Đề xuất mức giá chống ngập tại TP.HCM là 3.668 đồng/m2

Sự kiện: Thời sự

Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam đề xuất mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng.

Phương án giá dịch vụ chống ngập tính theo mét vuông vừa được Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng) tính toán nhằm tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho TP.HCM.

Thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp

Nói về phương án giá dịch vụ chống ngập, đại diện Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam (viết tắt là phân viện) cho biết đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM, viết tắt là trung tâm hạ tầng) chọn dự án chống ngập bằng máy bơm cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh làm căn cứ, cơ sở tính toán.

Sau hơn một năm tính toán, phân viện xác định mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP là 3.668 đồng/m2/tháng.

Việc xây dựng mức giá dịch vụ này là theo đề xuất của Sở Xây dựng TP từ tháng 5-2019 và UBND TP cũng đã có văn bản chấp thuận.

Theo phân viện, khi phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông này được áp dụng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia công tác chống ngập trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Lý giải thêm, đại diện phân viện cho hay sau nhiều năm thực hiện chống ngập theo phương thức đầu tư công nhưng hiệu quả chưa cao, UBND TP đã có chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập từ các doanh nghiệp.

Hiện tại, TP đang ký hợp đồng thuê máy bơm “khủng” với Tập đoàn Quang Trung với mức giá 14,2 tỉ đồng/năm.

Theo vị đại diện của phân viện, giá dịch vụ thuê máy bơm “khủng” nói trên được chủ đầu tư đề xuất và thương thảo mà không có căn cứ về diện tích hay cơ sở tính toán.

Phương án xây dựng giá dịch vụ này là do phân viện làm theo đơn đặt hàng của trung tâm hạ tầng. Việc xây dựng giá dịch vụ chống ngập dựa trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng là do trung tâm hạ tầng cung cấp. Toàn bộ số liệu tính toán đều dựa trên số liệu đầu tư xây dựng, số liệu biên bản ghi nhận các trận mưa để tính toán.

Cụ thể, trung tâm hạ tầng và Tập đoàn Quang Trung đã ký kết hợp đồng dựa trên số liệu là 750 ha. Từ số liệu này, phân viện đã tính toán ra đơn giá dịch vụ chống ngập.

“Còn câu chuyện thu giá chống ngập là quyết định của UBND TP. Hiện giá dịch vụ chống ngập này chưa phải là giá sau cùng và cũng chưa được UBND TP phê duyệt” - vị đại diện này cho biết.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đường Nguyễn Hữu Cảnh thường bị ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ai đóng?

Với phương án tính giá dịch vụ nói trên, nhiều người dân ái ngại liệu giá này có phải do người dân đóng không.

Anh Trần Đình Sửu (ngụ quận Bình Thạnh) thắc mắc: “Tôi chưa hiểu về giá dịch vụ chống ngập này cho lắm. Người dân đã đóng đủ các loại thuế, phí như thuế đất, phí cầu đường…, tôi mong không phải đóng thêm khoản thu nữa”.

ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc trung tâm hạ tầng, khẳng định hiện nay đơn giá dịch vụ chống ngập trung tâm chưa trình Sở Xây dựng. Đồng thời, việc xây dựng định mức đơn giá là để làm cơ sở thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ chứ không phải để thu tiền của người dân như một số ý kiến băn khoăn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần phải định nghĩa rõ ràng việc xây dựng đơn giá dịch vụ này để làm gì. Nếu Nhà nước không có ngân sách chi chống ngập và xây dựng đơn giá là để tăng ngân sách cho TP thì khác, còn việc xử lý hậu quả cho tình trạng ngập thì phải tính toán khác.

Theo kiến trúc sư Nam Sơn, phát triển đô thị đã gây tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân, gây kẹt xe, ngập nước và làm hạ tầng quá tải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bắt đầu từ các dự án mới xây dựng.

Ông Nam Sơn dẫn chứng ở nhiều nước trên thế giới, nhà nước sẽ đánh giá tác động môi trường để quy trách nhiệm xã hội phải đóng góp cho ngân sách là bao nhiêu. Trong khi đó, Việt Nam đến nay vẫn chưa làm nên cần phải triển khai ngay.

“TP cần lưu tâm từ những dự án lớn gây tác động môi trường, làm kẹt xe, ngập nước… Nếu những nhà đầu tư, dự án gây ra những tác nhân trên, làm ảnh hưởng đến người dân thì có thể thu tiền để chi trả cho chi phí chống ngập” - ông Sơn gợi ý.

Cần lập nghiên cứu nhiều dự án mới khả khi

TP.HCM là vùng ngập tự nhiên với kênh rạch, hồ chứa nhân tạo và các ống cống của hệ thống thoát nước. Hiện vùng ngập tự nhiên ở TP đang bị thu hẹp theo quá trình đô thị hóa, thể tích chứa nước trong hệ thống cống không lớn và TP đang rất lúng túng trong việc tạo ra các hồ chứa nhân tạo để phục vụ chống ngập.

Còn về việc các đơn vị lên phương án tính giá dịch vụ chống ngập và lấy giá trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh để phân tích thì việc tính toán này là chưa có cơ sở. Lý do là mỗi nơi có một cách tính toán, chi phí và cách vận hành chống ngập khác nhau. Do đó, cần phải lập nghiên cứu nhiều dự án mới khả thi và đưa ra kết quả tốt nhất.

Theo đó, TP cần tổ chức nhiều hội nghị, nghiên cứu và phản biện để đưa ra những phương án cụ thể để cống hiến cho xã hội. Đồng thời, TP cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng khu vực bị ngập cụ thể.

Để huy động sức dân và có nguồn lực chống ngập thì TP có thể phát hành trái phiếu, vay vốn ODA để mang lại hiệu quả. Từ đó, từng vùng ngập cần đưa ra phương án tính toán, nghiên cứu các dự án chống ngập từ ý tưởng, thiết kế đến thi công thì mới mang lại hiệu quả và nhận được sự ủng hộ của người dân.

TS LÊ THÀNH CÔNG, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C 

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh nhìn từ trên cao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở Sài Gòn

Sau 4 năm khởi công, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1” với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Trang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN