Hạn mặn, dân cắt lúa cho bò ăn

Một khối nước từ lúc hút dưới sông khi đến tay người dân sẽ có giá 200.000 đồng. Với người dân TP Bến Tre, chưa bao giờ nước ngọt ở xứ này lại có giá cao kỷ lục đến thế.

Hạn mặn, dân cắt lúa cho bò ăn - 1

Người dân TP Bến Tre đang phải mua nước ngọt với giá cao. Ảnh: H.NAM

Lúa chết khô phải cắt cho bò ăn, cây ăn trái chết héo tại vườn, gia súc thiếu nước uống, hàng trăm ngàn hộ dân phải mua nước ngọt với giá cao… là những hậu quả nặng nề của đợt hạn mặn lịch sử tại các tỉnh miền Tây năm nay.

Bất lực nhìn lúa chết

Ngày 17-3, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Phe, nông dân ở ấp Phú Thạnh, xã Long Phụng, Cần Giuộc. Đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng từ đợt hạn mặn năm nay.

Dẫn chúng tôi ra thăm thửa ruộng khô nứt nẻ nằm phơi mình giữa nắng trưa gay gắt, ông Phe bùi ngùi: “Gia đình tôi chỉ có tròm trèm một công đất lúa. Để đủ sống, năm nào tôi cũng phải mướn thêm ruộng để sản xuất. Vụ lúa đông xuân vừa qua, tôi mướn thêm chín công đất. Ai dè hạn mặn dữ quá, toàn bộ diện tích lúa này hư hại hết, không thu hoạch được gì. Vụ này gia đình tôi coi như cầm chắc thua lỗ gần 30 triệu đồng”.

Cũng như ông Phe, mấy ngày nay bà Trần Thị Mơ đang rầu đứt ruột vì hơn ba công lúa của gia đình đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, vì hạn mặn nên khô héo hết. Tiếc của, bà Mơ đành cắt số lúa này cho bò ăn.

“Ở đây từ trước giờ đất đai chỉ có thể trồng lúa. Giờ hạn mặn liên tục, sắp tới nông dân như chúng tôi không biết phải sống ra sao. Ông nhà tui buồn chuyện mùa màng thất bát nên mấy ngày nay không dám ra ruộng, vì mỗi lần thấy lúa chết ổng lại xót của ngủ không được” - bà Mơ buồn hiu nói.

Ông Huỳnh Trung Hậu, Chủ tịch xã Long Phụng, thông tin vụ này xã có gần 500 ha lúa thì có đến 330 ha bị thiệt hại trên 70%. Chắc chắn vụ hè thu tới, nông dân sẽ tiếp tục gặp khó. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng thiệt hại lúa và hoa màu của huyện Cần Giuộc vụ này khoảng 30 tỉ đồng.

Tại xã Nhị Thành (Thủ Thừa, Long An), từ sáng sớm ông Trần Văn Liêm đã ra chợ mua dầu về chạy máy bơm nước vào ruộng. “Tôi có gần 2,5 ha lúa, mấy ngày qua do mặn xâm nhập nên ruộng khô nứt nẻ, lúa đang độ trổ đòng đòng nên thiệt hại hơn phân nửa. Bỏ luôn thì tiếc, gần một tuần nay tôi cố gắng bơm nước ngọt vào ruộng. Mỗi ngày tốn mấy chục lít dầu, biết lỗ chắc nhưng vét được hột nào hay hột đó”.

Ở xã Tân Xuân (Ba Tri, Bến Tre), mấy ngày qua ông Trần Văn Đỗ cũng đành bất lực nhìn 1,2 ha lúa của gia đình chết héo. Trong 20.000 ha lúa của Bến Tre bị mất trắng, có đến phân nửa diện tích thuộc huyện Ba Tri.

Hạn mặn, dân cắt lúa cho bò ăn - 2

Bơm nước cứu lúa tại Thủ Thừa, Long An. Ảnh: H.NAM

Chỉ ước được tắm một lần cho đã!

Nỗi lo thiếu nước sạch ám ảnh người dân tại các xã vùng hạ ở Long An đã kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, chưa bao giờ tình trạng này lại ở mức báo động như hiện nay.

Mấy ngày qua, phần lớn các giếng khoan tại xã Long Hựu Tây (Cần Đước, Long An) đều cạn kiệt. Để có nước ngọt, chị Trần Thị Phi đã nghĩ ra “sáng kiến” đào hố, âm lu chứa nước xuống đất mong là càng thấp thì nước càng dễ chảy nhưng vẫn không ăn thua. Xoay xở hết cách vẫn không ăn thua, chị đành phải bấm bụng mua nước ngọt từ các ghe, xe trên địa bàn với giá 100.000-150.000 đồng.

“Do nhà tôi buôn bán nhiều nên mỗi tháng xài tiết kiệm lắm cũng phải tốn hơn 2 triệu đồng tiền đổi nước. Tiền lương con gái tôi mới ra trường mỗi tháng chỉ vừa đủ trả tiền nước” - chị Phi nói.

Ghé xã Phước Vĩnh Tây, Cần Giuộc, chúng tôi thấy một số hộ có điều kiện trước đó đã chủ động đối phó với hạn mặn bằng cách xây hồ lớn dự trữ nước. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn phải chắt chiu từng giọt nước, sử dụng tiết kiệm đến hết mức có thể. Nước sau khi tắm được dùng để tưới cây, cho gia súc, gia cầm uống; nước vo gạo được tận dụng để rửa chén, sau đó cũng đem đi tưới cây.

“Giờ nếu có được một điều ước, tụi tui chỉ ước được tắm một lần cho đã mà không sợ thiếu nước” - chị Vân Linh nói.

Mua nước sông giá 200.000 đồng/m3

Ngay tại trung tâm TP Bến Tre, tình trạng thiếu nước ngọt cũng trở nên trầm trọng. Ông Phạm Chí Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre, cho biết công ty cấp khoảng 35.000 m3 nước sạch/ngày đêm. Tuy nhiên, mấy ngày qua các kênh rạch dẫn nước chính vào trạm có độ mặn cao khiến nguồn nước từ công ty có độ mặn khá cao, trên 1‰.

“Đa số người kinh doanh thực phẩm, bún, tàu hũ… kêu trời vì xài nước hơi mặn một chút là thực phẩm bị hư ngay. Mấy ngày qua, dù có nước máy nhưng tụi tui phải tốn thêm tiền mua nước ngọt về sản xuất” - một người dân tại phường 1, TP Bến Tre nói.

Tại phường 2, ông Ngô Văn Phong, một người trồng hoa kiểng, cho biết thêm: Từ khi nước bị nhiễm mặn, ông bớt tưới kiểng để tiết kiệm nước. Dù hai ngày tưới một lần nhưng vẫn phải tốn mỗi lần cả trăm ngàn đồng tiền nước.

Nắm bắt nhu cầu nước ngọt của dân, nhiều chủ phương tiện chở cát, đá, vật liệu xây dựng nhanh chóng thức thời, chuyển qua chở nước ngọt từ sông về bán cho dân. “Các sông rạch ở gần đều bị nhiễm mặn nên tụi tui phải đưa sà lan sang huyện Cái Bè, Tiền Giang hoặc Vĩnh Long lấy nước. Mỗi chuyến đi về mất khoảng một ngày rưỡi, trừ chi phí thì khi về bến tại TP Bến Tre tôi bán lại với giá 100.000 đồng/m3” - ông Lương Văn Trung, một chủ ghe chở nước, nói.

Tuy nhiên, chặng đường nước ngọt đến tay người dân chỉ mới có một nửa. Từ khu vực bến sông chợ Bến Tre, nước ngọt tiếp tục được các phương tiện trung chuyển đến nhà người dân với giá vận chuyển bình quân 100.000 đồng/m3. Nghĩa là 1 m3 nước từ lúc hút dưới sông/kênh khi đến tay người dân sẽ có giá 200.000 đồng. Với người dân TP Bến Tre, chưa bao giờ nước ngọt ở xứ này lại có giá cao kỷ lục đến thế.

“Đang giữa mùa khô hạn nên đành ép bụng xài thôi, chứ thật sự người dân ở đây cũng không biết nước đó lấy ở đâu, có hợp vệ sinh hay chứa mầm bệnh gì không” - bà Nguyễn Thị Cẩm, tiểu thương tại chợ Bến Tre, nói.

Song song với dịch vụ này, nhiều người chạy xe ôm, bốc vác, bán vé số đã chuyển qua chở nước thuê. “Chi phí đầu tư để chở nước thuê không cao, tiền thuê xe ba gác mỗi ngày 300.000 đồng, cộng với một phuy chứa nước thể tích 1 m3 giá khoảng 2 triệu đồng. Nếu tính sơ sơ mỗi ngày chở khoảng chục chuyến cũng lời khoảng 400-500.000 đồng” - ông Lê Hoa Lâm, một người chạy xe ôm, mới chuyển qua chở nước mấy ngày gần đây, cho biết.

Ông Lâm ước tính nếu ngày nào cũng chở nước và với mức lãi như trên thì thu nhập mỗi tháng của một người chở nước cũng tương đương… cả chục triệu đồng trở lên.

Bớt hội họp để tập trung chống hạn mặn

Tại Long An, tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại do hạn mặn khoảng 24.000 ha, thiệt hại ước tính khoảng 252 tỉ đồng. Theo dự báo, nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu theo sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông. Từ nay đến tháng 4-2016, có gần 50.000 ha lúa tiếp tục phải thu hoạch sớm do thiếu nước, thiệt hại trên 150 tỉ đồng.

Tại Bến Tre, có gần 20.000 ha lúa bị mất trắng cùng hàng ngàn hecta cây ăn quả, hoa màu và diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại do hạn mặn. Đàn bò trên toàn tỉnh 150.000 con cũng thiếu nước uống. Ngoài ra, hơn 350.000 người dân đang lâm vào cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt, chủ yếu là các hộ nghèo.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương giảm bớt các cuộc hội họp, tập trung chống hạn mặn.

Hạn hán sẽ còn gay gắt và kéo dài ra phía Bắc

Chiều 17-3, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng đợt hạn hán hiện nay là kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Hiện tượng El nino sẽ tiếp tục gây ra hậu quả đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và có khả năng lan rộng ra Bắc Trung Bộ trong các tháng tiếp theo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN