Điều gì diễn ra nếu hạn chế khách du lịch đến vịnh Hạ Long?

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Các chuyên gia về du lịch nhận định nếu hạn chế khách du lịch đến Hạ Long sẽ đi ngược sự phát triển kinh tế nhưng không mang lại giải pháp triệt để về bảo vệ môi trường. 

Phương pháp chưa phù hợp?

Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel mới đây công bố danh sách “No list 2024” (các điểm nên dừng ghé thăm trên thế giới). Đáng chú ý, vịnh Hạ Long của Việt Nam bất ngờ xuất hiện trong danh sách này.

Danh sách kể trên được đưa ra bởi các tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch như quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Vịnh Hạ Long của Việt Nam được nhắc đến ở tiêu chí tạo rác thải.

Rác thải khiến vịnh Hạ Long rơi vào danh sách những điểm đến đáng báo động về môi trường (Ảnh: SCMP).

Rác thải khiến vịnh Hạ Long rơi vào danh sách những điểm đến đáng báo động về môi trường (Ảnh: SCMP).

Tạp chí du lịch nêu rõ việc hạn chế du lịch không nhằm "hạ bệ hay chê bai" mà thể hiện sự trân trọng và muốn bảo vệ các điểm đến nổi tiếng này. Để giải quyết vấn đề bảo vệ hệ sinh thái ở Hạ Long, một trong những phương pháp Fodor’s Travel chỉ ra là "cần phải giảm số lượng du khách dựa trên đánh giá khách quan về khả năng chuyên chở của các tàu".

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia nổi bật với các biện pháp hạn chế tác động từ vấn đề quá tải du lịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định hạn chế số lượng khách đến Hạ Long là phương pháp chưa phù hợp.

Ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc công ty lữ hành Vietfoot Travel, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội - cho biết: "Lượng khách về vịnh Hạ Long vẫn chưa phục hồi so với thời kỳ trước COVID-19. Khách từ Trung Quốc cũng đang cực kỳ ít. Nếu như với tình hình đang diễn ra hiện nay, hạn chế số lượng du khách chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh".

Hạn chế khách du lịch ở vịnh Hạ Long để bảo vệ môi trường là phương pháp chưa hợp lý (Ảnh: Pexels).

Hạn chế khách du lịch ở vịnh Hạ Long để bảo vệ môi trường là phương pháp chưa hợp lý (Ảnh: Pexels).

Đại diện một công ty lữ hành chuyên mảng du lịch trong nước nhận định lượng khách nước ngoài về Hạ Long trong năm nay đang giảm sút nặng nề. Tính đến nay, tỷ lệ giảm của số lượng đoàn khách nước ngoài đến Hạ Long của công ty này là 40% so với năm ngoái.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long thông tin, tính đến tháng 10 năm nay lượng khách không tăng hơn so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, 10 tháng qua di sản thiên nhiên thế giới này chỉ đón hơn 2,2 triệu lượt khách, tương ứng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 10 đến nay, tình trạng nhà hàng, khách sạn tại thành phố Bãi Cháy, thành phố Hạ Long vắng khách cũng thể hiện sự ảm đạm của du lịch Hạ Long hiện nay.

Cần siết chặt chất lượng tàu chở khách

Theo các chuyên gia, thay vì hạn chế khách du lịch, Ban quản lý vịnh Hạ Long cần có kế hoạch phát triển du lịch bền vững để giải quyết triệt để vấn đề môi trường.

Nên xem xét vấn đề tăng cường tàu đóng mới chất lượng cao ở vịnh Hạ Long (Ảnh: Pexels).

Nên xem xét vấn đề tăng cường tàu đóng mới chất lượng cao ở vịnh Hạ Long (Ảnh: Pexels).

Nhiều chuyên gia đồng ý về việc toàn bộ tàu chở khách quá cũ, không còn đảm bảo chất lượng kỹ thuật, động cơ quá ồn, thải nhiều khói và rò rỉ dầu cần phải tu sửa hoặc loại bỏ, di chuyển hẳn ra khỏi vùng vịnh. Những tàu không đảm bảo an toàn lưu trú cho du khách thì chỉ nên di chuyển trong ngày. Tất cả tàu chở khách phải đáp ứng tiêu chí về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của Bộ Giao thông vận tải.

Chuyên gia du lịch Phạm Duy Nghĩa cho rằng: "Chính sách hạn chế đóng tàu chở khách mới ở Quảng Ninh đang gây ra những bất cập vì không có phương tiện chất lượng tốt để thay thế tàu cũ. Trong khi đó, ở vịnh Lan Hạ, Hải Phòng, hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích đóng tàu mới với các doanh nghiệp đầu tư để nâng cao trải nghiệm du khách. Quan trọng hơn cả, chất lượng tàu tốt sẽ giảm phát thải ra môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái vịnh Hạ Long".

Các đơn vị lữ hành mong muốn sẽ có nhiều tàu đóng mới ở vịnh Hạ Long hơn nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch. Dù tăng giá lưu trú trên tàu nhưng cung cấp trải nghiệm xứng đáng thì vẫn có thể làm hài lòng nhiều du khách.

Một yếu tố khác khiến môi trường tại vịnh Hạ Long bị tác động nặng nề là cảng biển nước sâu vẫn hoạt động xung quanh khu du lịch. Điều này sẽ gây ảnh hưởng bởi vệt dầu loang của tàu cỡ lớn, bụi bặm từ quá trình vận chuyển khi phần lớn lượng hàng ở Quảng Ninh là xi măng và than.

Một cảng biển tại Cẩm Phả, Quảng Ninh nằm ngay bên cạnh bãi tắm Lương Ngọc (Ảnh: Trần Đình).

Một cảng biển tại Cẩm Phả, Quảng Ninh nằm ngay bên cạnh bãi tắm Lương Ngọc (Ảnh: Trần Đình).

Để đảm bảo cảnh quan của vùng vịnh, cần phải có biện pháp giới hạn khu vực di chuyển của các tàu đánh cá nhỏ lẻ của hộ dân. Hiện loại tàu này vẫn có thể chạy thẳng vào trung tâm thành phố. Điển hình, khu vực chợ Hạ Long hàng ngày xảy ra tình trạng tập trung nhiều tàu nhỏ để cung cấp hải sản đánh bắt, gây ra mùi tanh và nhiều thùng xốp tràn lan trên mặt vịnh. Do đó, các bến tàu cá hiện tại cần phải giảm bớt, tập trung ở một địa điểm nhất định.

Trên thực tế, chất lượng nước biển tại các bãi tắm ở Quảng Ninh như bãi biển Hòn Gai, Bãi Cháy, Lương Ngọc đang khiến người dân lo lắng. Việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, xây dựng các bãi tắm nhân tạo đang lộ ra hiện tượng bất thường.

Nếu dạo chơi ở các bãi tắm, du khách dễ dàng nhận thấy những mảng cát đen. Khi trẻ con chơi trò đào cát, chỉ cần xới với chiều sâu khoảng một đốt ngón tay, đã xuất hiện bùn màu đen, bốc mùi khó chịu. Đặc biệt, khi thủy triều rút, lượng đất đá thải mỏ trôi ra biển có nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng nước. Vì vậy, cần thiết phải thành lập một hội đồng khoa học, đánh giá tác động môi trường của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp lấn biển.

Lộ diện nhiều mảng cát đen tại các bãi biển ở Quảng Ninh (Ảnh: Trần Đình).

Lộ diện nhiều mảng cát đen tại các bãi biển ở Quảng Ninh (Ảnh: Trần Đình).

Tỉnh Quảng Ninh đã có một số biện pháp để bảo vệ hệ sinh thái ở vịnh Hạ Long. Hiện tại, một số khu vực cấp than đã được di chuyển về khu vực cảng Cửa Ông, Cẩm Phả. Đồng thời, nhiều tàu viễn dương chở hàng cỡ lớn khi về Quảng Ninh sẽ không cập cảng mà neo ở ngoài xa, tránh gây ảnh hưởng tới vùng vịnh.

Trong thời gian tới, các chuyên gia về du lịch, đại diện công ty lữ hành đề xuất tỉnh Quảng Ninh cần đẩy mạnh truyền thông về bảo vệ môi trường tới các địa điểm kinh doanh dịch vụ và du khách. Những nhà hàng, khách sạn hiện nay nên hạn chế rác thải nhựa tới mức tối đa. Đồng thời, chính quyền địa phương phải có chế tài xử phạt hành vi xả rác thải bừa bãi. Thậm chí, nên có chính sách khuyến khích tố giác về hành vi phá hoại môi trường. Trong đó, cá nhân, tổ chức tham gia tố giác sẽ được thưởng kín.

Nguồn: [Link nguồn]

Vịnh Hạ Long đang ở 'cảnh báo đỏ'

Là di sản thiên nhiên thế giới nhưng vài năm trở lại đây, vịnh Hạ Long liên tiếp phải gánh chịu những tác động “thô bạo” từ con người khiến môi trường, cảnh quan bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Đình ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN