Giấc mơ trở thành phụ nữ của người đồng tính nam
“Chuyển giới làm phụ nữ có gì sai chứ? Em mong xã hội hãy chấp nhận và xem trọng chúng em”, tâm sự của Thái Lê Vinh hay còn gọi là Pun (một đồng tính nam ngụ tại Q.8, TP.HCM).
20/10 không chỉ là ngày dành cho phụ nữ Việt Nam, mà đó còn là một ngày đặc biệt của nhiều người thuộc thế giới thứ ba hiện nay. Mặc dù người thuộc thế giới thứ ba (hay còn gọi là người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới) đang nhận được nhiều cái nhìn khác nhau từ xã hội, trong đó có cả sự đồng cảm và sự kỳ thị, nhưng trên hết, những nhân vật này vẫn luôn mong mỏi xã hội công nhận họ đúng với giới tính mà họ đang hướng tới.
Jessica (bên phải) đang trang điểm cho khách tại tiệm làm đẹp do mình làm chủ (Ảnh: Gia đình & Xã hội)
Thông qua “Hội những người ủng hộ đồng tính” và “Tôi không kỳ thị người đồng tính”, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng với nhân vật có bí danh Pun (tên thật Thái Lê Vinh, 26 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM) và một vài nhân vật khác.
Mở đầu câu chuyện, Vinh không ngần ngại kể về cuộc sống của mình trước kia và bây giờ. Qua đó mới thấy, quá khứ luôn có những điều tốt đẹp nhưng cũng không thiếu yếu tố bi thảm khiến con người phải thay đổi bản thân để thích nghi.
Vinh kể: “Không hiểu sao ngay từ nhỏ em đã rất sợ gần các bạn nữ nhưng lại rất thích vui đùa cùng các bạn nam. Nói ra chắc anh không cảm nhận được đâu, nhưng thật sự con trai có sức hút với em chứ con gái thì…”. Nói chưa hết câu, Vinh thở dài và dường như muốn để người nghe tự hiểu ý mình.
Cũng qua lời tâm sự của Vinh, được biết Vinh sinh ra và lớn lên tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, chỉ học hết lớp 9, Vinh đã vào Sài Gòn sống và lập nghiệp mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ gia đình, cả về vật chất lẫn tinh thần. “Càng lớn lên, mọi người càng thấy em giống con gái, bạn bè vô tâm còn hay gọi em là bê đê với giọng điệu giễu cợt. Ngay cả cha mẹ cũng bắt em phải thay đổi sao cho mạnh mẽ, nam nhi nhưng em không thể. Em biết cha mẹ và chị hai buồn lắm chứ! Sau một thời gian sống giữa nhiều áp lực, em buộc phải bỏ nhà lên Sài Gòn sống tự do, mặc dù gia đình em có kinh tế cũng khá giả và đang sống hạnh phúc” - Vinh ngậm ngùi nói.
Hiện Vinh đang làm tiếp viên tại một quán cà phê ở Q.8 với mức lương khoảng 3,5 triệu/tháng. Được bao ăn, ở, cộng với tiền bo của khách nên mỗi tháng cũng dư một ít, tất cả được Vinh để dành.
Nói về công việc của mình khi phong cách, hành động có sự khác biệt so với mọi người, Vinh vẫn giữ nụ cười trên môi và tâm sự: “Nhiều khách quen thì vào quán hay gọi “em ơi”, còn khách lạ thì họ hơi bối rối khi không biết phải gọi em ra sao. Dù sao em cũng thích gọi “em” hơn là “anh” anh à. Mặc dù em chưa có tiền để đi làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng em nghĩ chuyển giới làm phụ nữ có gì sai chứ? Em mong xã hội hãy chấp nhận và xem trọng chúng em”.
Khác với Vinh, một nhân vật khác có bí danh Jessica cũng là một đồng tính nam được nhiều người biết đến.
Jessica đã khá thành công khi quyết định lập nghiệp tại TP.HCM với một tiệm làm đẹp tại Q.6, TP.HCM. Không kể quá nhiều về gia cảnh của mình nhưng Jessica cho biết, việc vào TP.HCM lập nghiệp một phần là để “chứng minh cho gia đình thấy dù mang trong mình giới tính gì thì em cũng có thể thành công”.
“Nhiều bạn bè khác mà em biết cũng đã thành công khi lập nghiệp tại thành phố này. Mấy bạn ấy rất quyết tâm và hăng say kiếm tiền vì… ước mơ phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ tính cách, giọng nói cho tới ngoại hình và cả bộ phận sinh dục. Có thể anh không biết chứ để làm trọn vẹn việc trên thì phải tốn hàng trăm triệu cho tới 1 tỉ đồng, muốn hoàn hảo hơn nữa thì có khi còn cao hơn”.
Ảnh chụp màn hình một cuộc bỏ phiếu dành cho thế giới thứ ba, đăng tải trên hội “Tôi không kỳ thị người đồng tính”
Còn qua cuộc trò chuyện qua mạng với nhân vật đồng tính nam Nguyễn Hoàng Minh (Q.1, TP.HCM) mới thấy, giấc mơ trở thành phụ nữ dường như là điều tất yếu đối với các đồng tính nam. Minh khẳng định: “Em chỉ muốn sống như một phụ nữ”. Hiện Minh vẫn đang sống cùng gia đình nhưng đối với Minh, “cuộc sống hiện tại cực kỳ gò bó, nhiều lúc ức chế cùng cực đến mức khóc không nên lời”.
Qua các câu chuyện về các cuộc đời trên, có thể thấy vấn đề thế giới thứ ba là một thực tế đang tồn tại hiện nay nhưng chưa có được tiếng nói chung trong xã hội. Thậm chí một số quốc gia còn đang trong một cuộc bỏ phiếu công nhận hay không công nhận người đồng tính, chấp nhận hay không chấp nhận cho các cuộc hôn nhân đồng giới…
Chia sẻ về vấn đề này, vblogger nổi tiếng An Nguy viết: “Sẽ có người tổn thương, sẽ có kẻ giận dữ, thất vọng, bạn sẽ mất đi những người bạn, những người thân nhưng bạn sẽ được thanh thản. Sự thật có thể sẽ đập tan những thứ tươi đẹp màu hồng mà người ta muốn vẽ nên, sẽ khiến người ta đau lòng nhưng rồi nó sẽ đem đến cho bạn sự tự do”.
Từ đó, An Nguy nói thêm: “Vậy nên, dù không biết ngoài sáng có điều gì đang chờ đợi, thì cũng hãy là bản thân mình, nếu muốn người khác sống thật với mình thì mình cũng hãy thật với người ta. Thẳng thắn và rõ ràng, đúng, sự thật có thể tàn nhẫn, nhưng đừng cố gắng lái nó sang hướng khác để người ta bớt đau lòng. Và điều cuối cùng, khi bạn đã mở lòng, người ta đón nhận nó ra sao, cảm thấy thất vọng hay giận dữ với bạn, đấy là chuyện của người ta”.
Còn trên Facebook, thành viên Lê Mỹ viết: “Tôi chỉ vừa đọc xong một câu chuyện, câu chuyện về những người đồng tính. Tôi muốn khóc nhưng không dám vì sợ mẹ. Tôi đã hiểu đã biết rất nhiều về những người đồng tính. Tôi hi vọng họ sẽ được xã hội thừa nhận, được sống như chính bản thân họ, được yêu và được tôn trọng”.