nhà đi đâu không rõ lý do, mà bản Lưu Thắng là nhiều nhất.
Tất cả những trường hợp đó đã được ông báo lên công an huyện, lên UBND huyện Kỳ Sơn nhờ can thiệp.
Cũng theo ông Vượng, do là người dân tộc thiểu số, đói khổ, không biết chữ, dễ tin người nên khi nghe dụ dỗ đưa đi làm ăn xa tiền nhiều là họ bỏ trốn đi ngay nên rất khó kiểm soát. Không loại trừ một số trường hợp đã bị lừa sang Trung Quốc.
Thông tin từ cơ sở là vậy, thế nhưng khi làm việc với Phó Trường Công an huyện Kỳ Sơn, ông Hờ Bá Khư cho biết, đến thời điểm này, huyện Kỳ Sơn chỉ có một trường hợp mất tích mà người nhà báo lên sau đó đã tìm được.
Đó là ngày 10/4/2012, ông Moong Phò Khánh (SN 1973, trú tại xã Bảo Nam) báo con gái là Moong Thị Khăm (SN 1996) bị mất tích nhưng đến ngày 18/6 thì Khăm đã về nhà.
Cũng theo ông Khư, hiện tại, chưa có xã nào báo cáo các trường hợp mất tích lên cho công an huyện. Công an huyện nắm thông tin thì xã Hữu Kiệm cũng chỉ có vài trường hợp bỏ nhà đi, không liên lạc được (?!.)