Đề xuất mất GPLX phải thi lại: “Không phù hợp, thêm gánh nặng chi phí”

Sự kiện: Thời sự

Luật sư, chuyên gia giao thông vừa có chia sẻ liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT “tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại” gây tranh cãi.

Đề xuất mất GPLX phải thi lại: “Không phù hợp, thêm gánh nặng chi phí” - 1

Bằng lái xe giả bị phát hiện tại TP HCM - Ảnh: Thành Đồng

Ngày 6/3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành giao thông, cùng nhiều chuyên gia đề nghị có chế tài thật nặng đối với lái xe vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể còn đề ra hàng loạt giải pháp cứng rắn để ngăn chặn việc "lách" luật. Trong đó, Bộ trưởng Thể đề xuất “tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3". Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải phản ứng từ cộng đồng mạng xã hội.

Thi lại gây thêm gánh nặng chi phí

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, ông không đồng tình với đề xuất của Bộ Trưởng Bộ GTVT. Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hiện nay có tình trạng một số lái xe dù không mất GPLX nhưng vẫn khai báo mất để được cấp lại nhiều lần và sở hữu nhiều bằng. Điều này dẫn đến việc tài xế vi phạm, bị giữ bằng nhưng vẫn có bằng lái để tiếp tục điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, đó chỉ là con số nhỏ và rất ít lái xe làm như vậy, không phải là tất cả.

Đề xuất mất GPLX phải thi lại: “Không phù hợp, thêm gánh nặng chi phí” - 2

 Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội)

“Thực tế hiện nay có nhiều người dân bị mất bằng lái xe do nguyên nhân khách quan và không liên quan gì với kỹ năng lái hay kiến thức an toàn giao thông. Ví dụ như người dân mất bằng lái vì bị trộm cắp ví, mất hết giấy tờ do đánh mất, hoặc do hỏa hoạn cháy nổ. Chính vì vậy, nếu mất bằng lái mà bắt người dân đi làm lại sẽ tốn thời gian, công sức và thêm gánh nặng phí”, Luật sư Tuấn Anh chia sẻ.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, đề xuất của Bộ trưởng Thể đưa ra không phù hợp với quy định của pháp luật và không phù hợp với thực tiễn. Thêm nữa, theo luật sư Tuấn Anh, hiện nay không có một quy định pháp luật nào quy định rằng công dân mất đi giấy tờ mà phải học lại, thi lại.

“Thay vì đó, pháp luật quy định, khi mất giấy tờ, công dân chỉ cần đến công an sở tại khai báo và xin giấy xác nhận là mất giấy. Sau đó, công dân sẽ mang giấy này đến nơi mình được cấp, làm hồ sơ theo hướng dẫn sẽ được cấp lại giấy tờ mới”, luật sư Tuấn Anh nói thêm.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, bản thân ông cũng không đồng tình với đề xuất đó và thấy rằng đề xuất này không phù hợp với thực tiễn. Ông nói: “Đề xuất này đi ngược lại với những chủ trương của nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính”.

“Hiện nay, trong quá trình thi lấy giấy phép lái xe, việc tổ chức thi cử còn lỏng lẻo về cả phần thực hành lẫn lý thuyết. Do vậy, khi xảy ra các sự cố khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện không phản ứng kịp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng nên siết chặt quy trình thi giấy phép lái xe và phối hợp với cơ quan công an để quản lý bằng lái thay vì yêu cầu thi lại khi mất bằng”, ông Liên chia sẻ thêm.

Nên xây dựng phần mềm “truy” những lái xe khai  gian dối

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên tổ trưởng tổ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1 (Công an TP. Hà Nội) cho rằng, việc cấp bằng cho những người không đủ điều kiện là trách nhiệm của các cán bộ trong các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Để việc cấp bằng lái xe được nghiêm túc, đúng luật thì Bộ Giao thông vận tải cần phải chấn chỉnh cán bộ, công chức, nhân viên của mình.

Thêm nữa, cơ quan thực thi pháp luật (tức là cơ quan xử phạt vi phạm hành chính) với nơi cấp giấy phép lái xe và cụ thể ở đây là Sở GTVT các tỉnh thành, địa phương, Tổng cục đường bộ Việt Nam cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

“Theo luật, trong thời hạn 60 ngày kể từ khi công dân đến đề nghị cấp lại giấy phép lái xe thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trả lời, cấp lại bằng lái mới cho công dân. Theo tôi, nếu có phần mềm riêng biệt trong thời gian này, nơi cấp giấy phép lái xe sẽ xác minh từ lực lượng cảnh sát giao thông, công an xem có đang tạm giữ giấy phép lái xe không hay là do mất thật. Nếu đúng công dân bị mất giấy phép lái xe sẽ cấp lại, còn phát hiện gian dối sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Quỹ đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Quỹ, cơ quan chức năng cũng có thể xem xét sản xuất bằng lái xe có quét mã vạch. Khi cơ quan chức năng cấp bằng mới thì hủy mã bằng cũ trên hệ thống. Như vậy, giải pháp này cũng tránh được việc một số người cố tình báo mất “lách luật” làm thêm bằng lái xe.

Chống ”lách luật”, bộ trưởng GTVT đề nghị mất bằng lái xe phải thi lại!

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đang đề xuất quy định người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ mới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN