Hà Nội: Cha chết, con mang họ mẹ

Sau hơn mười năm về làm dâu, người đàn bà góa đành mang con cuốn gói phiêu dạt bởi gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà.

Tại quán trà đá trong con ngõ nhỏ thuộc khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng - Hà Nội), chúng tôi gặp người phụ nữ ngồi rầu rĩ với đứa con gái 8 tuổi đang tất bật rót nước mời khách. Chồng chị không may qua đời cách đây mấy năm. Sau mười mấy năm về làm dâu ở phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), nay chị đành ôm con, khăn gói ra đi khỏi nhà chồng, sống cuộc đời phiêu dạt.

Người góa phụ bất hạnh kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời gian truân của chị.

Định mệnh buồn

Chị là Nguyễn Thị Hùng, thường được gọi là Hồng, vốn nhà ở bên Gia Lâm, Hà Nội. Hồi đó, chị Hồng mưu sinh bằng nghề may vá. Qua bạn bè mai mối, chị Hồng gặp anh Nguyễn Ngọc Bảo. Anh Bảo lúc đó là công nhân ở một công ty xe đạp. Năm 2001, họ kết hôn và chuyển về ở cùng gia đình cha mẹ anh Bảo ở phường Vĩnh Tuy.

Oái oăm thay, đôi vợ chồng cưới nhau đã lâu mà không tài nào đăng ký kết hôn được. Bởi một lý do rất đơn giản. Hồi năm 1986, anh Bảo đi lao động ở Nga (Liên Xô cũ), khi về nước đã mất hết giấy tờ không nhập hộ tịch được. Cho nên, hai vợ chồng dắt díu nhau ra chính quyền, người ta bảo thiếu giấy tờ, không giải quyết thủ tục.

Hà Nội: Cha chết, con mang họ mẹ - 1

Chị Hùng ngồi bán nước cùng con gái

Bẵng đi mấy năm trời, chị Hồng và anh Bảo vẫn sống với nhau không có hôn thú cùng gia đình chồng. Rồi họ sinh hạ được một bé gái, anh Bảo lúc này đã ốm yếu, nghỉ việc công ty. Hai vợ chồng vất vả làm thuê làm mướn mưu sinh.

Sau nhiều lần chạy vạy thủ tục giấy tờ, mấy năm sau anh Bảo nhập được hộ khẩu về nhà bố mẹ đẻ. Lúc này anh mắc bệnh ung thư thực quản, đau yếu quặt quẹo.

Trong thời gian anh Bảo nằm giường bệnh, chị Hồng bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình. Hằng ngày chị mang chiếc xe máy cà tàng ra đường lái xe ôm nuôi con cùng người chồng đang nằm viện.

Năm 2009, không tránh khỏi số mệnh hẩm hiu, anh Bảo trút hơi thở cuối cùng khi con gái chưa được đặt tên. Chị Hồng trở thành góa phụ dù chưa đăng ký kết hôn.

Gạt nước mắt, chị Hồng tiếp tục một mình bươn chải kiếm tiền nuôi con.

Nhà chồng đuổi ra khỏi nhà

Chị vẫn biết, từ hồi chị về làm dâu, gia đình nhà chồng vốn không thích chị. Mặc dù trước hay sau khi chồng mất, chị vẫn luôn cố gắng làm tròn bổn phận dâu con trong nhà.

Lúc này, con gái đã gần 6 tuổi. Chị Hồng cần phải khai sinh cho con gái để cháu đi học. Muốn đăng ký khai sinh theo bố thì phải có sổ hộ khẩu. Vậy nhưng đã nhiều lần chị Hồng xin gia đình chồng cho mượn sổ hộ khẩu đều bị từ chối. Gia đình nhà chồng nhất quyết không cho con chị khai sinh theo họ cha. Chị Hồng đành mang con về quê đăng ký khai sinh theo họ mẹ. Bé gái chính thức có tên Nguyễn Ngọc Huyền.

Từ sau khi chồng mất, chị Hồng không chạy xe ôm nữa mà mở quán nước chè. Cuộc sống cơ cực tưởng thôi thế cũng tạm xong, miễn sao lo đươc cho con gái nhỏ. Ngờ đâu cách đây hơn một tháng, lúc này mẹ chồng đã mất, bố chồng và anh em nhà chồng tuyên bố mẹ con chị Hồng phải ra khỏi nhà, không nhận là con dâu nữa.

Chị Hồng nghẹn ngào nhớ lại câu chuyện cách đây một tuần, hôm đó chị đã phải dọn đồ ra khỏi nhà, cháu Huyền đang đi học. Chiều chị quay về để đón con thì gặp mấy người hàng xóm. Họ bảo rằng, cháu Huyền đi học về đến nơi thì cổng đã khóa.

Cháu đứng gọi mẹ mãi thì có người trong nhà bảo: "Mẹ mày đi rồi, nhà của mày không phải ở đây. Đi về nhà mẹ mày đi." Chị Hồng quay ra thì gặp con gái mình đang đứng lủi thủi bên đường chờ mẹ.

Mấy hôm nay, mẹ con chị Hồng đành đến ở nhờ nhà của mấy người công nhân ở khu tập thể Quỳnh Mai. Họ cũng thuê nhà ở đây, thấy hoàn cảnh mẹ con chị Hồng tội nghiệp nên cho ở nhờ một ngăn nhỏ.

Chị Hồng đang sống tạm ở đây. Sáng ra chị lại dọn hàng nước ngồi bán. Những người dân sống ở khu tập thể này biết chuyện đi qua hàng nước mẹ con người góa phụ mà không khỏi xót xa chạnh lòng.

Có người hỏi: “Gia đình người ta đã vậy thì thôi. Sao chị không đưa con về quê cha mẹ đẻ mà sống?”

Chị Hồng cúi mặt: “Mẹ tôi mất rồi, còn mỗi bố đang sống chung ở nhà vợ chồng chị gái. Về quê làm gì có nhà. Nếu cùng lắm chắc cũng phải về quê ở nhờ nhà anh chị. Có điều cháu nó đang đi học ở trên này. Với lại ở đây bán quán nước còn kiếm được đồng ra đồng vào nuôi con. Mình quen sống ở đây. Giờ về quê biết làm gì? Mà nghĩ đến quãng đời cơ cực vừa qua, thấy không đành!”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 103 - cụm dân cư 18 - phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết. Câu chuyện về hoàn cảnh mẹ con chị Nguyễn Thị Hùng là có thật.

Ông Hùng cho hay, hồi anh Bảo và chị Hùng lấy nhau, có tổ chức mời bà con làng xóm nên mọi người đều biết. Chị Hùng đã về làm dâu ở đây được hơn chục năm và chưa thấy gây ra điều gì tai tiếng trong gia đình.

"Cuộc sống của họ vẫn diễn ra bình thường. Nhưng không hiểu sao nhà ông V. (bố anh Bảo) lại đuổi mẹ con họ ra khỏi nhà. Về luật pháp, họ có quyền. Nhưng điều đáng nói ở đây là đạo đức con người." - Ông Hùng chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN