Dịch COVID-19 tối 14/5: Nhiều nghị sĩ Mỹ bị Trung Quốc lên danh sách trừng phạt

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trung Quốc đang lên danh sách để trừng phạt một số nghị sĩ Mỹ vì họ yêu cầu bồi thường và điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19 tại quốc gia này.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Hoàn Cầu dẫn nguồn tin cậy cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị trừng phạt một số tổ chức, cá nhân và quan chức Mỹ, điển hình là Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt – người đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án liên bang đòi bồi thường về thiệt hại do COVID-19 gây ra.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc, ít nhất 4 nghị sĩ Mỹ và 2 tổ chức khác cũng sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt.

“Trung Quốc có thể áp đặt trừng phạt về thương mại đối với một số bang nơi nghị sĩ của họ có liên quan đến việc kiện tụng Trung Quốc. Những quan chức đó cần chịu trách nhiệm về những gì họ nói”, ông Yuan Zheng chuyên gia phân tích chính trị tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết.

+ Tính đến 20h tối 14/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm COVID-19, tức đã qua 28,5 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Cùng ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương công bố thêm 8 bệnh nhân (BN) khỏi bệnh gồm: BN50, BN134, BN141, BN185, BN193, BN196, BN244, BN263. Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi bệnh cho 260 bệnh nhân.

+ Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 28 bệnh nhân còn lại đang điều trị, 5 ca âm tính lần 1, 9 ca âm tính lần 2 trở lên và 14 ca vẫn dương tính.

+ Bệnh nhân 91: Phi công người Anh được hội chẩn liên viện ngày 12/5 đã chỉ định ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người  khởi động tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép.

+ TS Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/5 phát biểu, virus SARS-Cov-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất và sẽ gia nhập lực lượng virus giết người khắp thế giới hằng năm, giống như virus HIV chưa bao giờ biến mất.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm của WHO, TS Maria Van Kerkhove cho rằng, tương lai không u ám đến thế vì chúng ta đang nắm được quỹ đạo của đại dịch COVID-19. 

+ Trong 11 ngày liên tiếp, Nga mỗi ngày ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới. Như vậy, Nga hiện giờ có nhiều ca mắc thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 14/5, Mỹ có tổng cộng 1,39 triệu bệnh nhân COVID-19, Nga có gần 242.300 ca mắc.

Một mô hình tính toán của Mỹ cho thấy, tính đến tháng 8, sẽ có tổng cộng 147.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19, CNN đưa tin ngày 13/5 (giờ Mỹ). Con số tử vong ở Mỹ hiện ở mức 84.059.

+ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 3 lần xét nghiệm khác nhau. Kết quả xét nghiệm mới nhất được công bố chiều 13/5.

+ Thổ Nhĩ Kỳ cho phép trẻ em dưới 14 tuổi được ra khỏi nhà, ra phố lần đầu tiên kể từ khi chính phủ thông báo lệnh phong tỏa áp dụng với đối tượng này hồi đầu tháng 4. Trẻ em được ra ngoài nhà trong 4 giờ, từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều (giờ địa phương).

+ Thủ tướng Bỉ vừa thông báo, một số trường tiểu học và trung học và các bảo tàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày 18/5. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển thông báo gia hạn khuyến cáo không thực hiện các chuyến đi không thực sự cần thiết tới bất kỳ nước nào.

+ Tờ Daily Mail hôm 13/5 đưa tin, có tới 100 trẻ em Anh phải nhập viện vì chứng bệnh bí ẩn được cho là có liên quan tới dịch COVID-19. Chứng bệnh lạ ở trẻ em được ví như bệnh Kawasaki - một chứng rối loạn hiếm gặp gây phát ban, miệng và mắt nổi mẩn đỏ.

Các nhà khoa học cho rằng, chứng bệnh lạ là hệ quả của việc hệ thống miễn dịch dừng hoạt động sau khi nó phải "làm việc hết công suất" để chống lại virus SARS-CoV-2.

Một số bệnh nhân trẻ có kết quả âm tính với COVID-19 khi được lấy mẫu xét nghiệm dịch họng. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đều có kết quả dương tính với COVID-19 khi làm xét nghiệm kháng thể, đồng nghĩa họ từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

+ Để giảm tổn thương kinh tế khi dịch COVID-19 chưa bị chặn đứng hoàn toàn, nhiều thành phố khác trên khắp châu Âu cũng đang khuyến khích người dân đi xe đạp. Chẳng hạn, Milan (Italia) đã tổ chức thiết kế các làn đường xe đạp mới dài 35km, trong khi đó, Brussels (Bỉ) muốn xây dựng các làn đường xe đạp dài 40km. Berlin (Đức) bổ sung thêm làn đường dành cho xe đạp trên một số tuyến đường lớn để người dân có thể đi đến bất cứ vị trí nào mong muốn…

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam có 259 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Ngày 14/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều nay, sẽ có 7 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN