Gia đình sống bằng nghề... nhặt đinh

Có lẽ đây là gia đình có nghề mưu sinh độc nhất vô nhị trên thế giới bởi chẳng nơi nào có nạn rải đinh như ở Việt Nam.

Suốt hơn chục năm qua, trên những tuyến đường trọng điểm thuộc địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… hằng ngày luôn xuất hiện hình ảnh một đôi vợ chồng lem luốc dẫn theo đứa con nhỏ âm thầm đi khắp các tuyến đường để… hút đinh, mặc cho những dòng xe cứ lao qua vun vút… Đó là công việc hằng ngày và cũng là "cái nghề" để kiếm sống của gia đình này. Có lẽ đây là gia đình có nghề mưu sinh độc nhất vô nhị trên thế giới bởi chẳng nơi nào có nạn rải đinh như ở Việt Nam.

Khi tôi ái ngại hỏi sao hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại sinh nhiều con như vậy, anh Linh thật thà chia sẻ: "Cũng tại những lần không về nhà kịp phải nghỉ lại bên đường, buồn không có việc gì làm nên… Đúng là sinh nhiều con thì rất vất vả nhưng đã lỡ rồi thì hai vợ chồng cũng đành cố gắng làm việc để nuôi các cháu nên người, trở thành người có ích cho xã hội".

Nghề "không giống ai"

Nạn "đinh tặc" đã trở thành vấn nạn của xã hội, là nỗi ám ảnh "kinh hoàng" của hết thảy những người đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường… Song song với nạn rải đinh, câu chuyện về một gia đình gắn với nghề hút đinh trên xa lộ đã khiến không ít người phải cảm động. Suốt hơn chục năm qua, hằng ngày họ vẫn âm thầm, miệt mài để hút những chiếc đinh mà bọn đinh tặc rải xuống lòng đường. Không ai có thể ngờ rằng, việc hút đinh trên xa lộ lại có thể trở thành một cái nghề nuôi sống được cả gia đình tám miệng ăn…

Vợ chồng anh Phạm Văn Linh (SN 1971) và chị Võ Thị Uyên Phi (ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12), chính là những con người hằng ngày gắn liền với công việc hút đinh ấy. Phần lớn cuộc sống gia đình anh Linh, chị Phi và 6 con nhỏ (đứa lớn nhất hơn 14 tuổi) diễn ra trên những tuyến đường quốc lộ. Nghề hút đinh cũng là nguồn sống duy nhất, gắn bó với gia đình anh suốt hơn chục năm qua. Nói về công việc của mình, anh Linh cho biết: "Có nhiều người thắc mắc cứ hỏi tôi tại sao không chọn một công việc khác mà lại chọn việc đi hút đinh, cái nghề "chẳng giống ai" như thế… Nhưng quả thực mỗi khi thấy những người bị hỏng xe do đinh tặc, phải dẫn bộ hàng chục cây số hoặc phải mất tiền oan uổng thì tôi không chịu được. Không những thế, nhiều xe còn bị tai nạn khi dính phải những "mũi đinh" này. Cũng chính vì điều ấy mà hai vợ chồng chúng tôi quyết định chọn cái nghề hút đinh những mong có thể làm giảm bớt được phần nào thảm nạn trên xa lộ", anh Linh bày tỏ.

Gia đình sống bằng nghề... nhặt đinh - 1

Anh Linh với cục nam châm dính đầy đinh sắt

Được biết, gia đình anh Linh bắt đầu gắn với cái nghề hút đinh này từ năm 2002, từ đó cho đến nay ngày nào anh chị cũng miệt mài trên dọc các tuyến đường để thực hiện công việc của mình. Mỗi ngày bắt đầu từ 6h sáng, cả gia đình anh dắt díu nhau xuất phát dọc theo các tuyến đường mà theo anh là có nhiều "đinh tặc". Những tuyến chính như QL1A, xa lộ Hà Nội, xuyên suốt từ Thủ Đức, Bình Dương, Q.2, Q.9… rồi đến tận Đồng Nai đều có sự xuất hiện của gia đình anh. Với bộ "đồ nghề" là một thỏi nam châm hình tròn được buộc với một sợi dây cùng với chiếc xe đẩy làm thành mái nhà di động (là chỗ cho con nhỏ đi theo có chỗ nằm và là nơi chứa đinh), anh chị cứ thế đi hết các tuyến đường để "dọn" sạch đinh trên đường.

Thông thường, hành trình chính của gia đình anh Linh bắt đầu từ cầu Tân Thới Hiệp (Q.12) đến cầu vượt Sóng Thần (Q.Thủ Đức), sau đó vòng qua làn mặt đường rồi quay trở về nhà, cứ vài bữa lại đổi sang tuyến khác. Bước chân của họ trải dài trên khắp các tuyến đường trong địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, và công việc ấy bắt buộc họ phải "cuốc bộ" trên tất cả các nẻo đường. Anh Linh thổ lộ: "Có những ngày mải hút đinh, đến lúc trời gần chiều tối mới quay trở về nhưng do đi bộ nên không thể về kịp nên vợ chồng đành tìm một chỗ nghỉ tạm qua đêm ngày mai đi tiếp. Có đêm thì ngủ lại tại chùa, miếu hay cũng có lúc dừng xe trước cổng một khu công nghiệp rồi ngồi đó mà ngủ. Đời mình vốn lang thang, bốn bể là nhà, ngủ đâu mà chẳng được hả chú", anh Linh nhoẻn cười chia sẻ.

Những đoạn đường mà anh Linh và chị Phi mới đi hôm nay, ngày mai trở lại thì đã có "hàng tá" đinh ngự trị trên mặt đường. Cũng chính vì thế mà suốt hơn chục năm nay không có ngày nào mà anh chị "thất thu" cả. Lấy khăn lau mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, chị Phi cho biết: "Đã hơn chục  năm nay rồi chứ ít ỏi gì đâu. Hôm nay hút được miếng này là ngay hôm sau lại có miếng khác thay thế, cứ như vậy làm hoài vẫn không hết. Đinh trên đường thì có rất nhiều loại, từ đinh ốc vít, đinh hình thoi cho đến những mảnh kẽm được cắt nhỏ đều có cả. Đoạn đường có nhiều đinh nhất là khu vực gần cầu vượt Bình Phước và cầu vượt Sóng Thần (QL1A)… Chi Phi cũng cho biết: "Những ngày thứ bảy, chủ nhật thì đinh càng nhiều hơn. Những ngày này chỉ chừng đi một cây số vợ chồng tôi đã thu được gần 2 kg đinh..". Được biết, mỗi ngày gia đình anh Linh hút được từ 15 - 20 kg sắt, trong đó gần 1 kg là đinh hình thoi, đinh ốc và vật sắc nhọn các loại, thu nhập được khoảng hơn 150.000 đồng.

Gia đình sống bằng nghề... nhặt đinh - 2

Hình ảnh khắc khổ vì bụi đường của Chị Phi bên những đứa con

Nguy hiểm rình rập

Hút đinh, sắt vụn với nhiều người là một nghề "không giống ai", suốt ngày lao đầu ra ngoài đường bụi mịt mù, mặt cúi gằm xuống đường mặc cho xe tải lao vun vút, trong khi thu nhập không ổn định lại còn bị đe dọa bởi "đinh tặc". Anh Linh kể: "Hôm trước khi gia đình tôi đang đi hút đinh đoạn gần cầu Bình Phước, đột nhiên có một gã thanh niên mặt mày bặm trợn dừng xe trước mặt, phía bên hông dắt một chiếc dao cong vút có hình lưỡi liềm, hắn nhìn chúng tôi chằm chằm rồi rồ xe phóng đi. Ít ngày hôm sau hắn lại xuất hiện, lần này còn giả vờ làm rơi con dao ngay trước mặt chúng tôi để hù dọa nhưng thấy có nhiều người qua lại nên nó cũng chẳng dám làm gì". Anh Linh nói thêm, cái nghề đi hút đinh cũng gặp nhiều chuyện gian nan, nguy hiểm lắm nhưng mỗi khi thấy người đi đường bị dính đinh, phải khổ sở dắt xe là anh chị lại càng quyết tâm bám lấy nghề. "Chừng nào đường hết đinh thì gia đình tôi mới đổi nghề được", anh Linh khẳng định.

Bên cạnh bị hăm dọa trên các tuyến đường thì một điều không kém phần nguy hiểm là việc gỡ những chiếc đinh, mảnh kẽm ra khỏi cục nam châm. Do có những mảnh kẽm hay sắt rất nhỏ, vừa sắc vừa nhọn nên mỗi lần gỡ ra là cả một vấn đề. Nhìn đôi bàn tay của anh Linh chúng tôi càng thấy rõ hơn mức độ nguy hiểm của cái nghề "không giống ai" này. Anh Linh tỏ bày: "Trước đây, chuyện bị đinh, sắt cứa vào tay là chuyện như cơm bữa. Bởi thế mà bàn tay tôi giờ đây đã chai sạn, đinh sắt khó mà đâm, cắt được. Sau nhiều lần khâu, vá… giờ đây nó thật sự chai và da cũng dày hơn rất nhiều…".

Dù vất vả, nguy hiểm, nhưng công việc hút đinh của gia đình anh luôn được người dân ủng hộ, động viên hằng ngày trên các nẻo đường. Anh Linh tâm sự: "Mình làm vậy mà được nhiều người thương, lâu lâu họ cho mình một ly nước uống cũng làm mình thấy mát lòng. Nhiều người thấy mình suốt ngày lang thang trên các nẻo đường hút đinh, có người thì cho tiền, người thì cho cơm ăn… Một số người khác thì gom những thứ lặt vặt có thể bán ve chai rồi cho mình để có thêm thu nhập". Chị Nguyễn Thị Minh (ngụ trên đoạn đường QL1A mà gia đình anh Linh thường đi ngang qua) chia sẻ: "Mỗi người có một cái nghề, nhưng cái nghề mà hai vợ chồng anh Linh và chị Phê hằng ngày mưu sinh thật đáng để trân trọng. Dù họ nghèo nhưng họ có tấm lòng vì người khác, họ có thể kiếm một công việc khác tốt hơn thế nhưng họ vẩn bám lấy nghề hút đinh bởi họ có lòng thương người", chị Minh bày tỏ.

Cứu giúp nhiều người

"Nửa kg đinh sắt bị rải trên đường thì có ít nhất 50 chiếc xe bị thủng bánh mỗi ngày. Một chiếc xe vào vá thì tốn 10.000 đồng/lỗ, thay ruột mất gần 100.000 đồng/cái thì người đi đường mất oan cả trăm ngàn đồng nếu "dính" đinh. Mỗi gia đình chỉ cần hút được vài kg đinh mỗi ngày là cứu hàng trăm xe rồi", anh Nguyễn Quang Chuẩn (ngụ tại P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhận định sự giúp ích của những người hút đinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Mai (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN