Hả hê trước đau đớn của người khác là bệnh tâm thần
“Nếu mọi người coi đây là thú vui thì đó là sự lệch lạc về nhận thức. Lệch lạc này, ngấm vào máu, khiến nhiều người trở thành “con nghiện” bạo hành”.
Em nhỏ bị bạo hành bằng roi điện
Vừa qua, hai đoạn clip rò rỉ liên quan tới hành động bạo hành trẻ em đã khiến cư dân mạng rúng động, bất bình, sôi sục. Theo đó, clip này quay lại cảnh một người đàn ông dùng nhiều cách để hành hạ một trẻ nhỏ, thậm chí người này có dùng dùng roi điện để chích nhiều nơi trên cơ thể. Em bé la khóc thất thanh, tỏ ra bất lực và chỉ biết giãy giụa thì người đàn ông này lại tỏ ra hả hê, thỏa mãn, sung sướng.
Trước đó, trên mạng xã hội cũng chia sẻ một số clip quay cảnh một chú chó bị cô gái xinh đẹp dùng đèn khò đốt cháy toàn thân. Mặc cho chú chó đáng thương cố vùng vẫy nhưng cô gái vẫn không nương tay mà cười hả hê.
Lệch lạc về nhận thức
Chia sẻ về điều này, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho biết, có thể thấy những clip hành hạ đồng loại (trẻ nhỏ, phụ nữ…) hay loài vật sau đó cười hả hê sung sướng đã trở thành trào lưu vô cùng tàn ác.
“Nếu mọi người coi đây là thú vui hay một trò chơi kỳ quái thì đó là sự lệch lạc về nhận thức. Lệch lạc này, ngấm vào máu, khiến nhiều người trở thành “con nghiện” bạo hành”, ông Nguyễn An Chất nói.
Ông Chất phân tích, những người có thú vui kỳ quái này đã mắc chứng bệnh tâm lý. Có thể bản thân họ yếu kém, hay ốm đau nên họ nghĩ việc ngược đãi người khác hay các sinh vật khác yếu hơn giúp họ tự trấn an tinh thần về sức mạnh của mình.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
Ngoài ra, một số khác lại bị ảnh hưởng từ các hình ảnh bạo lực hay các tư tưởng giết chóc, độc ác trong thời gian dài dẫn đến những suy nghĩ và hành vi lệch lạc. Nguy hiểm nhất là một số người thấy hả hê và vui sướng khi nhìn thấy đồng loại bị hành hạ đau đớn. Họ coi việc ngược đãi động vật là cách để xả stress và tiêu khiển. Những người này bị nghiện sự đau đớn và bạo lực nên các hành động dã man làm họ cảm thấy... vui thích.
Tuy vậy, cũng theo ông Chất, thực tế vẫn có nhiều người cười trước sự đau khổ, thất bại của người khác nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ cảm thấy vui sướng, hả hê mà không có một chút sự cảm thông hay đồng cảm nào thì có vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đối với những trường hợp này cần được tư vấn tâm lý để điều trị sớm. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Là một chứng bệnh tâm thần
Bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cũng cho rằng, về mặt bệnh lý, những người có hành vi bạo lực sau đó cười hả hê mặc kệ người khác đau đớn có thể quy vào bệnh lý tâm thần do rối loạn chức năng nhận thức.
“Đây được coi là một chứng bệnh tâm thần với những ý thích quái đản”, bác sĩ La Đức Cương nói.
Có 3 nguyên nhân chính gây nên chứng bệnh này. Đầu tiên, có thể là do nội sinh. Bản thân người bệnh tự mắc phải những chứng hoang tưởng, ảo giác, cho rằng mình tài giỏi có thể làm được tất cả mọi việc, có thể chiêm ngưỡng, được hành hạ theo ý mình.
Ngoài ra, người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý mạnh, có những biểu hiện của rối loạn tâm thần, chậm phát triển về tâm thần.
Bên cạnh đó, người có hành vi bạo lực có thể do ảnh hưởng từ môi trường sống, như thị giác luôn phải tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực, muốn trả thù đối tượng đã hành hạ chính họ.
“Có nhiều bệnh nhân do từng bị bạo lực nên muốn trả thù, sau khi hành hạ xong họ sẽ thấy hả hê, sung sướng”, bác sĩ Cương chia sẻ.
Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, đối với những người có hành vi như vậy cần được khám, tư vấn và điều trị sớm.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cũng cho rằng, những người có hành vi bạo lực với đồng loại hay vật nuôi sau đó cười hả hê, sung sướng là một dạng bệnh lý tâm thần.
“Đây là một hiện tượng bệnh lý nguy hiểm, cần ngăn chặn ngay trước khi để lại hậu quả nghiêm trọng”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.
Ngoài ra, bác sĩ An cũng khuyến cáo mọi người phải lên tiếng khi gặp những đối tượng có thú vui quái đản như những trường hợp kể trên.