Hà Nội xoá sổ bến xe Lương Yên từ 1/7

Bến tạm Lương Yên được xây dựng trên một phần nền đất cũ đã chính thức được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, với quyết định mới của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, thì ngay cả bến tạm Lương Yên cũng phải di dời.

Theo thông báo mới nhất của Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, chi nhánh của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, từ 01/07 khu đất tại số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội (bến xe Lương Yên) sẽ chính thức được bàn giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam để thực hiện dự án Xây dựng công trình hỗn hợp nhà cao tầng.

Theo đó, bến xe Lương Yên sẽ buộc phải hoàn thành việc di dời khỏi địa điểm này trong tháng 6. Trước thời điểm hết hạn thời gian khai thác 30/6, các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe Lương Yên phải tự đăng ký lại lộ trình, di chuyển sang các bến xe khác.

Hà Nội xoá sổ bến xe Lương Yên từ 1/7 - 1

Bến xe Lương Yên trước thời điểm phải di dời

Về vị trí, bến xe Lương Yên được coi là đắc địa cho các lộ trình Hà Nội đi các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh... Thị phần này, nếu phải sang bến Gia Lâm, xuống Giáp Bát hay lên Mỹ Đình, sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó, việc phân bổ lại các doanh nghiệp vận tải lại phụ thuộc hoàn toàn vào phương án của Sở GTVT. Tuy nhiên đến thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải vẫn đang hoang mang vì Sở GTVT vẫn chưa đưa ra được phương án chính thức.

Bến xe Lương Yên thuộc Công ty Lương thực Cấp I Lương Yên là mô hình bến xe xã hội hoá được xây dựng từ năm 2004 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực nội thành Hà Nội. Trong suốt thời gian hoạt động, Bến xe Lương Yên đã có tới 320 đầu xe tham gia vận chuyển khách/ ngày, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của tuyến phía Đông và một phần tuyến phía Bắc Hà Nội.

Ông Trần Ngọc Thiều - Giám đốc Công ty Lương thực cấp I Lương Yên, đơn vị chủ quản bến xe Lương Yên cho biết, từ tháng 9/2011, bến tạm Lương Yên được xây dựng trên một phần nền đất cũ đã chính thức được đưa vào sử dụng. Diện tích bến tạm bị thu hẹp còn khoảng 5.000m2/12.000m2, phần diện tích còn lại để phục vụ cho dự án nhà cao tầng trên nền đất cũ.

Khoảng 10 tỷ đồng đã được đơn vị quản lý bến xe đầu tư cho bến tạm mới. Bến tạm vẫn gồm hai lối ra - vào; đầu vào và nơi trả khách được mở ở khu vực trước cổng cây xăng; khu quảng trường để nhà xe đón khách, xếp lượt.

Với quyết định mới của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, thì ngay cả bến tạm Lương Yên cũng phải di dời. Khoản tiền đầu tư trên chưa kịp phát huy hiệu quả đã bị gạch bỏ.

Trước đó, Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, Công ty Lương thực cấp I Lương Yên đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc kéo dài hoạt động của Bến xe Lương Yên đến hết năm 2012, để Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất khi phải di dời. Nhưng đề nghị này đã không được chấp thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Thanh (báo Giao thông Vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN