Đi học thạc sĩ vì... không xin được việc

Nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân thú nhận, ra trường không xin được việc làm nên họ đã nộp hồ sơ đi học thạc sĩ để nâng cao bằng cấp, dễ dàng xin việc hơn trong tương lai.

Học thạc sĩ theo “phong trào”

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Tâm lý với tấm bằng xuất sắc, Nguyễn Thị T., sinh năm 1988, quê ở Bắc Giang mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều trường đại học ở Hà Nội nhưng không được nhận. Nghe lời khuyên của bạn bè, T. đã đi học thạc sĩ để nâng cao bằng cấp và chờ cơ hội xin việc.

“Năm 2011, sau khi ra trường có tấm bằng cử nhân, tôi đã nộp hồ sơ thi công chức ở trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào trường đông, trong khi đó chỉ tiêu của trường lấy có 1 người nên tôi đã không trúng tuyển”, T. kể.

Sau khi trượt công chức ở trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, T. đi làm thêm ở quán tạp hóa để chờ cơ hội thi vào công chức ở một số cơ quan khác. Năm 2012, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội có chỉ tiêu tuyển công chức, T. đã nộp hồ sơ thi nhưng cơ hội cũng đã không đến với T. vì chỉ tiêu của trường cũng chỉ lấy có 1 giáo viên.

“Sau khi rong ruổi mang hồ sơ đến một số trường, nhưng không nơi nào chịu nhận, tôi và bạn cùng lớp đại học đã rủ nhau nộp hồ sơ thi lên cao học. Phần vì tôi muốn nâng cao thêm bằng cấp, phần vì chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành”, T. chia sẻ.

T. cho biết, theo đúng lịch trình thì khoảng tháng 9/2014, chị sẽ tốt nghiệp khóa học thạc sĩ. Hiện tại, trong lớp học của chị có 40 người thì cũng có hơn chục người là sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

“Nói thực là khi học thạc sĩ thì mình cũng chưa có chỗ nào để xin việc. Mình chỉ nghĩ là có bằng cấp cao hơn thì xin việc sẽ dễ dàng hơn nên nộp hồ sơ học thôi”, T. nói.

Năm 2012, cũng cầm tấm bằng cử nhân loại tốt nghiệp loại khá, Phạm Thị K., SN 1989, quê ở Bắc Ninh háo hức đi xin việc làm ở địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi hơn 2 tháng, chị K. nhận được câu trả lời là từ các trường là đã đủ chỉ tiêu.

Trong lúc chưa biết xin việc ở đâu thì chị K. được bạn bè rủ đi học thạc sĩ ở trường Đại học Sư phạm 1. “Lúc đầu mình cũng nghĩ đi học thạc sĩ, khi ra trường xin vào cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng hơn. Nhưng sau thời gian học được hơn 1 năm mình mới thấy, đi học thạc sĩ phần lớn là những người đã đi làm ở cơ quan nhà nước, có việc làm ổn định rồi. Họ đi học lấy bằng để tạo đà phấn đấu trong công việc sau này. Còn bản thân mình đi học thì chưa có định hướng gì cả. Thất nghiệp thì đi học thạc sĩ để hy vọng vào tương lai thôi”, K. chia sẻ.

Theo K., trong lớp cao học của K. hiện tại cũng khá nhiều bạn trẻ mới ra trường chưa xin được việc nên đi học thạc sĩ. Phần lớn trong số này đều chưa có định hướng cho tương lai, thậm chí nhiều bạn học xong còn không biết sẽ xin việc làm ở đâu.

Đi học thạc sĩ vì... không xin được việc - 1

Thất nghiệp, nhiều cử nhân đi học thạc sĩ để dễ xin việc (Ảnh minh họa. Báo Tiền Phong)

Bằng cấp không bù đắp được kinh nghiệm

Tốt nghiệp Đại học Văn Lang, ngành Quản trị kinh doanh với tấm bằng giỏi, Cao Thanh Th., ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh nộp đơn xin việc đến hàng loạt công ty. Thế nhưng, mọi cố gắng của Th. vẫn không được đền đáp vì công ty nào cũng yêu cầu kinh nghiệm.

Hy vọng duy nhất của Th. là được các công ty đa quốc gia tuyển chọn vì các công ty này thường có chính sách riêng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp, và không chú trọng đến kinh nghiệm của ứng viên mới ra trường. Qua được vòng đầu tiên, nhưng đến vòng thứ hai Th. bị rớt vì khả năng tiếng Anh quá yếu. Cứ lông bông nộp đơn xin việc hàng tháng trời, cô bạn quyết định đăng ký thi cao học để nâng cao trình độ.

Th. cho biết: “Lúc đó, tôi thật sự sốc vì liên tục bị các doanh nghiệp từ chối do thiếu kinh nghiệm làm việc. Thấy một số bạn đăng ký thi cao học nên tôi cũng quyết định thi cùng. Tôi nghĩ khi tốt nghiệp, với tấm bằng thạc sĩ cộng với khả năng tiếng Anh được rèn luyện thêm trong thời gian học cao học, mình sẽ dễ dàng tìm được công việc ưng ý”.

Tuy nhiên, mọi việc không như Th. mong muốn. Tốt nghiệp thạc sĩ đạt loại giỏi, nhưng một lần nữa cô lại rơi vào “vực sâu” thất nghiệp. Th. buồn bã kể: “Cứ nghĩ học thạc sĩ thì sẽ tìm được việc làm. Nhưng nào ngờ khi đi xin việc, lại bị một số công ty từ chối với lý do thiếu kinh nghiệm. Có một, hai công ty chấp nhận cho tôi thử việc nhưng họ bảo rằng, công ty không đủ khả năng tài chính để chi trả mức lương theo học vị thạc sĩ mà chỉ trả lương như một cử nhân mới ra trường. Nếu tôi chấp nhận thì làm, còn không có thể tìm đến một công ty khác”.

Câu chuyện của Nguyễn Văn T., ở huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước khiến nhiều người phải suy nghĩ, dù có bằng thạc sĩ nhưng anh T phải chấp nhận làm nhân viên bán vé với mức thu nhập 4 triệu đồng.

T. tâm sự: “Nhà tôi khó khăn, bố mẹ chỉ mong sau khi tốt nghiệp đại học tôi có thể đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng sau khi tốt nghiệp ngành Đông phương, chỉ có một số bạn bè của tôi tìm được việc, còn lại thất nghiệp. Trong lúc chưa biết xin vào đâu thì mọi người rủ nhau học lên thạc sĩ để ít nhất là sau khi học xong có thể về trường làm giảng viên. Thấy vậy, tôi cố gắng thuyết phục gia đình 'bóp bụng' để cho mình học lên cao học”.

T. cho biết, những ngày học thạc sĩ rất mệt mỏi do lịch học không ổn định, lúc học ngày, lúc học tối. T cũng không thể xin việc làm thêm để đỡ đần gia đình.

“Thời gian đó, tôi chỉ biết cố gắng học thật tốt, nhằm lấy được tấm bằng thạc sĩ loại giỏi sau khi ra trường. Tôi nghĩ, sau khi học xong với kết quả tốt, chắc chắn tôi sẽ tìm được một việc có mức lương cao ở TP.HCM ”, T. nói.

Cùng lớp học thạc sĩ với T. còn 24 người nữa. Đa số đều tốt nghiệp loại khá, giỏi. Thế nhưng, khi đi xin việc, họ đều bị từ chối khéo với lý do, công ty không có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có học vị thạc sĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn – Minh Vương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN