Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút

Trong lần đầu tiên chạy thử nghiệm vào giờ cao điểm với chặng đường 14km, xe buýt nhanh đi hết 75 phút. Tốc độ này lâu hơn so với xe buýt thường khoảng 20 phút.

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 1

Xe buýt nhanh xuất phát từ bến xe Kim Mã

Ngày 29/12, Sở Giao thông Hà Nội lần đầu tiên thử nghiệm 20 chuyến buýt nhanh (BRT), lộ trình từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã trong giờ cao điểm với tần suất 7-10 phút một chuyến.

Theo ghi nhận của phóng viên, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tham gia phân luồng, tuy nhiên chưa cấm các phương tiện xe máy, taxi đi vào cầu vượt nhẹ Láng Hạ, Lê Văn Lương như kế hoạch trước đây.

Xe máy lấn làn “vây” buýt nhanh

Ngày 29/12, phóng viên có dịp trải nghiệm tuyến buýt nhanh theo lộ trình từ Kim Mã- Yên Nghĩa. Đúng 17h15 phút, tuyến buýt số 99, biển kiểm soát 29B-15430 lăn bánh từ bến xe Kim Mã chạy theo lộ trình. Trên xe, có 16 hành khách.

Thời điểm này, trên lộ trình của xe buýt nhanh dày đặc phương tiện. Khi xe buýt nhanh lưu thông đến tuyến đường Láng Hạ đã bị ùn ứ phương tiện. Ô tô, xe máy đi lấn vào làn xe buýt nhanh.

Đỉnh điểm, lúc 17h25 phút, buýt nhanh phải di chuyển chậm chạp, phanh gấp liên tục trên đường Lê Văn Lương do các phương tiện ùn ứ chắn phía trước. Phải mất hơn 10 phút, buýt nhanh mới qua được ngã tư Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến.

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 2

Hành khách đi trên xe buýt nhanh

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 3

Ô tô đi vào làn xe buýt nhanh trên đường Giảng Võ

Trong quá trình di chuyển, phóng viên ghi nhận nhiều hình ảnh người dân tạt đầu xe buýt, nhất là tại các ngã tư, điểm giao cắt. Mỗi lần lái xe buýt phanh gấp là một lần hành khách “thót tim”.

“Tắc đường nhất là đoạn gần nhà chờ Lê Văn Lương do người điều khiển ô tô, xe máy vô tư nối hàng dài trên làn đường dành riêng cho buýt nhanh. Dù có thanh tra giao thông hỗ trợ, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác, ngoài việc chờ đợi”, lái xe buýt nhanh số 99 chia sẻ.

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 4

Ùn tắc kéo dài trên đường Lê Văn Lương, ô tô xe máy xếp hàng dài trên làn đường xe buýt

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 5

Nhiều phương tiện bị ùn ứ, xe buýt đi phía sau không thể di chuyển lên

Tại điểm chờ trên trục đường Tố Hữu, Khuất Duy Tiến, giao thông bị ùn tắc cục bộ trong thời gian ngắn. Lái xe buýt phải di chuyển khó khăn. Lúc hơn 18h, tuyến đường Quang Trung thông thoáng, nên buýt nhanh di chuyển có phần dễ dàng hơn. Đến 18h30 buýt nhanh tới bến xe Yên Nghĩa.

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, thời gian chạy cả chặng đường từ Kim Mã- Yên Nghĩa mất 45 phút/xe và nhanh hơn xe buýt thông thường hiện nay 5-10 phút. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, buýt nhanh chạy trong giờ cao điểm hết thời gian 75 phút.

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 6

Ô tô vẫn đi lên cầu vượt Láng Hạ

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 7

Ùn tắc trên đường Tố Hữu

Cửa nhà chờ buýt nhanh gặp trục trặc

Theo quan sát của phóng viên, với những đoạn đường thông thoáng, lái xe buýt chạy với vận tốc khoảng 40km/h; còn những đoạn đường có đông phương tiện, xe buýt chạy với vận tốc khoảng 20km/h.

Trong quá trình di chuyển, buýt nhanh gặp phải sự cố ở một số nhà chờ. Cụ thể, tại nhà chờ Láng Hạ, Hoàng Đạo Thúy cửa không mở được. Do vậy, hành khách đã không thể lên được xe buýt.

Tại các nhà chờ, bậc lên xuống quá cao gây khó khăn cho người dân. Tại một số nút giao Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, tín hiệu đèn chưa hợp lý gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển.

Giờ cao điểm, buýt nhanh chậm hơn buýt thường 20 phút - 8

Cửa kính tại một số nhà chờ bị kẹt gây khó khăn cho người dân

Có mặt trên tuyến buýt nhanh, bà Nguyễn Thanh Giang, ở Hà Đông, Hà Nội cho hay, đây là lần đầu tiên bà được trải nghiệm buýt nhanh. “Xe chạy khá êm, nội thất đẹp. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy chưa hài lòng là xe buýt chạy không được nhanh như dự kiến”, bà Giang nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị Hà Nội) cho hay, từ hôm nay đến ngày chạy chính thức, đơn vị sẽ cho xe buýt chạy đúng lộ trình để kiểm tra mức độ ùn tắc giao thông trên toàn tuyến và xem xét đưa ra phương án tốt nhất.

“Đối với những bất cập về nhà chờ, đèn tín hiệu chúng tôi sẽ sửa, khắc phục xong trước ngày chạy chính thức để tạo thuận lợi cho người dân đi lại”, ông Hải nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Những vấn đề xung quanh xe buýt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN