Hà Nội yêu cầu thống kê địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng sai mục đích, nợ đọng nghĩa vụ tài chính
Đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn vừa làm việc với Sở Tài chính về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố.
Sắp xếp, xử lý đối với gần 11.000 cơ sở nhà, đất
Theo báo cáo của Sở Tài chính, thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện các quy định của Trung ương trong công tác quản lý tài sản công qua nhiều giai đoạn, có những nội dung sửa đổi, bổ sung đã được Sở tham mưu điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, Sở Tài chính đã tham mưu, ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công là nhà thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định.
Nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư còn để trống hoặc bị chiếm dụng trái phép gây lãng phí
Cụ thể, Sở đã tham mưu UBND TP phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất lên đến trên 43 triệu m2, diện tích nhà hơn 9,9 triệu m2; báo cáo UBND TP xử lý đối với cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng mục đích kể từ thời điểm Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực là 653 cơ sở với 5,8 triệu m2 đất và trên 359 nghìn m2 nhà. Trong đó, giai đoạn từ đầu năm 2018 đến nay, đã tham mưu thành phố phê duyệt 427 cơ sở nhà đất (diện tích trên 1,2 triệu m2 đất và trên 225 nghìn m2 nhà).
Ngoài ra, Sở cũng tham mưu UBND TP các phương án tổng thể bố trí, sắp xếp lại các khu liên cơ, trụ sở các sở, ban, ngành thành phố; ban hành quyết định thanh lý theo thẩm quyền đối với trên 155 nghìn m2 nhà của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc khối sở, ban, ngành thuộc thành phố với tổng nguyên giá là trên 202 tỷ đồng. Đã rà soát 40 đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất để liên doanh liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Bước đầu đạt hiệu quả tích cực với 4/40 đề án đã được UBND TP phê duyệt.
Nhiều địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng sai mục đích, lãng phí
Bên cạnh ghi nhận những kết quả trên, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho rằng, công tác thống kê, theo dõi, tổng hợp báo cáo số liệu các quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của Sở Tài chính chưa kịp thời. Việc hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh việc kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cổ phần hóa còn chậm; chưa kiên quyết trong việc đôn đốc các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công… Đoàn giám sát cho rằng, nhiều địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng sai mục đích, còn để trống rất lãng phí, nợ đọng nghĩa vụ tài chính tăng nhanh; việc thẩm định, phê duyệt xác định giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các tòa chung cư tái định cư còn chậm, dẫn đến nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ còn để trống, bị chiếm dụng trái phép gây lãng phí.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Tài chính thống kê tổng số cơ sở nhà, đất là tài sản công cần được sắp xếp lại, xử lý trong thời kỳ giám sát; nêu rõ số cơ sở đã hoàn thành theo quy định, số cơ sở chưa hoàn thành, nguyên nhân và tiến độ thực hiện. Đồng chí Phạm Quí Tiên cũng đề nghị Sở Tài chính đôn đốc các đơn vị rà soát, hoàn thiện đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; có biện pháp, lộ trình giải quyết, thẩm định các hồ sơ trình UBND TP phê duyệt.
Đối với quỹ nhà chuyên dùng, nhà tái định cư, Phó Chủ tịch HĐND TP yêu cầu cần khẩn trương có biện pháp tăng cường thực hiện việc rà soát, thẩm định giá thuê nhà chuyên dùng và định mức chi phí công tác quản lý nhà theo cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ; tham mưu giá khởi điểm đấu giá các diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư và các nội dung liên quan, trình UBND TP theo quy định. Sở Tài chính cũng cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi mô hình hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội để thực hiện quản lý, khai thác, vận hành quỹ nhà được giao hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đánh giá dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 8 tỉnh, TP có vốn đầu tư ước khoảng 100.000 tỉ đồng...
Nguồn: [Link nguồn]