Giang Kim Đạt “lọt sổ” kê khai tài sản?

Sau vụ Giang Kim Đạt trong vụ án tham nhũng tại Vinashin tham ô 18,6 triệu USD của nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương, nhìn nhận với báo chí: “Không ai nghĩ một cán bộ ít tuổi, cấp trưởng phòng mà có thể dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối tài sản quá lớn. Đây là điều không thể chấp nhận”.

Giang Kim Đạt “lọt sổ” kê khai tài sản? - 1

Giải thích về việc chuyển tài sản tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng chuyển tài sản cho người thân là thủ đoạn tương đối phổ biến của những người tham nhũng.

Dù vậy, ông Tuấn cũng lưu ý: “Về chủ quan, chúng ta đều cảm nhận được tham nhũng nhưng để kết luận tài sản này có được từ tham nhũng hay không thì phải qua nhiều quy định pháp lý rất chặt chẽ. Mong muốn chống tham nhũng quyết liệt nhưng chúng ta cũng phải thận trọng để tránh oan sai”.

Về cơ chế kiểm soát thu nhập để chống tham nhũng, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương cho rằng cần phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh hay cơ chế quản lý các doanh nghiệp. Tại sao lại để cho một cán bộ không phải cấp cao mà tham nhũng được một tài sản lớn như thế. Mặt khác, cơ chế kiểm soát thu nhập hay là công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng có phần bất cập.

Theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 08/2013/TT-TTCP của Tổng Thanh tra Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, ở doanh nghiệp có vốn nhà nước, cán bộ cấp phó trưởng phòng trở lên buộc phải kê khai tài sản. Như vậy, là trưởng phòng, Giang Kim Đạt cũng thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập. Thế nhưng, những gì đã diễn ra cho thấy quy định này không được thực thi hoặc được thực thi qua loa tại Vinashin. Cũng có thể Giang Kim Đạt khai gian dối và cơ quan chức năng không giám sát, phát hiện được.

Trong khi đó, theo số liệu Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố, đến ngày 10-7, có 98 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập năm 2014 cho TTCP. Kết quả, 1.008.949/1.004.914 (đạt 99,6%) người đã kê khai tài sản, 998.827 (đạt 98,4%) bản kê khai đã công khai, 320.050 (đạt 32,4%) bản đã công khai theo hình thức niêm yết, 668.777 (đạt 67,6%) bản đã công khai theo hình thức công bố. Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập; có 4 người bị kết luận kê khai không trung thực (đã xử lý kỷ luật 2 người).

Theo báo cáo của TTCP, 6 tháng đầu năm 2015, toàn ngành đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 268.251 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 11.298 tỉ đồng, 655,7 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 7.593 tỉ đồng (đã thu hồi 6.203,3 tỉ đồng, đạt 81,7%) và 514,7 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.705 tỉ đồng, 141 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 28 vụ, 76 đối tượng.

Trong đó, 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và đã xử lý kỷ luật 11 người. Trong 6 tháng đầu năm, ngành thanh tra đã phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỉ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng. Có 1 người tố cáo, phát hiện tham nhũng được khen thưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyết (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN