Hà Nội truy đến cùng “phạt nguội” xe không chính chủ

Do đã lường trước khó khăn trong việc phạt nguội đối với phương tiện mua bán qua nhiều chủ, lực lượng CSGT Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp truy đến cùng những xe vi phạm.

Hà Nội truy đến cùng “phạt nguội” xe không chính chủ - 1

Bên trong Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội

Thực hiện kế hoạch xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera, Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1/12 đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã kiểm tra 558 trường hợp, trong đó xử lý trực tiếp 180 trường hợp, gửi thông báo vi phạm 350 trường hợp (trong đó 11 xe máy, 11 xe buýt, còn lại các phương tiện khác gồm cả xe con, xe tải, taxi, xe biển xanh, biển đỏ). Tính đến ngày 30/12, đã có 195 trường hợp nhận được thông báo vi phạm đến giải quyết. Tuy nhiên, trong số này chưa có trường hợp nào là xe máy.

Xe máy vi phạm nhiều, phạt ít

Theo quy trình xử lý, khi hệ thống camera ghi lại hình ảnh các phương tiện vi phạm, cán bộ CSGT của Trung tâm đèn chỉ huy giao thông sẽ thông báo qua bộ đàm đến các tổ CSGT làm nhiệm vụ tại nơi gần nhất về biển số xe, lỗi vi phạm để lực lượng này dừng xe kiểm tra.

Trường hợp không xử lý được trực tiếp, CSGT sẽ gửi thông báo vi phạm về nơi ở hoặc nơi công tác của chủ phương tiện vi phạm. Khi nhận được thông báo, nếu chủ phương tiện không đến giải quyết theo thời hạn, chiếc xe vi phạm có thể bị bắt giữ bất cứ khi nào lưu thông ra đường.

Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội Chỉ huy và điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết, sau khi CSGT gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện vi phạm đến cơ quan công an giải quyết sẽ được xem lại video quá trình diễn biến vi phạm của phương tiện do mình điều khiển. “Hầu như 100% người vi phạm sau khi đã xem lại hình ảnh vi phạm của mình đã “tâm phục, khẩu phục” ký vào biên bản. Khi chưa xem hình ảnh vi phạm, một số chủ phương tiện tỏ ra bất ngờ không biết mình vi phạm lúc nào”, Thiếu tá Minh cho biết.

Trước việc số liệu thống kế cho thấy, việc xử lý ô tô nhiều hơn xe máy, trong khi trên thực tế thì xe máy vi phạm giao thông rất nhiều, Thiếu tá Minh cho biết: “Qua kiểm tra xử lý bằng hệ thống camera thì không phân biệt xử lý riêng một trường hợp ô tô hay xe máy, mà cứ vi phạm là chúng tôi xử lý. Quá trình xử lý kể cả xe biển xanh, biển đỏ đều bị xử lý mà không phân biệt đối tượng”.

Truy đến cùng phạt xe qua nhiều chủ

Trước những ý kiến cho rằng, CSGT đang “bó tay” trong việc xử phạt các phương tiện đã sang tên đổi chủ nhiều lần, đặc biệt là xe máy, Thiếu tá Minh cho biết, trước khi thực hiện kế hoạch, CSGT cũng đã lường trước được việc này. Trước mắt, CSGT vẫn đang tăng cường xử lý trực tiếp để hạn chế việc gửi thông báo vi phạm về nhà hoặc nơi công tác bởi dù sao hình thức này cũng mất nhiều thời gian hơn.

Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện Hà Nội quản lý trên 5 triệu mô tô và trên 500 nghìn ô tô các loại.

Tính đến ngày 30/12, các chủ phương tiện đã đến làm thủ tục sang tên chuyển chủ gần 25 nghìn mô tô, gần 30 nghìn ô tô.

Trong quá trình CSGT gửi thông báo vi phạm về nhà hoặc cơ quan mà chủ phương tiện không đến giải quyết hoặc đã thay đổi địa chỉ nơi ở, đi nơi khác thì toàn bộ dữ liệu vi phạm sẽ được CSGT tiến hành phần loại, chuyển tải sang kho dữ liệu các xe vi phạm chưa xử lý. Theo đó, các phương tiện này cứ lưu thông ra đường là sẽ bị lực lượng CSGT tuần tra trên đường bắt giữ, lập biên bản.

Theo Thiếu tá Minh, đối với trường hợp vi phạm giao thông khi CSGT gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện, mà chủ phương tiện đã bán xe thì cần thông tin cho CSGT biết là đã sang tên chuyển chủ. Theo đó, CSGT sẽ cập nhật địa chỉ mới của chủ phương tiện sẽ tiến hành gửi thông báo vi phạm lần hai đối với chủ mới để tiến hành giải quyết vi phạm.

Đối với những trường hợp cố tình không lên giải quyết, CSGT sẽ tiến hành các biện pháp như chuyển các phương tiện vi phạm chưa xử lý đến kho giữ liệu theo dõi đặc biệt, đồng thời văn bản thông báo biển số xe vi phạm cho các Đội, Trạm CSGT, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện kiểm tra bắt giữ xử lý theo quy định.

Đặc biệt, khi những trường hợp phương tiện không sang tên chuyển chủ lưu thông trên đường vi phạm giao thông, CSGT có thể không xử phạt người điều khiển mà phạt chủ phương tiện để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Huế ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN