Dị nhân miền Tây và những biệt tài 'siêu độc'

Các dị nhân ở miền Tây hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng khiến người bình thường ngỡ ngàng trước tài năng của họ.

“Dị nhân lưỡi đen” Chau Ponl và những cây ngải chữa nọc rắn gia truyền

“Dị nhân lưỡi đen” Chau Ponl và những cây ngải chữa nọc rắn gia truyền

Chiếc lưỡi hút nọc rắn thần kỳ

Nằm sâu trong sóc Cây Khoa thuộc ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là nhà của ông Chau Ponl (60 tuổi) - người nức tiếng chữa nọc rắn độc với chiếc lưỡi đen kì lạ.

Lâu lắm rồi vùng đất Bảy Núi đã nổi tiếng là nơi sinh sống của nhiều loài rắn cực độc. Cứ vào mùa mưa lại có rất nhiều người bị rắn cắn và tử vong. Thế nên, cách đây hơn 20 năm nay, bà con trong vùng hễ bị rắn cắn là tìm đến cha của Ponl để nhờ dùng “chiếc lưỡi thần kì” hút nọc rắn.

Ông Ponl là truyền nhân đời thứ 3 sở hữu “chiếc lưỡi đen thần kì”. “Từ nhỏ tôi đã thấy 2 bên mép lưỡi của mình có 2 vệt màu đen nhưng cứ nghĩ là do ăn trái ô môi súc miệng chưa sạch nên ra suối cọ rửa. Tuy nhiên, càng rửa màu đen trên lưỡi càng đậm lên. Hoảng sợ tôi về hỏi cha tôi. Ông xem xong, mừng rỡ nói, dòng tộc ta đã có hậu duệ và ông sẽ truyền nghề chữa bệnh cứu người lại cho tôi” - ông Ponl kể.

Chính vì sự kì lạ này nên người dân trong vùng hay gọi gia đình ông Ponl là “gia tộc lưỡi đen”. Nhưng không phải ai trong nhà cũng có “chiếc lưỡi thần kì” này. Chỉ có người con trai cả mới sở hữu nó. Đến đời thứ 4, chiếc lưỡi đen lại xuất hiện ở đứa con gái đầu lòng của ông Ponl là chị Nèang Hươn (41 tuổi). Hiện tại, chị đã qua đời do ung thư phổi.

Ông Ponl chia sẻ: “Không phải cứ kê miệng vào hút, mà phải nhận biết người bệnh bị loại rắn nào cắn. Ví dụ như người bị rắn hổ cắn thường bị lạnh, còn nếu rắn lục cắn vết thương sẽ nổi bầm. Bí quyết ở đây là cách đặt lưỡi lên vị trí từng loại vết cắn và cách hút độc cũng tương ứng với từng loại rắn khác nhau. Nếu biết cách đặt lưỡi, khi hút nọc độc sẽ gom về lưỡi của mình và nhổ ra ngoài dễ dàng. Cứ như vậy, hút đến khi nào không còn cảm nhận chất nhớt của độc thì chuyển sang đắp thuốc”.

Ngoài biệt tài của chiếc lưỡi đặc biệt, ông Ponl còn sưu tầm được nhiều loại ngải chữa bệnh như: Ngải cóc trị bá độc; ngải rằng trị độc rắn hổ mây; ngải mọc trị rắn chàm vạp…Với biệt tài đặc biệt, cộng với các bài thuốc gia truyền, suốt 30 năm qua, ông Ponl đã chữa trị cho hàng trăm trường hợp bị rắn độc cắn.

Một trong những người được “dị nhân lưỡi đen” cứu từ cõi chết, anh Chau Kol kể: “Lúc đó, khoảng 8 giờ sáng, tôi đang cắt cỏ cho bò ăn thì bị rắn chàm quạp cắn vào cổ chân. Biết loài rắn này rất độc nên tôi giữ bình tĩnh, rút khăn rằn trên đầu cột chặt bắp chân để ngăn nọc. Thế nhưng, phút chốc bàn chân tím tái, rồi tôi bất tỉnh luôn. Người ta đưa tôi đến nhà ông Ponl. Sau khi lè lưỡi hút nọc độc xong, ông cho uống nước của cây ngải móc, tôi thấy tỉnh hẳn và khỏe tới bây giờ”.

Nghe “mùi” sóng gió biết bão giông

Mặc dù bị khiếm thị từ nhỏ nhưng ông Vương Hoài Ân (54 tuổi, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) trời phú cho biệt tài được mệnh danh là “Ngư phủ đại tài trên biển Tây Nam”.

Hỏi ông Ân ai cũng biết. Đang ngồi đập vỏ hàu với con gái trước nhà, người đàn ông thân hình nhỏ nhắn, nước da rám nắng, đôi mắt nhắm nghiền nhưng thao tác “không trượt phát nào”, chẳng mấy chốc đủ số hàu để giao cho khách.

Nghỉ tay uống nước, ông Ân tâm sự: “Hồi trước tôi sống ở hòn Móng Tay. Giữa đảo đá chông chênh này mình phải tự mò mẫm làm mọi thứ từ đốn cây, cất nhà, rồi đi biển…Quanh năm suốt tháng, cứ quần quật sống bám biển dần cũng quen”.

Từ nhỏ ông Ân đã tập cho mình làm quen với mọi thứ dù chẳng dễ dàng gì. Trời lấy đi đôi mắt sáng nhưng lại bù cho ông đôi tai và chiếc mũi siêu nhạy, có thể dự đoán được thời tiết. Khi nào biển động, lúc nào cá di cư ông đều biết.

“Sống ở đây lâu tôi cũng quen khí hậu vùng này. Mình không sáng mắt được như người ta thì mình cảm nhận bằng tai, bằng mũi. Ví dụ khi nào gió bấc, gió nam, gió chướng hoặc mưa tôi chỉ cần ngửi mùi là biết. Còn muốn biết được khi nào có bão, gió cấp mấy, khi nào biển động tôi nghĩ ra việc treo cái lục lạc trên ngọn cây trâm. Nếu gió từ cấp 4 trở lên sẽ phát ra tiếng kêu “ron ron”, tiếng kêu đều đều là cấp 5, cấp 6 “rôn rôn”. Khi biển động mạnh sẽ có tiếng nổ “rắc rắc”, còn tiếng như xé vải là sắp có bão” - ông Ân chia sẻ.

Không ngại vất vả, ông Ân đảm nhận tất cả công việc dù khó khăn nhất. Từ kéo lưới, kéo cào, câu cá mập… Ông kể: “Khó khăn là nghề kéo cào. Có khi nửa đêm cào phải sình, tàu chạy không được tôi phải lặn xuống biển để trút sình ra khỏi lưới. Hoặc lúc cá mập hay cá mú nặng gần trăm kí dính câu kéo không lên, tôi cũng phải nhảy xuống mò đến tận hang để bắt nó”.

Kinh qua nhiều “trận địa” như thế nên chỗ nào nguy hiểm, nơi nào có nhiều cá ông Ân đều thuộc lòng. Chỉ cần dùng tay sờ là ông có thể biết được ở đó có loại hải sản gì sinh sống.

Sờ mông... biết bò bao nhiêu ký

Ông Ân, ông Trần Văn Khổng (58 tuổi, ngụ thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khiến nhiều người thán phục bởi tài dùng tay đánh trọng lượng bò chính xác đến từng kilogam.

“Vua bói bò Khổng mù” sờ bằng tay và đoán trọng lượng con vật

“Vua bói bò Khổng mù” sờ bằng tay và đoán trọng lượng con vật

Được mệnh danh là “vua bói bò” nổi tiếng ở “sàn giao dịch” bò Tà Ngáo, bởi ông Khổng chỉ cần sờ vào vùng mông và sống lưng con bò là có thể đánh giá được con vật này nặng bao nhiêu kilogam.

Ông Khổng kể: “Năm tôi 10 tuổi đi đào đất trúng phải mìn rồi bị mù tới bây giờ. Hồi đó nghèo lắm, dân ở đây chỉ biết cắt cỏ, chăn bò thôi. Rồi tôi về Ô Tà Bang gần biên giới có chợ bò nổi tiếng nghe người ta nói nghề lái bò kiếm cũng bộn tiền nên tôi xin theo mấy bậc tiền bối học và tới nay cũng ngót nghét 35 năm”.

Là người có tiếng trong việc “xem mặt” bò, những ai mới bắt đầu nuôi bò hoặc mua làm thịt đều nhờ ông Khổng xem giúp. Đối với những người sáng mắt, họ sẽ đánh giá trọng lượng bò sau khi nhìn, riêng “Vua bói bò Khổng mù” lại đoán trọng lượng bò bằng cách sờ.

Ông Khổng bật mí, bí quyết để ông đánh giá chuẩn xác trọng lượng con bò ít có sự xê dịch là sờ vào phần mông, đùi và phần sống lưng có 2 vây thịt chạy dài để biết độ săn chắc của con vật. Nếu chân bò ngắn, mông nở, xương nhỏ là bò nhiều thịt và nặng kí. Dựa vào các yếu tố đó, cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề ông Khổng sẽ đánh giá được cân nặng chính xác như đem bò đi cân.

Hàng chục năm qua thương lái đến chợ bò Tà Ngáo đều tìm đến ông Khổng. Mỗi con bò giao dịch xong, cả bên mua và bên bán đều trả công cho “Vua bói bò” từ 200 – 300 ngàn đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện lạ Quảng Nam: Dị nhân có hàng trăm cây bonsai mọc ngược được xác nhận kỷ lục Việt Nam

Đây vốn là chuyện lạ tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây về dị nhân Lê Thạnh, trú tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Hà ([Tên nguồn])
Những dị nhân kì quái Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN