Hàng không Việt Nam thuộc hàng an toàn nhất TG

Mặc dù có một số sự cố uy hiếp an toàn, nhưng trong 17 năm qua, Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn hàng không ở khu vực và trên thế giới.

Tại hội thảo “Văn hóa An toàn bay”, Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Cục Hàng không Việt Nam cùng các cơ quan có liên quan đã tổng kết lại tình hình an toàn giao thông nói chung và ngành hàng không nói riêng trong năm 2014. Đồng thời đưa ra những đánh giá, giải pháp giúp ngành hàng không dân dụng quốc gia ngày càng an toàn hơn.

Hàng không Việt Nam thuộc hàng an toàn nhất TG - 1

TS.Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGTQG đang phát biểu, chủ trì buổi tọa đàm. 

Theo báo cáo từ UBATGTQG, mặc dù năm 2014, trên thế giới đã xảy ra 8 vụ tai nạn máy bay thương mại làm 878 người thiệt mạng, nhưng hàng không vẫn là phương thức di chuyển an toàn nhất. Cụ thể, xét trên 3,3 tỷ lượt hành khách đi máy bay trong năm 2014 (tăng 11,9% so với năm 2013) thì mỗi 3,76 triệu lượt khách có 01 người chết do tai nạn máy bay, thấp hơn bất kỳ loại hình giao thông nào khác.

Năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không là năm 1972 với 2.429 người chết, và năm an toàn nhất trong lịch sử hàng không là năm 2013 với 235 người chết.

Riêng tại Việt Nam, năm 2014 có 8.996 người chết do tai nạn giao thông, song không có trường hợp nào liên quan tai nạn máy bay. Mặc dù có một số sự cố uy hiếp an toàn, nhưng trong 17 năm qua, Việt Nam vẫn là điểm sáng về an toàn hàng không ở khu vực và trên thế giới.

Tai nạn hàng không thương mại gây chết người lần cuối ở Việt Nam xảy ra hơn 17 năm trước, vào ngày 3/9/1997 trên chuyến bay từ TP.HCM tới Phnom Penh (Campuchia) bởi máy bay TU-134. Tất cả các vụ tai nạn hàng không thương mại gây chết người ở Việt Nam trước đây đều là máy bay do Liên Xô (cũ) sản xuất.

Còn theo thống kê từ Cảng Hàng không Việt Nam, năm 2014 ghi nhận 28 trường hợp hút thuốc lá trên máy bay, 5 trường hợp lấy áo phao, 8 trường hợp tung tin có bom (năm 2013 chỉ có 1 trường hợp), 2 trường hợp mở cửa thoát hiểm, 131 trường hợp mang vũ khí, vật nguy hiểm lên máy bay và 47 trường hợp sử dụng giấy tờ giả.

Ngoài ra, cơ quan này cũng nêu ra những vướng mắc còn tồn đọng, gây nguy hiểm cho an toàn hàng không, như: Người dân trồng cây trái phép ở quanh khu vực bay; Nuôi chim,vật nuôi xung quan cảng hàng không; Lấy trộm, phá hoại trang thiết bị của cảng hàng không; Thả diều quanh sân bay; Đốt rơm rạ, rác hoặc vật tạo ra khói ở quanh càng hàng không; Chăn thả gia súc trong khu vực bay; Đi tắt, đi ngang trái phép qua khu vực đường băng hoặc vui chơi trong khu vực bay; Xả rác vào khu bay.

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chia sẻ: “Trong thành tích chung đạt được của ngành giao thông vận tải về công tác bảo đảm an toàn giao thông, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã 17 năm liên tục không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về con người. Đây là một trong những thành tựu hết sức quan trọng”.

“Trong những năm vừa qua, toàn ngành giao thông vận tải đã nỗ lực tối đa, với tinh thần trách nhiệm cao nhất để giảm thiểu tai nạn giao thông. Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp tai nạn giao thông giảm ở cả ba tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Đây cũng tiếp tục là một nhiệm vụ đầy khó khăn, gian khổ, là nghĩa vụ, lương tâm của mỗi cán bộ, công nhân viên trong ngành. Cho dù chưa thể thỏa mãn, nhưng nhờ vào việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng ta có thể khẳng định mọi thứ đang tốt lên”, ông Cường nói thêm.

Hàng không Việt Nam thuộc hàng an toàn nhất TG - 2

MH370 và MH17 là 2 chuyến bay đã gặp tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Maylaysia Airlines trong năm 2014 

Cũng theo UBATGTQG, các tai nạn hàng không trong năm qua đều rất thảm khốc. Thậm chí một số vụ tai nạn còn mang tính bí hiểm, làm phát sinh một số vấn đề kỹ thuật hóc búa mà tới nay vẫn chưa có câu trả lời, cũng vì thế xuất hiện nhiều tin đồn mê tín. Minh chứng rõ ràng nhất là vụ mất tích bí hiểm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Nguyên nhân gây ra tai nạn, bao gồm cả yếu tố con người, kỹ thuật và thời tiết… nhưng hầu hết các vụ tai nạn máy bay có nguyên nhân cuối cùng là sai sót của con người trong xử lý. Theo đánh giá của UBATGTQG, giai đoạn nguy hiểm nhất khi đi máy bay là quãng đường từ nhà đến sân bay và từ sân bay về nhà.

Từ đó, UBATGTQG đưa ra một số đề xuất trước mắt nhằm tăng tính an toàn trong ngành hàng không: Nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân viên, tăng cường chất lượng đào tạo chuyên môn, hoàn thiện hệ thống kiểm cấp chứng chỉ VAR, hiện đại hóa các hệ thống kiểm soát nhân viên hàng không và hành khách, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, các biển cảnh báo “Cấm” trên máy bay và tại sân bay cần ghi kèm mức xử phạt tiền.

Hội thảo “Văn hóa An toàn bay” là buổi tọa đàm nhiều bên do Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG), Cục Hàng không Việt Nam và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN