Điều tra ông Thăng chỉ trong 12 ngày có đúng luật?

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

BLTTHS không quy định thời hạn điều tra tối thiểu để từ lúc khởi tố cho đến khi có kết luận điều tra là bao nhiêu ngày. Theo đó cứ điều tra xong là cơ quan điều tra có quyền chuyển hồ sơ qua VKS để đề nghị truy tố. 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm.  

Bản kết luận điều tra này do Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ký ban hành và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm. Bản kết luận điều tra đã được chuyển sang VKSND Tối cao.

Điều tra ông Thăng chỉ trong 12 ngày có đúng luật? - 1

Ông Đinh La Thăng

Theo đó, ông Thăng và sáu bị can khác bị đề nghị truy tố các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

Ngày 14-12, luật sư (LS) Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, thành viên Đoàn LS TP.HCM) cho biết ông đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận LS bào chữa cho ông Đinh La Thăng.

Như vậy là sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra gửi sang VKS để truy tố ông Thăng, khiến dư luận quan tâm và chú ý. Vấn đề pháp lý đặt ra là việc khởi tố trong thời hạn này là đúng hay sai, có vi phạm pháp luật hay không không?

Điều tra ông Thăng chỉ trong 12 ngày có đúng luật? - 2

Lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ liên quan tại nhà ông Đinh La Thăng (Hà Nội) vào tối 8-12. Ảnh: TUYẾN PHAN

Theo LS Bùi Quốc Tuấn (đoàn LS TP.HCM) Điều 119 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố ở tội thuộc nhóm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn điều tra theo luật tối đa là không quá bốn tháng. Tuy nhiên luật không quy định thời hạn điều tra tối thiểu là bao nhiêu ngày. Do đó việc sau 11 ngày khởi tố bắt tạm giam mà Cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra là không sai.

Có thể nhiều ý kiến cho rằng thời gian này diễn ra quá nhanh là điều bất thường, nhưng theo luật cơ quan điều tra không sai. Chưa kể hành vi có dấu hiệu phạm tội của ông Thăng có liên quan đến các bị can, bị cáo trong vụ án khác đã được truy tố và xét xử. Do đó việc cơ quan CSĐT Bộ Công an sớm kết thúc quá trình điều tra là bình thường.

Điều tra ông Thăng chỉ trong 12 ngày có đúng luật? - 3

Ông Đinh La Thăng

LS Trần Hải Đức (đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng thời hạn này là không vi phạm quy định trong tố tụng hình sự. "Việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao để truy tố ông Đinh la Thắng trong thời gian 12 ngày là một nỗ lực đáng ghi nhận, lập kỷ lục so với các án hình sự khác với mức độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng"- LS Đức, nói.

Cũng theo LS Đức BLTTHS 2003 có quy định thời hạn điều tra không quá 12 ngày (thủ tục rút gọn), nhưng chỉ áp dụng khi hội đủ các điều kiện theo điều 319 Bộ luật TTHS là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;  Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Ông Thăng được nhắc đến trong phiên xử đại án OceanBank

Ngày 14-9, tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank, LS  Nguyễn Minh Tâm khi bào chữa cho cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn đã đề đến vai trò, trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong việc PVN mất trắng 800 tỉ đồng tiền góp vốn vào NH này.

Cụ thể, LS Tâm cho rằng, trước khi Nguyễn Xuân Sơn về OceanBank, giữa Tập đoàn Dầu khí (PVN) do ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT làm đại diện và OceanBank do Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT làm đại diện đã ký Văn bản Thỏa thuận cam kết số 6934 ngày 18-9-2008.

Theo thỏa thuận này, PVN sẽ hỗ trợ cho OceanBank về tài chính, vốn đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc/ đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của Ngân hàng, các dịch vụ liên quan do OceanBank cung cấp.

Kế đó, ngày 13-5-2009, Hội đồng quản trị PVN có công văn yêu cầu triển khai hệ thống tài khoản mở tại OceanBank. Ngày 17-9-2010, ông Thăng tiếp tục ra Văn bản số 8436 gửi các đơn vị, kể cả các nhà thầu dầu khí yêu cầu phải thực hiện việc mở tài khoản tại Oceanbank; Thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại Oceanbank... Công văn này cũng yêu cầu “các đơn vị khẩn trương phối hợp với Oceanbank thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản và báo cáo kết quả thực hiện về Tập đoàn trước ngày 15-10-2010”.

Tại tòa, cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm khai, PVN và các công ty thành viên gửi vào OceanBank dao động từ 17.000 tỉ đồng đến 20.000 tỉ đồng, vượt 50% tổng lượng huy động thị trường của OceanBank.

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố tội cố ý làm trái

Chỉ sau 12 ngày khởi tố, cơ quan điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Thăng cùng đồng phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo SONG NGUYỄN- ĐỨC MINH (Pháp luật TP.HCM)
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN