Độ xe Trung Quốc để nâng tải, phá đường

Hàng loạt chủng loại xe ben tải Trung Quốc được doanh nghiệp, chủ xe cơi nới thành thùng, xi-téc để tăng thể tích thùng/bồn chứa, nâng tải khiến tình trạng quá tải phổ biến, gây áp lực hệ thống cầu đường, mất trật tự ATGT.

Cơi thùng, nới xi-téc

Trên tuyến QL14B (TP Đà Nẵng), hầu hết xe ben chở đất đá, vật liệu công trình mang nhãn hiệu Trung Quốc Dongfeng, Cửu Long, Howo... Anh Nguyễn Tấn Minh (35 tuổi, trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng), tài xế xe ben Dongfeng cho hay, loại xe này thùng to, máy khỏe, giá thành rẻ nên được các chủ doanh nghiệp khai thác đất đá, san lấp mặt bằng lựa chọn.

Với xe anh Minh chỉ cần chở đúng thùng xe kích thước 5,6x2,3x1,3 (m) có thể chở đến gần 40 tấn đất đá. Không ít nhà xe dùng tấm gỗ vây xung quanh thùng xe chừng 30-40cm, có thể dễ dàng nâng tải thêm 5-7 tấn, qua mặt cơ quan chức năng.

Độ xe Trung Quốc để nâng tải, phá đường - 1

Khảo sát của Thanh tra Bộ GTVT về tình trạng cơi nới, độ xe ben tải Trung Quốc để nâng tải. ẢNH: NGUYỄN HUY.

Một chủ doanh nghiệp vận tải chuyên sử dụng xe ben Dongfeng kể: thời gian qua, Đà Nẵng làm “gắt” cân quá tải khiến hầu hết xe ben Trung Quốc phải đứng hàng vì 100% xe này ra đường là vi phạm quá tải. Loại xe này tổng trọng tải tối đa chỉ 24-25 tấn, tuy nhiên với thiết kế kích thước thùng xe nếu chở đầy thùng sẽ vượt gấp đôi số tải trọng thiết kế.

Theo ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng: thời điểm từ 2009 đến nay, toàn địa bàn có hơn 1.000 loại xe ben tải Trung Quốc, hầu hết chở đất đá san lấp mặt bằng nên tình trạng quá tải rất phổ biến. Ngoài ra, có đến 50-60% xe xi-téc ô tô xuất xứ Trung Quốc chở nhiên liệu vượt quá trọng tải cho phép.

Khảo sát của Thanh tra Bộ GTVT công bố mới đây tại Đà Nẵng, cho thấy tình trạng xe ben tải Trung Quốc chở vật liệu xây dựng vừa đủ theo thể tích thùng xe cũng vượt tải. Nhiều chủ xe cố tình cơi xe cao thùng trung bình thêm 30cm để tăng thể tích thùng chứa. Điển hình xe Dongfeng L375, có thông số kỹ thuật xe về kích thước thùng 5,8x2,3x1,5 (m, thùng vuông), 3 trục đạt tổng trọng lượng 25 tấn.

Theo Thông tư 07/2009, tổng tải trọng cho phép của loại xe này chỉ tối đa 24 tấn. Tuy nhiên, ngay khi không cơi nới, xe Dongfeng L375 đã chở tới hơn 44 tấn. Nếu cơi thêm 30cm thành thùng, tổng trọng lượng chở lên gần 51 tấn.

Tương tự dòng xe Dongfeng L300 khi cơi thùng có thể chở gần 46 tấn, trong khi tổng trọng lượng thiết kế chỉ tối đa 25 tấn. Đáng kể, dòng xe tải Howo ZZ3317N3867C1 có thông số kỹ thuật trên 15 tấn tự trọng và tải trọng, với tổng trọng lượng đạt 30 tấn. Chưa cơi nới, xe này có thể đạt tới tổng trọng lượng chở gần 70 tấn và lên hơn 77 tấn khi chủ xe chỉ cần cơi thêm 30cm thành thùng.

Nát cầu đường

 Độ xe Trung Quốc để nâng tải, phá đường - 2

Nhan nhản dòng xe Dongfeng, Howo... xuất xứ Trung Quốc lưu thông quá tải. ẢNH: NGUYỄN HUY.  

Theo Chánh thanh tra Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện: những tháng đầu năm 2013, thanh tra GTVT tại 53 tỉnh thành phát hiện hơn 11.500 vụ vi phạm quá tải, buộc hạ tải gần 23.000 tấn, tước 4.427 GPLX. Triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành Bộ Công an-GTVT tại Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Yên Bái, tỉ lệ xe quá tải phổ biến 40-50% trong tổng số hơn 3.300 xe kiểm tra.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT lưu ý: cần làm rõ hai hành vi quá tải so với thiết kế và quá tải với tải trọng cầu đường. Kết cấu hạ tầng không đồng bộ, thiếu thống nhất tải trọng giữa cầu và đường trên một đoạn hành trình nên tác hại quá tải đến hạ tầng giao thông là rất lớn, ông Thạch Như Sỹ khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội nhận xét: Hàng loạt công trình cầu vượt, đường sắt trên cao triển khai tại Hà Nội với tần suất lớn xe ben tải, siêu trường, siêu trọng khiến đường sá nguy cơ hư hỏng cao.

Chuyên gia cầu đường cảnh báo: đặc thù giao thông nước ta, đường được thiết kế chịu được tải trọng chủ yếu 10 tấn/trục. Chỉ một số đường cao tốc đường đặc biệt có tải trọng đến 12 tấn/trục, với tuổi thọ 20 năm. Tuy nhiên, tình trạng quá tải lưu thông tràn lan hiện nay khiến đường hư hại, xuống cấp nhanh, tăng chi phí bảo trì đường bộ và gây áp lực đến nền kinh tế.

Nhiều lỗ hổng quản lý

Độ xe Trung Quốc để nâng tải, phá đường - 3

  Ông Hương lo ngại có đến 50-60% xe xi téc quá tải nếu chở đầy dung tích bồn.  

Ông Sỹ cho hay: một thời gian dài hàng rào kỹ thuật để hạn chế tổng trọng lượng của xe chưa đầy đủ, chặt chẽ... khiến loại xe này nhập tràn lan về trong nước. Đến tháng 7/2012, Bộ GTVT mới ban hành thông tư quy định kích thước thùng hàng, xi-téc làm cơ sở xử phạt quá tải.

Theo ông Hương, chiếu theo quy định loại xe Trung Quốc này không đúng kích cỡ để lưu hành nhưng hơn 1.000 xe ben tải Trung Quốc nhập về trước thời điểm Bộ GTVT ra thông tư và được cấp đăng kiểm. Luật không thể hồi tố nên những xe này vẫn hoạt động hợp pháp.

Việc xử phạt quá tải chỉ trông chờ cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát cân quá tải. Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Đồng Nai trần tình: thực tế nhiều trường hợp mâu thuẫn giữa tải trọng cho phép của xe (theo sổ kiểm định) với những quy định của pháp luật về quá tải khiến công tác xử lý lúng túng, thiếu đồng bộ.

Chế tài xử phạt hành vi quá tải dù đã nâng mức phạt lên nhưng vẫn nhẹ, chưa kể mới chỉ dừng ở người điều khiển phương tiện, cần phạt cả các đối tượng liên quan đến việc xếp dỡ, vận chuyển hàng quá tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Hiện Bộ GTVT giao đầu tư gần 70 trạm kiểm tra tải trọng xe.

Mỗi trạm khoảng 2,6 tỷ đồng nhưng mới chủ yếu đầu tư cân, xe ô tô, camera và các trang thiết bị khác. Vẫn còn bỏ trống bến bãi cân, hạ tải do khó khăn kinh phí. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cho hay: nhiều xe chở hàng đông lạnh, đặc thù, cần chế độ bảo quản tốt nhưng hạn chế thiếu bãi, thiết bị bảo quản nên việc xử lý khó khăn.

Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT, ông Thạch Như Sỹ kiến nghị: Các thông số nghiên cứu khoa học cho thấy, tuổi thọ của mặt đường có quan hệ tỷ lệ nghịch với tải trọng trục xe. Những xe có tải trọng trục vượt quá 50-100% so với tải trọng trục cho phép của cầu đường, tuổi thọ của công trình cầu đường tương ứng giảm xuống từ 2-9 lần. Các loại xe tải chỉ chiếm 30% tổng lượng vận tải nhưng lại gây ra trên 99% tổn hại của mặt đường và cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Huy (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN