Giải mã ý tưởng “hô biến” sông Tô Lịch thành sông Thames

Ông Đàm Văn Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc đã trao đổi với PV về ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch đẹp như sông Thames.

Giải mã ý tưởng “hô biến” sông Tô Lịch thành sông Thames - 1

 Sông Tô Lịch sẽ trở thành sông Thames giữa lòng Hà Nội sau khi cải tạo?

Mới đây, Công ty cổ phần hạ tầng Phương Bắc, thuộc Tập đoàn Phương Bắc (sau đây gọi là Phương Bắc) có công văn gửi các cơ quan chức năng TP.Hà Nội đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch.

Theo doanh nghiệp này, trước đây sông Tô Lịch đã được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên đến nay, do hệ thống nước thải của thành phố đổ về sông liên tục ngày càng nhiều nên sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

“Sau khi tham khảo một số con sông chảy qua thủ đô ở các nước trên thế giới như sông Seine ở Pháp hay sông Thames ở Anh…  thì việc cải tạo sông Tô Lịch là vấn đề bức thiết và vô cùng quan trọng để giữ môi trường trong sạch cũng như vẻ đẹp của Thủ đô, phát triển du lịch và cải thiện đời sống của người dân, giúp Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”, nội dung công văn gửi UBND TP.Hà Nội của Phương Bắc.

Từ lý do trên, Phương Bắc đề xuất chủ trương cải tạo sông Tô Lịch phát triển bền vững.

Liên quan tới đề xuất trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Văn Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc.

PV: Trước khi gửi đề xuất, Phương Bắc đã khảo sát sơ bộ chưa?

- Ông Đàm Văn Long: Hiện Phương Bắc mới có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin chủ trương cải tạo sông Tô Lịch. Nếu được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương thì Phương Bắc sẽ bắt tay vào khảo sát, lập đề xuất đầu tư, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Giải mã ý tưởng “hô biến” sông Tô Lịch thành sông Thames - 2

 Ông Đàm Văn Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc.

Vậy, công ty đã có ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch như thế nào?

- Chúng tôi đã có một vài ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch. Cụ thể, sẽ cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị dọc sông Tô Lịch.

Hiện nay, nước thải sinh hoạt nhiều khu dân cư được xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Tuy nhiên, sau khi cải tạo, nước thải sinh hoạt sẽ chảy theo hệ thống nước thải mới, không xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch.

Nước đổ ra sông Tô Lịch sau khi cải tạo sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.

Bên cạnh việc nạo vét đáy sông Tô Lịch, Phương Bắc có ý tưởng sẽ tạo kết nối dòng chảy sông Tô Lịch với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… để lấy nước, tạo thành dòng đối lưu sông - hồ hài hòa, từ đó tạo thành dòng chảy tự nhiên, hình thành hệ sinh thái dưới nước.

Việc tạo ra dòng chảy này cũng có thể giúp Hà Nội xử lý thoát nước mưa, chống ngập.

Ngoài ra, Phương Bắc sẽ xây dựng, cải tạo hệ thống kè, trồng cây và sử dụng các vật liệu kiến trúc độc đáo, ấn tượng để mang đến cho thủ đô Hà Nội vẻ đẹp đặc sắc riêng, phù hợp với văn hóa và yếu tố tâm linh, tín ngưỡng.

Sau khi cải tạo, sông Tô Lịch sẽ được vận hành và khai thác một phần phục vụ mục đích du lịch như du lịch đường sông, các dịch vụ như quán café nổi trên sông... Việc khai thác sẽ được chọn lọc cẩn thận, đảm bảo yếu tố cảnh quan, thẩm mỹ và chú trọng tính bền vững môi trường.

Nếu được thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch, công ty dự kiến sẽ áp dụng công nghệ nào?

- Chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp khoa học tiên tiến BIM - mô hình thông tin công trình. Với công nghệ này, các ý tưởng cải tạo sẽ được dựng thành mô hình 3D, 4D, 7D… Quá trình thi công, công ty sẽ áp dụng nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và môi trường.

Quá trình thực hiện dự án, công ty cũng sẽ tham khảo các chuyên gia, các công ty tư vấn liên quan tới thiết kế, cảnh quan đô thị, chuyên gia hàng đầu về thủy lực để tư vấn về hạng mục tạo dòng chảy kết nối hài hòa sông – hồ.

Với quy mô như vậy, dự án chắc chắn sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư. Công ty tính toán giải quyết vấn đề này như thế nào?

Với tư cách là đơn vị tư vấn, đề xuất UBND Thành phố duyệt chủ trương đầu tư, chúng tôi cho rằng, dự án nên được tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn được nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) có đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Chúng tôi đề xuất dự án nên thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), có thể kết hợp hình thức BOT và BT. Theo đó, để hoàn vốn cho nhà đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội có thể cho phép nhà đầu tư kinh doanh khai thác du lịch có thời hạn và lựa chọn loại hình kinh doanh thân thiện với môi trường trên sông Tô Lịch, kết hợp với việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư và ưu đãi một số loại thuế…

Gặp “phù thủy” biến nước sông Tô Lịch thành nước uống

Dù cắm xuống bất kỳ nguồn nước nào, một đầu máy hút nước, đầu kia sẽ cho ra ngay dòng nước sạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN