Formosa xả thải: Biển Bắc Trung bộ an toàn đến đâu?

Kết quả phân tích chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Bắc trung bộ cho thấy, nước tầng mặt ở các bãi tắm đều nằm trong giới hạn cho phép về chất lượng. Tuy nhiên, sự cố môi trường vừa qua diễn ra ở tầng đáy nên môi trường biển miền trung có thực sự an toàn phải dựa vào các kết quả phân tích cá, nước, trầm tích tầng đáy đang được các nhà khoa học tiến hành.

Formosa xả thải: Biển Bắc Trung bộ an toàn đến đâu? - 1

Ngư dân xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Thạch Kim (Lộc Hà) bám biển, ra khơi. Ảnh: Minh Thùy.

Nước biển các bãi tắm an toàn

Sau sự cố cá chết, từ ngày 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Các mẫu nước được lấy ở 22 bãi tắm của bốn tỉnh, trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m.

Kết quả quan trắc từng ngày được công bố trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo công bố, từ 29/4 đến nay, chất lượng nước biển ven bờ tại các bãi tắm này an toàn, nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước (thuộc QCVN10/2015-BTNMT về chất lượng nước biển).

Mới nhất, kết quả phân tích ngày 26/6 cho thấy, các chỉ tiêu kim loại nặng như chì, kẽm, sắt, mangan, các thông số như độ pH, DO, amoni đều trong ngưỡng an toàn. Đáng chú ý là hàm lượng xyanua (một trong 2 độc tố gây lên sự cố cá chết) đo được ở các bãi tắm tỉnh Quảng Trị thấp hơn 5 lần mức cho phép. 

Hàm lượng phenol (độc tố còn lại gây ra sự cố cá chết) đo tại các bãi tắm của Huế thấp hơn 6 lần mức cho phép. Theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng nước biển tại các bãi biển này đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, dựa trên kết quả quan trắc môi trường biển, kết quả phân tích các mẫu cá biển đánh bắt được do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cũng như kết quả đo đạc, lấy mẫu nước biển, trầm tích đáy biển của một nhóm nghiên cứu độc lập được công bố trên mạng internet thì biển miền Trung an toàn. Người dân có thể vô tư tắm biển. Tuy nhiên, với những thông tin mà Chính phủ vừa công bố về nguyên nhân cá chết, tạm thời không nên ăn cá tầng đáy được đánh bắt ở cách bờ khoảng 10 hải lý trở vào.

Yên tâm ăn hải sản cách bờ 10 hải lý trở ra

Theo TS Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết, hải sản được đánh bắt ở vùng biển cách bờ khoảng 10 hải lý trở ra là an toàn.

Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành khảo sát tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nơi cách bờ gần 15 hải lý thì thấy không có hiện tượng chết bất thường của san hô, cá và các sinh vật sống trên rạn. Khu vực này vẫn có sự sinh sống của hầu hết các loài cá san hô kinh tế và điển hình như cá Mú, cá Mối, cá Sơn đá, cá Bướm, Bàng Chài.  

Có điểm khảo sát ở Cồn Cỏ, độ phủ san hô khá cao, khoảng 60%, mật độ cá cũng khá cao, có đàn cá suốt đông tới hàng trăm cá thể bơi trên tầng mặt của rạn. Điều này khác với hiện trạng đáy biển khu vực ven bờ được khảo sát ở bốn tỉnh Bắc trung bộ. Ở đây, rạn san hô bị chết, vắng bóng các loài cá san hô điển hình.

Formosa xả thải: Biển Bắc Trung bộ an toàn đến đâu? - 2

 Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nơi cách bờ gần 15 hải lý, san hô vẫn phát triển khỏe mạnh với nhiều loài cá sinh sống.

Bao giờ đáy biển được làm sạch?

Trong sự cố môi trường biển miền trung, một lượng lớn độc tố hóa học là xyanua, phenol đã kết hợp với phức sắt dạng keo tạo thành dòng độc tố di chuyển từ Hà Tĩnh vào Huế, làm chết hải sản tầng đáy và các rạn san hô bị phá hủy. Vậy các độc tố này lưu giữ ở biển bao lâu? Gây ra ô nhiễm biển đến bao giờ?

Theo TS Lợi, trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển. 

Với phương pháp này, sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển. Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Hiện nay dù chưa có con số tính toán cụ thể về phương án này.

Tuy nhiên để hút một tấn trầm tích sẽ mất tối thiểu 11 USD, cao nhất là 36 USD. Nếu hút trầm tích ở dải biển dài 209 km, sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, phenol được phân hủy khá nhanh và do vậy, khả năng gây nguy hiểm của nó cho môi trường biển trong thời gian dài không cao. Tuy nhiên, cho tới nay trên thế giới vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về sự lưu giữ và biến đổi của xyanua trong trầm tích đáy biển. Thông thường, xyanua trong trầm tích đáy biển sẽ bị phân hủy  bởi các quá trình phân hủy sinh học yếm khí và hiếu khí. Tuy vậy, hiện tại vẫn chưa biết được thời gian để phân hủy xyanua cho tới khi đạt ngưỡng an toàn. Vì vậy, nếu hàm lượng xyanua trong trầm tích đáy biển cao, có thể cần phải hút trầm tích đáy bị ô nhiễm để xử lý ở trên bờ.

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, biển có khả năng tự làm sạch. Độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian. Tuy nhiên đó là giả định sẽ không có thêm chất thải gì tiếp thải ra nước biển, còn nếu vẫn còn chất thải thải ra biển thì chất thải sẽ cộng hưởng thêm.

Theo TS Vũ Đức Lợi, về mặt lý thuyết, phenol có thể phân hủy 80% trong 3 tháng. Tuy nhiên, để có đánh giá cụ thể, chính xác phải dựa vào kết quả phân tích. Các nhà khoa học đang làm đánh giá khảo sát tại 13 mặt cắt từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Thừa Thiên – Huế, phân tích các dạng trầm tích và xác định hàm lượng phenol và xyanua còn lại. Dự tính, giữa tháng 7 sẽ có kết quả chính xác.

Theo TS Lợi, trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển.  Với phương pháp này, sẽ phải huy động các tàu hút xuống biển. Với dải biển dài 209 km, dự kiến hàng nghìn tấn trầm tích sẽ được hút lên. Sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn. Hiện nay dù chưa có con số tính toán cụ thể về phương án này. Tuy nhiên để hút một tấn trầm tích sẽ mất tối thiểu 11 USD, cao nhất là 36 USD. Nếu hút trầm tích ở dải biển dài 209 km, sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng.

PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, để đảm bảo biển an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân, cần tiếp tục giám sát một cách liên tục môi trường biển, xây dựng và vận hành một hệ thống các trạm quan trắc môi trường nước ven biển miền Trung và kịp thời thông báo cho người dân khi có những dấu hiệu bất thường về chất lượng nước biển. Ngoài ra, cần tiếp tục lấy mẫu trầm tích biển, đánh giá mức độ ô nhiễm tại các khu vực phát hiện có ô nhiễm và xử lý kịp thời.              

Vì sao Đà Nẵng không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường miền Trung

Theo các nhà khoa học, khi dòng độc tố chảy đến vịnh Lăng Cô. Thừa Thiên - Huế thì gặp chân đèo Hải Vân chắn lại, tạo thành một vòng xoáy lưu giữ độc tố ở khu vực Thừa Thiên - Huế. Vì thế, Đà Nẵng không bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường này. Một số ít cá chết được tìm thấy ở bờ biển Đà Nẵng là do dòng hải lưu đưa vào và khi đến Đà Nẵng đã ở trạng thái phân hủy mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN