"Đi xe đạp, Hà Nội càng ùn tắc"
Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho biết cách đây mấy chục năm, khi chưa có xe máy, Hà Nội đã tắc đường vì xe đạp.
Ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) tỏ ra không đồng tình với đề xuất mới đây của Sở Công Thương Hà Nội về “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường". Theo ông Liên, xe đạp còn dễ gây tắc đường hơn xe máy rất nhiều.
Xe máy đi nhanh còn tắc, huống hồ xe đạp!
Ông Liên cho biết, trong đề án phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2010 - 2015) của TP. Hà Nội, sản xuất công nghiệp chủ yếu là lắp ráp quạt điện, tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe máy... Hiện nay, trên khắp địa bàn Hà Nội có khoảng 30 nhà máy, xí nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. Bởi vậy, theo ông Liên, đề xuất này có thể là một giải pháp nhằm kích cầu đối với ngành công nghiệp sản xuất xe đạp tại Hà Nội.
Nhưng ông Liên phân tích: phương tiện giao thông cá nhân phát triển theo quá trình lịch sử xã hội loài người, phù hợp với sự phát triển kinh tế. Xã hội tiến từ xe ngựa, rồi xe đạp, xe tay, xích lô, sau đó là xe máy, ô tô, máy bay... “Không ai muốn đi ngược lại quy luật phát triển” – ông Liên nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu dẫn chứng: Từ giữa những năm 1970, có tờ báo nước ngoài đã gọi Hà Nội là Thủ đô của xe đạp. Mật độ xe đạp ở Hà Nội lúc đó lớn nhất thế giới. Những năm đó, giờ tan tầm đã xảy ra tắc đường do xe đạp.
"Chính tôi đã không ít lần phải vác xe đạp lên vai để đối phó với cảnh tắc đường trên đường Chùa Bộc, Khâm Thiên" - ông Liên kể.
Từ đó, ông Liên cho rằng, chính xe đạp mới là phương tiện dẫn đến tắc đường. Nó còn dễ gây tắc đường hơn xe máy rất nhiều. Xe đạp chiếm ít diện tích lòng đường nhưng lại đi rất chậm, tốc độ chỉ khoảng 12km - 18km/h. Điều này dẫn đến mật độ xe đạp lưu thông trên đường vào giờ tan tầm rất cao.
"Ngày nay, xe máy lưu thông rất nhanh mà còn tắc. Huống hồ xe đạp!" - ông Liên nói.
Theo ông Liên, đường sá tại Hà Nội hiện nay không thể phân làn dành riêng cho xe đạp. Phương tiện giao thông lẫn lộn, xe đạp ngênh ngang trên đường rất nguy hiểm. Đặc biệt, thói quen, tâm lý của người dân chắc hẳn đều muốn đi xe máy để tiết kiệm thời gian.
Nên tùy đối tượng, hoàn cảnh
“Trước đây, trên thị trường là xe đạp Trung Quốc, bây giờ lại là Đài Loan với mẫu mã rất đẹp. Đặc biệt là xe trẻ em. Xe đạp trong nước không cạnh tranh được. TP. Hà Nội nên chọn lựa và tài trợ cho một số doanh nghiệp xe đạp có năng lực, uy tín, hỗ trợ họ nghiên cứu sản xuất những loại xe đạp mẫu mã chất lượng tốt hơn để cạnh tranh với xe Đài Loan. Đặc biệt, các doanh nghiệp này nên sản xuất xe đạp điện. Công nghệ sản xuất loại xe này không quá phức tạp. Đây là loại xe nhỏ, nhẹ, không ô nhiễm, giá thành vừa phải, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của người dân hiện nay.” Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội |
Ông Liên cho rằng, không thể phủ nhận một số lợi ích của xe đạp như không tốn nhiên liệu, tránh ô nhiễm môi trường, là một hình thức tăng cường sự vận động cơ bắp, nâng cao sức khỏe con người. Hơn nữa, giá thành xe đạp thấp, phù hợp với túi tiền nhiều người. Nhưng chỉ nên khuyến khích một số đối tượng việc sử dụng xe đạp, đặc biệt là học sinh vì đối tượng này chưa đủ điều kiện đi xe máy. Giờ học sinh tới trường, tan học cũng không trùng với giờ tan tầm công sở. Người dân sống khu vực ngoại thành, đi đường xóm, làng cũng nên sử dụng xe đạp để tiết kiệm nhiên liệu.
"Chúng ta vẫn khuyến khích người dân sử dụng xe đạp. Tuy nhiên không phải là để đi làm, xuống đường vào giờ cao điểm. Chỉ nên đạp xe dạo chơi vào những lúc đường thưa người" - ông Liên chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, đi xe đạp chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề tắc đường. Tuy nhiên, đi xe đạp sẽ làm tăng mức độ an toàn giao thông. Khuyến khích người dân đi xe đạp sẽ góp phần làm môi trường đô thị xanh sạch. Đây là việc mà nhiều nước trên thế giới đang làm.
"Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của Sở Công Thương." – ông Tân nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng của xe đạp không bằng xe máy nhưng lại gấp 2,5 lần ô tô, không thua gì xe buýt. Nguy cơ tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường lại thấp hơn xe máy.
Mặt khác, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý và Quy hoạch GTVT cho rằng, 40% số chuyến đi trong nội thành Hà Nội là dưới 2km, vì vậy, khuyến khích đi xe đạp trong thành phố là việc rất đúng đắn. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào từng chuyến đi, hoàn cảnh của từng cá nhân để lựa chọn phương thức di chuyển phù hợp.
Lý giải vì sao đề xuất này không phải của Sở GTVT mà lại là Sở Công thương, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vấn đề giao thông đôi khi còn liên quan đến đường lối phát triển kinh tế xã hội, môi trường, tài nguyên. Một doanh nghiệp hay sở, ban, ngành, thậm chí một cá nhân đều có quyền đề xuất. Đề xuất có được chấp thuận hay không lại là việc của cơ quan có thẩm quyền. Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, giao thông vận tải là vấn đề của toàn xã hội. Do vậy, chưa xét đúng sai, những đề xuất của Sở Công Thương cần hết sức khuyến khích. Các sở, ngành nên tham gia cùng Sở GTVT trong nỗ lực giảm ùn tắc giao thông. Cũng theo ông Hùng, Sở Công Thương tiếp cận vấn đề này từ góc độ lĩnh vực công nghiệp, xe đạp là một sản phẩm công nghiệp. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng đây là loại phương tiện tiêu thụ ít nhiên liệu hơn ô tô, xe máy và xả thải thấp hơn. "Tôi tin rằng khi Sở Công Thương đề xuất, UBND TP. Hà Nội sẽ giao cho Sở GTVT xem xét, thẩm định. Sau đó Sở GTVT sẽ có ý kiến để Thành phố trả lời cho Sở Công Thương." - Ông Hùng nói. |