Giãn cách 19 tỉnh, người dân có được rời TP.HCM về quê?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân về quê thì nhiều tỉnh đều tiếp nhận nhưng người dân cần nắm rõ các quy định của từng địa phương.

Từ ngày 19-7, cùng với TP.HCM, 18 tỉnh, thành khu vực Nam bộ đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian 14 ngày. Khi phạm vi giãn cách thực hiện trên diện rộng thì một số người sinh sống tại TP.HCM muốn dùng phương tiện cá nhân để về quê. Việc này có thực hiện được không và cần phải tuân thủ những điều kiện gì, Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận ý kiến của người dân và nhiều địa phương.

Người muốn đi xe riêng, người tính thuê xe về quê

Hiện nay các loại hình vận tải hành khách đang tạm ngưng hoạt động, không đón, chở khách từ TP.HCM đi mọi tỉnh, thành. Do đó, một số người dân muốn sử dụng xe cá nhân, gọi người thân ở quê đến đón hoặc thuê xe hợp đồng để về quê. Tuy nhiên, hầu hết họ không nắm được thông tin nên khá lo lắng, sợ rằng trên đường sẽ phải cách ly tập trung hoặc bị bắt quay đầu xe.

Anh Nguyễn Thành (quê Sóc Trăng) nói: “Công ty đang dừng hoạt động nên tôi muốn đưa vợ con về quê nhưng nghe nói chỉ xe chở những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc y tế hoặc xe phòng chống dịch mới được đi. Giờ tôi không biết đi xe riêng về có được không?”.

Anh Thành đã tìm hiểu và biết người dân muốn rời TP.HCM bằng các cửa ngõ phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nhưng khi đi qua địa phận các tỉnh khác thì không biết còn quy định nào nữa. Anh cũng không rõ nếu nhờ người thân từ Sóc Trăng lên đón về thì có được không.

Anh Nguyễn Lê Như Ngọc (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), tài xế xe dịch vụ, cho biết có khách hàng thuê anh từ TP.HCM về Quảng Ngãi nhưng tới nơi anh sợ sẽ bị cách ly tập trung hoặc khi quay lại TP.HCM không được nên anh không nhận lời. Dù đã tìm hiểu quy định của nhiều địa phương nhưng anh Ngọc không thể biết trước được quy định tại các tỉnh có thay đổi gì trong thời gian anh di chuyển hay không.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương ủng hộ sinh viên và người lao động về quê nhằm mục đích tạo sự an toàn và giảm áp lực cho TP.HCM. Theo đó, người về từ TP.HCM hay vùng dịch đều phải cách ly đủ thời gian quy định và có xét nghiệm âm tính.

Cơ quan chức năng kiểm tra xe cá nhân tại chốt kiểm soát COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cơ quan chức năng kiểm tra xe cá nhân tại chốt kiểm soát COVID-19. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về được nhưng phải cách ly, xét nghiệm

Ngày 18-7, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh có thông báo yêu cầu tất cả người dân ngoài tỉnh về địa phương từ ngày 1 đến 19-7 phải đến trạm y tế các xã, phường, thị trấn nơi cư trú để khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm COVID-19 (nếu chưa xét nghiệm) để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Các trường hợp từ các địa phương khác về tỉnh Trà Vinh phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính có giá trị trong vòng ba ngày. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì không được vào địa bàn tỉnh. Riêng tại chốt cầu Cổ Chiên, các trường hợp qua chốt vào tỉnh phải xét nghiệm nhanh (nếu không hoặc có giấy xét nghiệm âm tính đã quá ba ngày).

Đối với các đối tượng được xác định là F2 và tất cả người dân từ TP.HCM và các tỉnh có ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng về Trà Vinh đều phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày (trừ trường hợp phải cách ly tập trung, cách ly tại cơ sở điều trị theo quy định), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu người dân phải thực hiện xét nghiệm ba lần vào ngày đầu, ngày thứ bảy và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà và nghiêm chỉnh chấp hành quy định 5K.

Tại tỉnh Đồng Tháp, người từ TP.HCM về đến các chốt kiểm dịch phải khai báo y tế, có địa chỉ cư trú cụ thể, phải có giấy kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong thời hạn năm ngày vào thời điểm đến tỉnh. Người về đây còn phải cách ly y tế tại nhà trong thời gian 14 ngày kể từ ngày về tỉnh và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; phải xét nghiệm ba lần trong thời gian cách ly y tế tại nhà. Người cách ly y tế tại nhà và tự theo dõi sức khỏe hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người.

Tương tự, nhiều địa phương khác đều khuyến cáo người dân hạn chế tối đa đi lại bằng phương tiện cá nhân. Người dân có thường trú tại địa phương khi về quê sẽ phải cách ly và có giấy xét nghiệm âm tính.

Chẳng hạn, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quy định dừng việc di chuyển ra vào địa phận tỉnh khi không phải trường hợp cần thiết. Đối với người dân có nhà ở trong tỉnh nhưng đi từ vùng dịch về trong thời gian giãn cách cũng phải bắt buộc cách ly tại nhà.

Với tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 19-7, tỉnh khuyến cáo người dân không đi ra khỏi tỉnh bằng các loại xe cá nhân trong thời gian thực hiện giãn cách. Trường hợp thật sự cần thiết mà phải đi ra khỏi tỉnh thì khi về lại phải thực hiện cách ly theo quy định. Theo đó, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh sẽ ghi biển số xe, theo dõi người đi ra ngoài tỉnh để thông tin cho toàn bộ chốt kiểm soát khác trong tỉnh biết, giám sát và xử lý theo quy định.•

An Giang không đón người dân ngoại tỉnh

Không hạn chế đón người dân trong tỉnh về quê nhưng tỉnh An Giang lại có quy định khác đối với người không có thường trú tại tỉnh này.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng Công an TP Long Xuyên (An Giang), do tình hình dịch phức tạp và số lượng người cách ly tập trung quá đông nên địa phương không tiếp nhận người của tỉnh khác (trừ các trường hợp đặc biệt), mà chỉ tiếp nhận công dân của tỉnh về từ các địa phương khác.

Cụ thể, người dân tỉnh An Giang học tập hoặc lao động từ TP.HCM về đến chốt kiểm soát phải khai báo và xuất trình giấy tờ (CMND hoặc CCCD) chứng minh là người của địa phương mới được vào. Khi vào địa bàn tỉnh thì người dân buộc phải đi cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, sau đó tiếp tục về nhà theo dõi trong bảy ngày.

Gần 20.000 người đã về quê qua quốc lộ 14

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên hiện chưa áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng số lượng người từ TP.HCM và các tỉnh lân cận trở về quê rất lớn, khiến công tác phòng chống dịch tại khu vực này cũng áp lực.

Chiều 19-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Kim Nghiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), cho hay trong ít ngày qua, lượng người từ các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM về các tỉnh Tây Nguyên qua quốc lộ 14 rất lớn. Quốc lộ này nối liền tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk khiến công tác kiểm soát dịch của cơ quan chức năng gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Theo ông Nghiệp, người từ TP.HCM và các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16 khi đến trạm kiểm soát dịch Đắk R’Lấp (Đắk Nông) thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu. Theo đó, họ phải có giấy xét nghiệm test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đối với người từ khu vực thực hiện Chỉ thị 16 đi qua chốt nhưng không phải về tỉnh Đắk Nông thì phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và phải làm giấy cam kết là không về hoặc ở lại tỉnh Đắk Nông.

Nếu người từ TP.HCM và các tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 có thường trú ở Đắk Nông về quê thì cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, đo thân nhiệt, khai báo y tế theo quy định. Sau đó, tại chốt Cây Chanh (huyện Đắk R’Lấp), họ được lấy mẫu làm PCR gửi về CDC Đắk Nông để xét nghiệm. Người nào ở các huyện khác của tỉnh Đắk Nông thì được thông báo cho huyện tiếp nhận và thông qua đường dây nóng với các trung tâm y tế huyện để hướng dẫn đến nơi cách ly tập trung chờ kết quả xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì họ sẽ được đưa đi chữa bệnh, còn kết quả âm tính thì sẽ cho cách ly tại nhà theo quy định.

Cũng theo ông Nghiệp, từ thời điểm 0 giờ ngày 19-7, khi TP.HCM và 18 tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16 đến nay thì số lượng người về các tỉnh Tây Nguyên lại càng đông, chủ yếu bằng xe máy và ô tô cá nhân. Qua thống kê, đến nay số lượng người khai báo y tế qua các trạm kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh trên quốc lộ 14 là gần 20.000 người. “Có thời điểm rất đông người mà trời thì mưa to nên chúng tôi phải dựng nhiều rạp che mưa để họ trú tạm, chờ đến lượt làm các thủ tục khai báo y tế” - ông Nghiệp nói.

Đêm 17-7, rất đông người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chờ làm thủ tục qua chốt phòng chống dịch ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông). Ảnh: HUY TRƯỜNG

Đêm 17-7, rất đông người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chờ làm thủ tục qua chốt phòng chống dịch ở huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông). Ảnh: HUY TRƯỜNG

HUY TRƯỜNG

Nguồn: [Link nguồn]

Thêm 2.787 ca mắc COVID-19, trong đó TP.HCM nhiều nhất với 1.739 ca

Sáng 21/7, Việt Nam có 2.787 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 2.775 ca ghi nhận trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN