Gà lậu Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam

Sau một thời gian “tạm lắng”, thời điểm này, gà lậu (không có kiểm dịch) từ Trung Quốc (TQ) lại ùn ùn tràn vào Việt Nam.

Chuyển hướng

Lạng Sơn vốn là điểm tập kết và trung chuyển gà lậu từ TQ vào Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2012 trở lại đây, do bị cơ quan chức năng làm “rắn”, các đối tượng buôn lậu đã tuồn gà lậu vào Việt Nam theo con đường khác. Theo quan sát của chúng tôi, trước đây dọc tuyến đường từ TP.Lạng Sơn lên cửa khẩu Tân Thanh đều có các điểm tập kết gà lậu, nhưng thời gian gần đây đã giảm đáng kể. Thi thoảng, chúng tôi mới thấy có những đoàn xe gắn máy chở gà xé lẻ, đi đường vòng, không còn cảnh xe ô tô chở gà với số lượng lớn như trước đây.

Gà lậu Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam - 1

Lực lượng Hải quan Quảng Ninh bắt giữ liên tiếp 4 vụ vận chuyển gà giống ngày 20.9.

Trái ngược với sự “ảm đạm” ở Lạng Sơn, tình hình buôn lậu gia cầm qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) thời điểm này đang “nóng”. Thời điểm các đầu nậu “tập kết” gà lậu từ bên kia biên giới sang nước ta thường diễn ra từ nửa đêm về sáng.

Theo chân lực lượng hải quan, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều vụ buôn lậu gà với số lượng lên tới hàng vạn con, chủ yếu là gà giống được cơ quan chức năng bắt giữ. Phần lớn số gà lậu này được bắt trên địa bàn TP.Hạ Long.

Chỉ trong rạng sáng 20.9, lực lượng Hải quan Quảng Ninh đã bắt được 4 xe ô tô chở gà lậu. Cụ thể, hồi 2 giờ sáng ngày 20.9, sau một thời gian mật phục, lực lượng hải quan đã bắt quả tang xe ô tô BKS 17K-5035 tại chân Đèo Bụt (TP.Hạ Long) do lái xe Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển, chở 15.000 con gà giống dưới 5 ngày từ TQ về nước ta, mà không có bất kỳ giấy tờ.

Ngay sau đó, lúc 2 giờ 30 cùng ngày, Đội kiểm soát số 2 của Hải quan Quảng Ninh lại bắt được một vụ chở 15.000 con gà giống tại khu vực Cầu Trắng (phường Hồng Hà, TP.Hạ Long) chở trên xe ô tô BKS 34C-01439. Tiếp đó, lực lượng hải quan còn phát hiện 2 xe ô tô chở gà lậu với số lượng lên đến 28.000 con từ TQ vào Việt Nam.

Ông Vương Trọng Dũng - Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan, thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Dân Tiến (TP. Móng Cái) cho biết: "Gà lậu Trung Quốc vào tới nội địa chỉ bán 80.000-100.000 đồng/con, rẻ bằng một nửa so với gà ta. Tương tự, giá gà giống nhập từ TQ về luôn luôn được duy trì ở mức thấp với mức chỉ 4.000 đồng/con”. Ông Đỗ Đức Hưu - Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 2 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Chỉ trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, lực lượng liên ngành tại đây đã bắt quả tang 11 vụ vận chuyển và tịch thu 1.300kg gà thịt, 69.000 con gà giống nhập lậu từ TQ vào nội địa”.

Phải làm chặt ngay tại biên giới

TS Nguyễn Đức Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chỉ sau một thời gian im ắng, tình trạng gà lậu TQ tràn vào nước ta lại tăng trở lại do lợi nhuận cao. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 10-15 tấn gà lậu đổ về chợ Hà Vĩ (Hà Nội)”. Theo TS Trọng, muốn kiểm soát được gà lậu phải làm chặt ngay tại biên giới, vì khi đã về đến thị trường rồi, gà lậu sẽ được hợp thức hóa, rất khó xử lý.

Do mức giá chênh lệch quá lớn giữa gà TQ và gà nội, nên các đầu nậu đã dùng nhiều biện pháp tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu, sau khi gà lậu được vận chuyển sâu vào nội địa, các đầu nậu thường không đưa gà đi tiêu thụ ngay mà chở về các "trại" ở ngay địa bàn hoặc trung chuyển qua các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Tại đây, gà lậu được để "hồ" khoảng 3-5 ngày cho gần giống gà ta, rồi mới chở đi tiêu thụ. Một lãnh đạo ngành hải quan cho biết, một khi các đầu nậu đã đưa được gà về các trang trại rồi thì không thể xử lý được bởi lúc đó gà TQ đã được hợp thức hóa thành gà ta.

“Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt được hàng trăm tấn gia cầm nhập lậu, chủ yếu là gà thịt và gà giống. Riêng 8 tỉnh là: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội đã xử lý 833 vụ, tịch thu hơn 209 tấn gia cầm thịt, gần 258.000 con gà giống”.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)

Ông Đỗ Đức Hưu nhận định: “Gần đây, tình hình buôn bán gà lậu rất phức tạp, các đối tượng không vận chuyển theo đường chính bằng ô tô nữa, mà chuyển sang xé lẻ thành từng lô nhỏ, rồi vận chuyển bằng xe máy vào sâu trong nội địa”.

Theo ông Hưu, trước khi xuất gà, chủ hàng thường bắt những người vận chuyển thuê đặt cọc, chỉ khi nào chuyến xe chở gà lậu thành công, người vận chuyển mới được nhận tiền thù lao và trả lại tiền cọc. Do đó, khi bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển chúng sẵn sàng chạy tốc độ rất cao, thậm chí lao thẳng xe vào các lực lượng chức năng để tẩu thoát.

“Nhiều lần phục bắt, khi chúng tôi tóm được một vài đối tượng thì chúng đã bỏ lại gà để chạy. Việc bắt được cả gà lẫn xe, cũng như chủ phương tiện rất khó thực hiện” - ông Hưu nhận định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN