Gặp lại huyền thoại sống Nguyễn Ngọc Ký
Sinh năm 1947 tại Nam Định, cuộc đời Nguyễn Ngọc Ký có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt.
Bà Đậu chăm sóc chồng bên giường bệnh.
“Những nghịch cảnh, khó khăn chính là cơ hội để ta vươn lên mà cuộc đời ban tặng. Đêm càng tối, sao càng sáng. Ta không thay đổi được hướng gió nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi vị trí của cánh buồm”, huyền thoại sống một thời của biết bao thế hệ học trò - thày giáo Nguyễn Ngọc Ký vẫn chia sẻ lạc quan như thế dù ông đang trên giường bệnh.
Khát vọng cống hiến
Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi có dịp gặp nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, một huyền thoại sống về ý chí, nghị lực của bao thế hệ học sinh Việt Nam. Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc thày Ký đang chạy thận tại Bệnh viện Quân y 175 (quận Gò Vấp, TP HCM). Cùng chạy thận với thày còn có một người con của thày. Nằm trên giường bệnh, thày vẫn nở nụ cười tươi khi nhìn thấy chúng tôi đến thăm.
Thày cho biết, đã chạy thận và chống chọi với bệnh tật hơn 7 năm, còn người con trai thì hơn 6 năm. Bệnh viện sắp xếp hai cha con chạy thận cùng một ngày để bà Vũ Thị Đậu (vợ thày) tiện chăm sóc. Cứ một tuần 3 buổi, từ 10h - 13h thày lại cùng con trai đến BV chạy thận.
Vì cơ thể bị tật từ nhỏ nên việc chạy thận khó khăn hơn người bình thường. Tuy nhiên, vì biết kết hợp phương thức tập dưỡng sinh nên trong khi chạy thận thày vẫn giữ cho cơ thể mình luôn khỏe mạnh. Sau những giờ chạy thận, thày dành gần hết thời gian cho việc tư vấn tâm lý qua tổng đài 1080, viết sách, diễn thuyết, giao lưu với các trường... Dù đã ở tuổi thất thập và đã về hưu nhiều năm nhưng thày vẫn luôn khát khao cống hiến cho giáo dục, tiếp lửa cho nhiều thế hệ.
Thày cho biết, từ khi nghỉ hưu đến nay đã tư vấn cho hơn 7.000 khách hàng qua tổng đài 1080. Đối tượng tư vấn chủ yếu là thanh, thiếu niên, các em học sinh và phụ nữ. Các đề tài chủ yếu liên quan đến hôn nhân, gia đình, tình yêu, những khó khăn trong cuộc sống và lựa chọn nghề nghiệp... Tất cả thày đều tư vấn nhiệt tình và cũng xem đây như tư liệu để viết sách. Bên cạnh đó, thày vẫn còn nhớ rất rõ đã từng giao lưu, diễn thuyết tại 1.527 trường học trên 27 tỉnh, thành trên cả nước.
Không những thế, sau 35 đầu sách, hiện thày đang viết cuốn thứ 36. Thày tiết lộ, cuốn sách đầu đời của thày có tên Tôi đi học viết về thời tiểu học, trung học. Sau đó là cuốn Tôi học đại học viết về những năm tháng xa quê hương đi học. Bây giờ thày đang viết tiếp những năm tháng của cuộc đời mình trong cuốn Tôi dạy học.
Nói về ngọn lửa thôi thúc thày tiếp tục công hiến, dù đã nghỉ hưu và sức khỏe không tốt, thày Ký cho biết: “Bản thân là một người cống hiến, coi đó là nguồn sống của mình. Được sống, được cống hiến, được tiếp lửa, giúp ích cho đời là thày cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Mặc dù không còn đứng trên bục giảng nữa, nhưng thày vẫn tư vấn, viết sách, diễn thuyết, giao lưu. Sống là phải hoạt động, là phải cộng hưởng các việc với nhau để tạo ra nguồn sống cho mình”.
Tiếp chuyện, thày tâm sự: “Có những người mình tư vấn đến 5 tiếng đồng hồ. Nhiều người đến với mình bằng tiếng khóc, tâm trạng bất an, đòi tự tử, nhưng sau khi nghe mình tư vấn thì vui vẻ và kết thúc bằng tiếng cười. Chỉ như vậy thôi là mình cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa, làm được việc có ích cho đời”.
Không chấp nhận cuộc sống an phận khi về hưu, thày còn chia sẻ, cứ mỗi lần đi chạy thận về mệt trong người, thày mở điện thoại tư vấn, giao lưu với mọi người. Được giao tiếp với con người, với thế giới bên ngoài, được lắng nghe những góc khuất của cuộc đời và thông qua đó mình giúp họ vượt qua những nghịch cảnh của cuộc sống thì sẽ thấy cuộc đời thật ý nghĩa và hạnh phúc.
Nhiều lần vợ con khuyên nhủ thày không nên tiếp tục làm việc để tập trung nghỉ ngơi, dưỡng bệnh nhưng thầy nói với các con: “Bố viết sách, tư vấn, tiếp lửa, giúp mọi người có động lực sống, vượt qua nghịch cảnh. Chính việc ấy đã tiếp lửa ngược lại cho bố để bố có thể sống vui vẻ và tốt hơn”.
Hành trình của những ước mơ
Sinh năm 1947 tại Hải Hậu, Nam Định, cuộc đời thày Nguyễn Ngọc Ký có lẽ đã không còn xa lạ với nhiều thế hệ người Việt. Trên giường bệnh, khi chúng tôi hỏi thày: “Nếu nói một câu về cuộc đời mình, thày sẽ nói câu gì?”. Không chần chừ, thày trả lời: “Cuộc đời thày là hành trình của những ước mơ”.
Hồi nhỏ, lúc 4 tuổi bị liệt hai tay thì mơ ước viết bằng chân. Viết bằng chân được rồi thì mơ ước học thật giỏi. Học giỏi rồi thì mơ ước được làm giáo viên. Đi dạy rồi phấn đấu được học sinh yêu thích. Dạy tốt rồi thì mơ ước viết sách. Viết sách được thì mơ có một mái ấm hạnh phúc. Bây giờ, gia đình đã có, các con thày đều thành đạt, thày vẫn mơ được tiếp tục viết sách, được cống hiến cho đời.
“Những nghịch cảnh, khó khăn chính là cơ hội để vươn lên mà cuộc đời ban tặng. Đêm càng tối, sao càng sáng. Ta không thay đổi được hướng gió nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi vị trí của cánh buồm”, huyền thoại về nghị lực sống chia sẻ.
Nói về cuộc sống hiện tại, thày Ký cho biết, thày đang sống với người vợ thứ hai là Vũ Thị Đậu, cũng là em ruột của vợ đầu. Thày có ba người con, các con thày đã yên bề gia thất, công thành danh toại. Thày cũng đang là Chủ nhiệm CLB thơ ca của khu phố. “Bây giờ thày rất hài lòng về cuộc sống của mình. Những công việc như tư vấn, viết sách, diễn thuyết, thu nhập rất ít ỏi, có khi chỉ được vài trăm nghìn đồng một tháng nhưng thày vẫn làm như một việc để giúp ích cho xã hội, để trả ơn đời. Các con thày bây giờ đã có thể hỗ trợ thày trong cuộc sống sinh hoạt rồi”, thày Ký chia sẻ.
Thày cũng tâm sự, cứ ngày nào thày còn thở là ngày đó thày còn tiếp tục công việc viết sách, tư vấn, diễn thuyết của mình. Bởi, được làm những việc ấy, được nghe thấy những góc khuất của cuộc đời là một yếu tố giúp thày có thêm niềm vui và nguồn sống. Trong tương lai, thày chỉ mong muốn việc chạy thận của mình suôn sẻ để tiếp tục được cống hiến cho xã hội, cho đời.
Bà Vũ Thị Đậu, vợ thày Ký cho biết, trong cuộc sống đôi lúc cũng khó khăn vất vả thì không tránh khỏi nhưng vì quá thương chồng nên bà tình nguyện hy sinh.
“Tôi thương ổng, không yên tâm để ổng một mình. Mỗi lần đi diễn thuyết hay giao lưu đâu đó tôi đều phải “tháp tùng” bên cạnh. Giờ chỉ mong sao cho ổng luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời, cho xã hội”, bà Đậu chia sẻ.
Cậu bé Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân là tấm gương nghị lực sống của nhiều thế hệ học sinh.
Năm 1951, khi lên 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh và dẫn đến liệt hai tay. Đến tuổi đi học ông muốn đến trường nên khổ luyện viết chữ bằng chân và trở thành học sinh giỏi được Bác Hồ tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.
Từ năm 1966 -1970, Nguyễn Ngọc Ký học Ngữ văn tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, Nguyễn Ngọc Ký trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giáo viên. Từ năm 1994, thày Ký chuyển vào sống tại quận Gò Vấp, TP HCM. Từ đó đến năm 2005, thày Ký được phân công dự giờ bài giảng của giáo viên cấp 2, chép lại, tổng hợp, rút kinh nghiệm, rồi đóng góp ý kiến. Thày Ký cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước.
Năm 1992, thày Ký được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã tặng thày danh hiệu: “Người thày đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, thày Ký là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh.